Trần Tư bị tù vì chuyển lậu công nghệ dùng cho quân sự
Theo CNN, phía công tố đã cáo buộc Trần Tư (Si Chen), một phụ nữ 33 tuổi trong thời gian từ 2013 đến 2015 trong khi không được phép đã mua và xuất khẩu trái phép các thiết bị quân sự và thông tin vệ tinh trị giá 100 ngàn USD về Trung Quốc, trong đó có máy gây nhiễu thông tin không gian và máy gây nhiễu thiết bị thông tin quân sự.
Công tố viên Nick Hanna nói trong một bản tuyên bố: “Bị cáo Trần Tư cố ý tham gia âm mưu bí mật vận chuyển các vật phẩm quân sự về Trung Quốc. Loại vật tư bị chuyển lậu có thể bị sử dụng vào các phương thức phá hoại khác nhau, bao gồm làm tắc nghẽn các thiết bị thông tin vệ tinh của chúng ta”.
Trần Tư sống ở Pomona, bang California đã bị bắt hồi tháng 5/2017, tháng 7 vừa qua bà ta bị cáo buộc vi phạm “Luật quyền lực kinh tế tình trạng khẩn cấp quốc tế” (International Emergency Economic Powers Act - IEEPA) và đã nhận tội. Bà ta còn đồng thời thú nhận các tội rửa tiền và sử dụng hộ chiếu giả.
Vụ việc của Trần Tư trên báo Mỹ
|
Theo tài liệu của tòa, Trần Tư năm 2007 tới Mỹ học nghiên cứu sinh chuyên ngành Kế toán, sau khi tốt nghiệp xin vào thực tập tại một công ty công nghệ hàng không – không gian. Khi bị bắt, bà ta đang cùng chồng cư trú tại Pomona cùng với con gái 4 tuổi.
Phía viện kiểm sát nêu rõ, Trần Tư đã mua các thiết bị điện tử bị quản chế thông qua Công ty Archangel Systems Space,Inc – ASSI, có trụ sở tại bang Delaware rồi xuất khẩu tới Trung Quốc qua Hongkong và Thâm Quyến. Trong suốt quá trình mua và xuất khẩu không được Bộ Tư pháp xem xét cấp xuất khẩu và cũng không hề vào mạng khai báo, điền vào bảng tư vấn xuất khẩu sản phẩm điện tử (EEI) trên hệ thống khai báo tự động.
Trong thời gian thực hiện hành vi phi pháp này, Trần Tư và những người đồng lõa đã trao đổi với nhau qua e-mail bằng tiếng Trung và Anh. Trong đó có nội dung trao đổi về việc sử dụng tên giả để đăng ký hoạt động thương mại ở thành phố El Monte.
Ngoài ra, Trần Tư còn bị cáo buộc tội rửa tiền, làm giấy tờ giả khi xin nhập cư. Bà ta và những đồng lõa đã gửi cho nhau thông tin về các ngân hàng và ảnh qua e-mail để sử dụng làm hộ chiếu giả. Ngày 9/9/2014, Trần Tư sử dụng tên giả “Xuân Bình” để làm hộ chiếu Trung Quốc giả, thuê văn phòng ở Pomona với danh nghĩa Công ty ASSI rồi thông báo qua e-mail địa chỉ công ty cho những người liên quan đến vụ án.
Bản khởi tố đã liệt kê một loạt tên giả mà Trần Tư đã sử dụng, gồm: Cathy, Celia, Cecilia và Chumping Ji. Bà ta bị cáo buộc phạm 14 tội danh như: hợp mưu, mưu đồ và cố ý vi phạm Luật IEEPA để vận chuyển lậu hàng hóa khỏi nước Mỹ; rửa tiền quốc tế; cung cấp thông tin xuất khẩu trái phép; làm và sử dụng hộ chiếu giả, giấy phép giả, văn bản giả. Trong đó xuất khẩu 4 mặt hàng bị cáo buộc phạm 4 tội danh.
Phía viện kiểm sát khẳng định: Trần Tư trong tình huống biết rõ mọi chuyện, đã tham gia kế hoạch bí mật vận chuyển thiết bị dùng trong quân sự tới Trung Quốc. Căn cứ văn bản của tòa, sau khi thụ án xong, Trần Tư sẽ bị trục xuất về Trung Quốc.
Việc về nước tham gia “Kế hoạch ngàn người” trở thành mối nguy hiếm đối với các nhà khoa học Mỹ gốc Hoa
|
Tham gia “Kế hoạch ngàn người” là có thể đặt chân vào tù
Theo VOA, từ khi Trung Quốc bắt đầu thực thi “Kế hoạch ngàn người” năm 2008, đến 2018 đã chiêu mộ được 8.000 nhân tài trong các ngành công nghệ mũi nhọn, chuyên gia, học giả về phục vu trong nước; phần lớn những người này đều thuộc các trường đại học hoặc viện nghiên cứu do chính phủ Mỹ quản lý. Nghị sỹ Cộng hòa Lamar Smith hồi tháng 4 từng phát biểu: Trung Quốc sử dụng chiêu này để đào tạo gián điệp, lấy cắp công nghệ Mỹ, gây nguy hại đến kinh tế và an ninh của Mỹ.
