Lương của các kỹ sư công nghệ thông tin (ICT) của Malaysia vẫn tiếp tục chiều hướng tăng, từ 8.114 ringgit (đơn vị tiền Malaysia, viết tắt là RM, tương đương 45 triệu đồng) năm 2015 lên 8.484 RM trong năm 2016. Dự báo năm 2017 sẽ lên mức 9.000 RM ((tương đương 48 triệu đồng)
Tuy nhiên mức tăng đã chậm lại so với trước. Đó là một trong những kết quả điều tra do Hiệp hội ICT quốc gia Malaysia (Pikom) thực hiện với sự cộng tác của Jobstreet.com về Triển vọng Thị trường Việc làm trong lĩnh vực ICT tại Malaysia năm 2017.
Ông Woon Tai Hai, Trưởng Ban nghiên cứu của Pikom tỏ ra không ngạc nhiên với kết quả đó khi đưa ra một loạt các thách thức kinh tế ở trong nước cũng như ở nước ngoài đối với Malaysia bởi nền kinh tế thế giới cũng ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng mười năm qua.
Tuy nhiên, Pikom cũng đánh giá nền kinh tế Malaysia năm nay sẽ có những khởi sắc, với mức tăng trưởng sẽ khá hơn mức dự báo.
“Chúng tôi đã xem xét lại mức dự báo 4% tăng trưởng GDP và đưa ra mức 5% cho năm 2017 dựa trên sự cải thiện của khu vực kinh tế trong nước và cả ở nước ngoài” - Chủ tịch Pikom - ông Chin Chee Seong nói.
Vì thế, Pikom cũng dự báo, mức lương trung bình của kỹ sư ICT sẽ tăng 6,7% trong năm 2017 lên mức trên 9.000 RM (tương đương 48 triệu VNĐ) do kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng của nền kinh tế trong năm nay.
Khoảng cách ngày càng nới rộng
Theo báo cáo của Pikom, mức lương của kỹ sư mới ra trường, quản lý các cấp từ thấp đến cao đã tăng lên vào năm 2016 mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp hơn dự báo.
Ông Woon cho biết: "Các kỹ sư mới vào nghề là những người có mức tăng thấp nhất, chỉ có 3.7% trong năm 2016 so với 5.3% vào năm 2015.
Theo ông, xu hướng khoảng cách tiền lương giữa các trình độ của kỹ sư ngày càng nới rộng là một điều đáng quan ngại, vì nếu như năm 2016, mức lương của một chuyên gia quản lý cấp cao nhiều hơn gấp 6,44 lần so với kỹ sư mới vào nghề thì dự kiến năm 2017 sẽ tăng lên 6,61 lần.
"Nếu vấn đề này không được giải quyết, sẽ có ít kỹ sư mới ra trường tham gia lĩnh vực công nghệ thông tin, điều này sẽ tác động bất lợi lên toàn ngành”, ông Woon nói.
Tính chung lại, mức lương trung bình của kỹ sư công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của toàn nền kinh tế có thứ hạng như sau: trong nhóm ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp nặng, chế tạo máy móc đứng đầu với 8.595 RM. Tiếp đó là trong các trung tâm dịch vụ khách hàng, dịch vụ được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin, dịch vụ thuê ngoài với mức 8.82 RM. Trong lĩnh vực vận chuyển, lưu kho, xếp dỡ, tàu biển với mức 8.791 RM; lĩnh vực khoa học, công nghệ, vũ trụ, sinh học là 8.760 RM và trong lĩnh vực phần cứng là 8.397 RM.
ICT sẽ là động lực
Qua xem xét hiện trạng ngành công nghiệp ICT ở Malaysia, Pikom dự kiến tổng đóng góp của ICT vào GDP ở Malaysia sẽ tăng từ 152 tỷ RM năm 2015 lên khoảng 164 tỷ RM vào năm 2016.
Động lực chính của ngành công nghiệp ICT tiếp tục đến từ lĩnh vực dịch vụ ICT, theo đó tăng từ mức 64,4 tỷ RM năm 2015 lên mức 67 tỷ RM vào năm 2016.
"Năm nay chúng ta đã chứng kiến nhiều bước phát triển ICT đang tạo ra những triển vọng tích cực trong tương lai của ngành trong những năm tới", ông Chin nói.
Những bước phát triển này bao gồm việc thành lập hội thương mại điện tử mới Malaysia thuộc Pikom nhằm hỗ trợ thị trường thương mại điện tử hiện đang có sự tăng trưởng nhanh chóng cũng như sự ra mắt của Khu mậu dịch tự do Số vào tháng 3 năm 2017 nhằm cung cấp các địa điểm cả trên thực địa cả trên thế giới ảo để giúp các doanh nghiệp tận dụng lợi thế của nền kinh tế Internet.
Ngoài ra còn có việc áp dụng lập trình hóa trong các trường học theo Sáng kiến Quốc gia về Chiến lược Đại dương Xanh, để các học sinh tiểu học tiếp xúc với lập trình cơ bản, khuyến khích học sinh trở thành những người góp phần xây dựng chứ không đơn thuần chỉ là người sử dụng nội dung.
Báo cáo nêu rõ, Malaysia là một trong số ít quốc gia ở ASEAN chủ động xây dựng một lộ trình toàn diện để tiến tới thế giới kết nối vạn vật (IoT), một đóng góp then chốt đối với đất nước.
Nói cách khác, đất nước này có những điều kiện thuận lợi để có một nền tảng IoT mạnh với tỷ lệ người dùng điện thoại di động lên đến 143,7%, người sử dụng internet là 65,8% và phương tiện truyền thông xã hội là 45%.
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức cần được giải quyết, do việc áp dụng ICT ở các vùng nông thôn vẫn chưa đạt được mức cần thiết do có tâm lý ngại sử dụng công nghệ. Bên cạnh đó cũng cần giải quyết các mối quan ngại về bảo mật và bảo đảm sự riêng tư.
Theo Báo cáo lương 2016 của JobStreet.com, ở tất cả các cấp bậc, lương ngành công nghệ thông tin đều nằm trong top 10 ngành có mức lương trung bình cao tại Việt Nam. IT/Computer – phần mềm là một trong những vị trí của ngành có mức lương cao lý tưởng. Lương ngành công nghệ thông tin, dù mới ra trường hay nhân viên 1-3 năm, đều nằm trong top 10 tại Việt Nam:
- Mới ra trường: 8,636,614 VND đứng thứ 3
- Nhân viên 1-3 năm kinh nghiệp: 12,292,688 VND đứng thứ 2
- Quản lý: 27,295,313 VND đứng thứ 3
Theo đó, lương trung bình ngành CNTT của Việt Nam là 18,8 triệu đồng/tháng, đứng thứ 3/10 ngành có mức lương cao nhất tại Việt Nam (đứng thứ 2 là Bất động sản và đứng thứ 1 là Y tế- Dược).