"Mua sắm công, đi nước ngoài... kêu gào giảm nhưng nó cứ phình lên"

Biên chế cứ tăng phình, chi phí biên chế nhiều, mua sắm công, xây dựng trụ sở, chi tiêu hành chính, đi nước ngoài… ta cứ kêu gào giảm đi nhưng nó lại cứ phình lên - Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm chia sẻ.
Hình minh họa
Hình minh họa

Nỗi lo bội chi ngân sách, nợ công làm đau đầu nhiều ĐBQH. Một số đại biểu đã thẳng thắn hiến kế mạnh tay cắt giảm chi tiêu.

Trao đổi với PV Infonet, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm – Nguyên là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc đảm bảo ngân sách liên quan đến vấn đề dự toán nhiều năm thường là dự toán thu và việc dự báo tình hình cần sát để các nguồn thu không giảm. 

Theo ông Kiêm, hiện nay, diễn biến tình hình kinh tế trên thế giới thường có những sự biến động quá nhanh, ví dụ như giá dầu, nếu việc dự đoán không chính xác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu. Ông Kiêm cho rằng ngân sách còn 45000 tỷ đồng là quá thấp so với các nước.

Theo ông Kiêm, do việc chi thường xuyên của nước ta chiếm quá lớn nên phần hao hụt bao giờ cũng là do chi thường xuyên. Và việc quản lý đầu tư không chặt chẽ làm hiệu quả của đầu tư giảm. Điều đó dẫn đến lượng chi cho đầu tư cũng thiếu hụt, đó là yếu kém.

"Mua sắm công, đi nước ngoài... kêu gào giảm nhưng nó cứ phình lên" ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm

Ông Kiêm cho biết, ở các nước phát triển thường bội chi nhưng vấn đề này phải được kiểm soát ở mức nào và việc bội chi không diễn ra thường xuyên.

Nói về bội chi ngân sách ở nước ta, ông Kiêm cho rằng khi bội chi ngân sách thì các khoản chi về hành chính cần quản lý cần chặt chẽ hơn. Ông nói: “Biên chế cứ tăng phình, chi phí biên chế nhiều, mua sắm công, xây dựng  trụ sở, chi tiêu hành chính, đi nước ngoài… ta cứ kêu gào giảm đi nhưng nó lại cứ phình lên”.

Theo vị nguyên là Thống đốc Ngân hàng nhà nước này thì việc hô hào hạn chế chi tiêu xây dựng trụ sở hội họp, đi nước ngoài... nhưng chả thấy xử lý vụ nào và cứ lần sau trầm trọng hơn, phổ biến hơn lần trước. Nguyên nhân của việc “phình to” này chính là việc xử lý không nghiêm.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến ngân sách bị bội chi, ông Kiêm cho rằng đó chính là sự “phình lên” của bộ máy nhà nước. Theo ông Kiêm, để giải quyến vấn đề này thì cần phải siết chặt vấn đề biên chế, tổ chức. Việc này cần được quản lý chặt chẽ và đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn đảm bảo được năng suất lao động. 

Trong quá trình thực hiện việc này phải có sự liên kết, phối hợp giữa các cơ quan thực hiên. Không thể để tình trạng người này làm được, người kia không làm được trong bộ máy bởi điều đó tạo nên sự thiếu bình đẳng. Việc bất bình đẳng như vậy khiến cho tình hình không kiểm soát được  và chi vẫn tăng mà hiệu quả lao động lại giảm.

Theo ông Kiêm, các sai phạm liên quan đến vấn đề bộ máy và chi ngân sách cần có chế tài xử lý nghiêm và có địa chỉ cụ thể: "Đôi khi chúng ta cứ nói là có tình hình thế này thế khác nhưng chưa thấy xử lý gì, ai cũng thấy mình chưa có khuyết điểm mà khuyết điểm ở chỗ khác. Điều đó thể hiện tính răn đe và kỷ cương không mạnh mẽ".

Trả lời về bài toán lao động việc làm nếu như tinh giản bộ máy biên chế nhà nước, ông Kiêm cho rằng, chính sách bao giờ cũng có 2 mặt, được cái này sẽ mất cái khác. Chúng ta phải tính toán cái gì được lớn, cái gì mất lớn hơn? Việc cắt bớt biên chế để nó không phình ra thì sẽ tốt hơn về mặt lâu dài.

"Mua sắm công, đi nước ngoài... kêu gào giảm nhưng nó cứ phình lên" ảnh 2
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc

Cũng nói về bộ máy cồng kềnh và chuyện tham nhũng, ông Dương Trung Quốc cho rằng, còn duy trì bộ máy công quyền cồng kềnh, hành chính với mức thu nhập khiêm nhường thế này thì tham nhũng còn là vấn đề gây nhức nhối. Theo ông Quốc, cần tổ chức lại bộ máy một cách tinh gọn và nuôi nó đàng hoàng thì chuyện tham nhũng sẽ bớt đi.

"Mua sắm công, đi nước ngoài... kêu gào giảm nhưng nó cứ phình lên" ảnh 3
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân

Khi nói về các vấn đề chi tiêu ngân sách và gánh nặng nợ công, ông Trần Hoàng Ngân- Đoàn đại biểu Quốc hội của Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhắc tới việc phải làm tốt công tác tịnh biên bộ máy hành chính và đội ngũ cán bộ công chức hưởng lương của nhà nước. Theo ông Ngân, cần đẩy mạnh xã hội hóa, dịch vụ công để giảm bớt số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì mới giảm được chi ngân sách và nợ công.

Ông Ngân cho rằng, điều quan trọng khác là quản lý khai thác hiệu quả hơn nữa các nguồn lực nhà nước đang quản lý như tài sản nhà nước, xe công, trụ sở, vốn nhà nước đang đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước… Khi quản lý và khai thác tốt được những nguồn lực đó sẽ tăng được nguồn thu ngân sách.

Về câu chuyện tịnh biên bộ máy, theo ông Ngân, cần tránh có sự cào bằng. Số lượng người tham gia vào bộ máy hành chính của từng địa phương phải gắn với điều kiện kinh tế, xã hội và số dân của địa phương đó để tính toán cho phù hợp.

Theo Infonet