Hành động điều tra “Kế hoạch ngàn người” của Mỹ gây nên sự bất an lớn trong giới khoa học người Mỹ gốc Hoa. Washington đang nhanh chóng mở rộng sự hạn chế giao lưu khoa học kỹ thuật với Trung Quốc sang lĩnh vực trao đổi nhân tài. Cách đây không lâu có tin Trung tâm nghiên cứu trị liệu ung thư Anderson ở Houston (MD Anderson Cancer Center) đã bắt đầu sa thải những học giả người Hoa tham gia vào “Kế hoạch ngàn người” trong nước. Có tin việc này diễn ra sau khi Trung tâm nhận được danh sách của FBI về những học giả ở đây đã tham gia “Kế hoạch ngàn người” trong nước. FBI yêu cầu họ thẳng tay loại bỏ những học giả này một cách vô điều kiện. Tuy nhiên, khi được hỏi, Trung tâm đã từ chối bình luận về vụ việc này.
Hồi đầu tháng 8, ông Joseph A. Heppert, Phó hiệu trưởng phụ trách công tác nghiên cứu trường Texas Tech University (TTU) đã đăng tải một bức thư ngỏ gửi các giáo sư, giảng viên, viên chức trên trang web của nhà trường, yêu cầu nâng cao cảnh giác, báo cáo với nhà trường về các mối quan hệ (nếu có) với Trung Quốc, Nga, Iran và trực tiếp chỉ trích “Kế hoạch ngàn người” của Bắc Kinh. Ông Francis Collins, Viện trưởng nghiên cứu Y tế quốc gia Mỹ cũng đăng thư ngỏ khuyến khích các cơ quan trong viện được tài trợ hãy liên hệ với văn phòng FBI ở địa phương để trao đổi về quyền sở hữu trí tuệ và mối đe dọa can dự từ bên ngoài.
Một nhà khoa học Trung Quốc khác là Ning Xi (Tập Ninh), chuyên gia về người máy và tự động hóa của Đại học Michigan hồi tháng 5 đã bị FBI bắt và cáo buộc tội lừa đảo tiền qua mạng (wire fraud) sau khi lừa chiếm được 43.000 USD kinh phí của nhà trường này và Hội Công trình Điện tử - cơ điện Mỹ (IEEE).
Giáo sư Trương Dĩ Hằng bị FBI bắt vì lừa lấy hàng triệu USD của chính quyền Mỹ
|
Một chuyên gia về công trình sinh học, Giáo sư Trương Dĩ Hằng (YiHeng Zhang) ở Khoa công trình hệ thống sinh vật Đại học Virginia được giao chủ trì nghiên cứu nhiều hạng mục như điều chế hydro từ đường, chế tạo pin sinh học…nhưng đã bị bắt và cáo buộc phạm 7 tội danh, trong đó có lừa dối chính phủ Mỹ, làm chứng cứ giả. FBI chỉ rõ, Trương và 2 nghiên cứu sinh người Hoa trong phòng thí nghiệm trong thời gian từ tháng 1/2014 đến 5/2016 đã lợi dụng thành quả kỹ thuật mới để lừa lấy hàng triệu USD của Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ và Bộ Năng lượng nhưng không sử dụng cho việc nghiên cứu của nhà trường.
Ngày 1/8, Trịnh Tiểu Thanh, kỹ sư chủ nhiệm công trình thuộc Công ty GE bị FBI bắt do liên quan đến vụ lấy cắp bí mật về động cơ turbine để chuyển về Trung Quốc.
Một trường hợp khác, hôm 22/2, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo đã đưa ra xét xử và phạt tù nhà khoa học Mỹ gốc Hoa Vương Xuân Tại (Chunzai Wang), cựu nhân viên Cơ quan quản lý khí quyển và hải dương (NOAA), Viện sỹ Viện Khoa học Trung Quốc vì từ năm 2010 đã tham gia vào nhiều kế hoạch nhân tài trọng điểm của chính phủ Trung Quốc và nhận lương của Trung Quốc, vi phạm pháp luật Mỹ.
Tất cả những người này đều được đưa sang Mỹ đào tạo dài ngày sau khi Trung Quốc thực hiện Cải cách mở cửa hồi thế kỷ trước; sau khi giành được bằng Tiến sỹ và có thành tựu xuất sắc về chuyên môn đều đã nhập tịch Mỹ, nhưng họ đều tham gia “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc.
Những động thái mạnh tay gần đây của Mỹ khiến các nhà khoa học Mỹ gốc Hoa vốn được hưởng lợi từ cả hai phía Mỹ, Trung giờ đây đang thấp thỏm không yên. Xem ra, đối với họ, việc tham gia “Kế hoạch ngàn người” đã trở nên tham gia “Kế hoạch vào tù”.