Muốn có cán bộ tốt thì cần có công tác tổ chức, cán bộ tốt

VietTimes -- Ngày 23-9, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Quyết định số 205-QĐ/TW (Quyết định 205) “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ  và chống chạy chức, chạy quyền”. Đây là chủ trương đúng đắn, khẳng định quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, để Đảng vững và ngày càng mạnh thêm từ gốc.
Ông Đặng Quang Ánh, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thạch Thất (Hà Nội) bị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội kỷ luật hình thức cảnh cáo.
Ông Đặng Quang Ánh, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thạch Thất (Hà Nội) bị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội kỷ luật hình thức cảnh cáo.

Dư luận mong Quyết định 205 khi được áp dụng vào thực tiễn sẽ giúp giải quyết được những hạn chế và bất cập trong công tác cán bộ, là động lực để nhiều người làm công tác tổ chức, cán bộ không thể lấy ý chí cá nhân định hướng quyết định tập thể cấp ủy.   

Từ lâu Đảng ta đã xác định, công tác cán bộ là khâu “then chốt” trong những vấn đề “then chốt” nhất. Mặc dù rất coi trọng công tác cán bộ và dù Đảng ta đã ban hành nhiều quy định về công tác quản lý cán bộ, nhưng thực tế cho thấy chất lượng đội ngũ cán bộ của ta vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là trong công tác tổ chức, cán bộ.

Nghị quyết số 26-NQ/TW (Nghị quyết 26) ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã chỉ rõ một số yếu kém điển hình về việc chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi”.

Các chuyên gia cho rằng, những gì mà Nghị quyết 26 đã đánh giá về công tác tổ chức, cán bộ như đã nêu là hoàn toàn có cơ sở. Bởi nếu làm chặt chẽ thì chắc chắn không thể có những cán bộ vụ lợi giữ được những vị trí quan trọng.

Đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tổ chức, cán bộ (cán bộ tổ chức) có vị trí, vai trò rất quan trọng trong thực thi công tác cán bộ, góp phần rất lớn vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý và có chất lượng tốt. Với chức trách, nhiệm vụ được giao, những cán bộ này là những người làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác cán bộ.

Đây vốn được xem là công tác khoa học mang tính thực tiễn cao và cần đến những người có cả tâm và tầm cao hơn những cán bộ khác. Bởi việc lựa chọn cán bộ vào các vị trí công tác đúng với sở trường sẽ phát huy được năng lực và mang lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, nếu công tác tham mưu, quy hoạch không tốt, mang nặng ý chí cá nhân thì hậu quả khó lường. Xin đưa ra ví dụ điển hình.

Trong tháng 8/2019, cùng với ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Thạch Thất, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với đồng chí Đặng Quang Ánh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thạch Thất.

Nguyên do là trong thời gian giữa chức Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thạch Thất, đồng chí Đặng Quang Ánh đã không làm tốt vai trò tham mưu về công tác cán bộ, đưa vào quy hoạch một số cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực, ảnh hưởng đến chất lượng lãnh đạo, quản lý của địa phương.

Từ sự việc này cho thấy, do công tác quy hoạch bị khép kín, chưa thực sự dân chủ nên chưa đánh giá hết những ưu, khuyết điểm trong cán bộ để lựa chọn đúng người, đúng sở trường vào các công việc lãnh đạo, quản lý phù hợp. Do vậy, đây là kẽ hở để những người làm công tác này có điều kiện tham mưu cho cấp ủy và lãnh đạo theo ý đồ cá nhân.

Các đại biểu dự lễ khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn bí thư, phó bí thư quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội.

Các đại biểu dự lễ khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn bí thư, phó bí thư quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội.

Quay trở lại với nội dung của Quyết định 205 vừa được ban hành nhận thấy, nhiều việc trong công tác tổ chức, cán bộ đã được điểm mặt, đặt tên và bị nghiêm cấm thực hiện trong quyết định 205. Chẳng hạn như tại điểm 4, Điều 11 đã quy định về hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền có cấm các hành vi sau: “Xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để đạt mục đích cá nhân”.

Theo nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong công tác tổ chức, cán bộ, do tính chất đặc thù nên đòi hỏi những người làm công tác này cũng phải có các tiêu chuẩn cao hơn các đối tượng khác, đặc biệt là về bản lĩnh và tinh thần cống hiến.

Theo đó, ngoài những yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực, thấu hiểu đường lối, chính sách, pháp luật, am hiểu thực tế, am hiểu công tác quần chúng; cán bộ tổ chức phải có kiến thức xây dựng Đảng; có kinh nghiệm trong công tác; có kiến thức về khoa học xã hội, chính trị học, tâm lý học, khoa học lãnh đạo và quản lý; có văn hóa ứng xử, thấu hiểu con người, cân bằng hài hòa giữa lý trí và tình cảm để giải quyết công việc.

Tuy nhiên, tiêu chí đưa ra về người làm công tác tổ chức, cán bộ sẽ không có tác dụng thiết thực cho công việc nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Chỉ có kiểm soát chặt chẽ công tác tổ chức, cán bộ mới có thể cho ra những cán bộ chất lượng.