Mưa ngập uy hiếp hoạt động sân bay Tân Sơn Nhất

“Tình huống xấu nhất sẽ dừng hoạt động sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) khi ngập nặng, không khai thác các chuyến bay đi để tránh uy hiếp an toàn bay”, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không nói.
Khu vực sân đậu máy Sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục ngập nặng trong trận mưa chiều 11.9.
Khu vực sân đậu máy Sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục ngập nặng trong trận mưa chiều 11.9.

Chỉ sau trận ngập lịch sử hôm 26.8 hơn nửa tháng, cơn mưa giông lớn kéo dài hơn 2 tiếng chiều 11.9 lại khiến một số bãi đỗ máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất ngập nước, khiến nhiều người lo lắng hoạt động của cảng hàng không lớn nhất nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí phải đóng cửa.

Còn nhớ trận mưa lịch sử chiều tối 26.8 đã biến sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) thành biển nước mênh mông, gần 70 chuyến bay bị ảnh hưởng, 4 chuyến bay quốc tế không hạ cánh được phải đáp xuống sân bay Campuchia, Thái Lan. Trước đó, trận ngập lịch sử ngày 9.10.2015 khiến sân bay TSN ngập sâu 20 cm, uy hiếp trạm điện có khả năng dẫn đến nổ, buộc phải đóng cửa tạm thời sân bay.

Xấu nhất là phải đóng cửa sân bay

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh, tình huống TSN ngập nặng khiến hoạt động bay bị dừng hoàn toàn có thể tái diễn. Do TSN vẫn phải dùng chung hệ thống thoát nước của toàn TP, nên khi toàn bộ khu vực xung quanh sân bay ngập thì nước trong sân bay cũng không thể thoát ra. “Tình huống xấu nhất sẽ dừng hoạt động sân bay TSN khi ngập nặng, không khai thác các chuyến bay đi để tránh uy hiếp an toàn bay”, ông Thanh nói và thừa nhận việc dừng khai thác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hành khách. Bởi TSN chiếm tới 40 - 50% lưu lượng bay của cả nước, bất cứ sự cố nào tại sân bay này cũng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động chung, kéo theo chậm chuyến dây chuyền. Các chuyến bay đến TSN sẽ phải bay vòng, hoặc hạ cánh xuống sân bay khác. Ngoài ảnh hưởng đến hoạt động của hành khách, việc ngập nước còn ảnh hưởng đến hạ tầng sân bay khi nước mưa ngập lâu sẽ bị xâm hại, tốn tiền sửa chữa.

“Đã là công trình sân bay liên quan đến hoạt động an toàn thì phải đảm bảo không ngập úng. Tuy nhiên, các sân bay nằm độc lập có hệ thống thoát nước riêng như sân bay Cam Ranh (Nha Trang) không bị ảnh hưởng, còn các sân bay nằm trong lòng TP, phụ thuộc vào hệ thống thoát nước của TP thì phải chịu trận chung với TP. Các biện pháp cấp bách TSN đang áp dụng để cưỡng chế tức thời như dùng bao cát chặn nước, dùng máy bơm hút nước ra ngoài”, ông Thanh nêu vấn đề, nhưng cũng cho rằng cái khó là ngoài sân bay cũng ngập thì nước trong sân bay thoát đi đâu!

Đặt câu hỏi chất vấn với ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, về việc tại sao ngập lụt tái diễn nhiều lần nhưng vẫn thiếu giải pháp xử lý tình thế tức thời hiệu quả, ông Mậu cho rằng sau trận mưa lớn cuối năm 2015, cảng vụ đã đề xuất Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) xây hồ điều tiết, về phía TP thì đề xuất nạo vét kênh mương. “Giải pháp trước mắt khi mưa lớn gây ngập sân bay là dùng bơm cưỡng bức bơm ra ngoài kênh mương. Những trận mưa vừa qua nếu không có máy bơm thì rất nguy, còn ngập lớn hơn. Hiện nay có 2 máy bơm công suất lớn đặt tại đài chỉ huy cũ, công suất mỗi giờ 1.000 m3. Nếu quá tải không đáp ứng đủ sẽ mua thêm máy bơm. Trường hợp xấu là mưa lớn 4, 5 ngày ngập toàn TP thì bất khả kháng”, ông Mậu nói.

Mưa ngập uy hiếp hoạt động sân bay Tân Sơn Nhất  ảnh 1

bay sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục bị ngập chiều 11.9. Ảnh: Quế An

Lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Nam cũng cho biết hiện trong sân bay đã thực hiện nạo vét xong các đường tiêu thoát nước, chỉ còn lo ngập bên ngoài. Sân bay TSN nằm trong khu vực cao nhất TP.HCM (cao hơn mặt nước biển từ 7 - 10 m). Giải pháp xây hồ điều hòa sẽ mất khoảng vài tháng, nếu sớm thực hiện sẽ có thể mang lại hiệu quả chống ngập cho sân bay rất lớn.

Quy hoạch, thực hiện đều có vấn đề

Theo các chuyên gia, bên cạnh các giải pháp mà TP.HCM và ngành hàng không đưa ra cho 3 - 4 năm tới, cần phải có giải pháp tình thế với các nguy cơ phát sinh trước mắt. Không thể chấp nhận tình trạng chờ đợi dài hạn, trong khi vấn đề trước mắt không có lối thoát, ảnh hưởng đến hoạt động bay của sân bay lớn nhất nước.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng nguyên nhân dễ nhận thấy do nạo vét, bảo trì tại các kênh mương tiêu thoát nước từ sân bay ra bên ngoài kém hiệu quả, dẫn tới khi các khu vực xung quanh cũng bị ngập do mưa lớn thì tiêu thoát nước từ sân bay càng lâu hơn và sân bay ngập cục bộ. “Quản lý chung cũng như quy hoạch tiêu thoát nước của TSN đang có vấn đề, thiếu hiệu quả. Tiêu thoát nước cục bộ cho sân bay không có gì quá khó. Nhưng khi xảy ra vấn đề như ngập lụt nghiêm trọng tại sân bay thì bên này đổ lỗi bên kia”, ông Tống nói và cho rằng TSN cần mua thêm các máy bơm cưỡng chế để tăng khả năng bơm thoát nước khi mưa lớn.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, quỹ đất của TSN ngoài 2 đường băng còn hệ thống bãi cỏ rất lớn, có thể sử dụng diện tích này để xây các bể chứa nước chủ động, với số lượng bể nhiều dọc theo sân bay sẽ chứa được lượng nước đáng kể song song với bơm cưỡng bức khi mưa lớn để tránh ngập lụt cục bộ. Đây là giải pháp hoàn toàn có thể thực hiện nhanh và chủ động để tránh ngập cho sân bay.

Còn theo PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (WACC) thuộc ĐHQG TP.HCM, giải pháp làm hồ điều tiết để giải quyết ngập cho bên trong sân bay có nhược điểm sẽ tạo hố sâu, nên một số tình huống có thể gây nguy hiểm cho máy bay khi trượt bánh, hoặc có thể phát sinh ô nhiễm môi trường. Ông Phi hiến kế nên làm mương thấm bằng cách đào nền, sau đó đặt các hộp rỗng có thể chứa nước. Giải pháp này nếu tính toán hợp lý thì sẽ chịu lực rất tốt. “Cũng có thể đổ đá hộc bên dưới để trữ nước và hoàn thổ, trồng cỏ trên mặt bình thường”, ông Phi đề nghị.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, khẳng định Sở sẽ cùng Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP đẩy nhanh các công việc bên ngoài, như thực hiện nạo vét tuyến kênh A41, kênh mương Nhật Bản, nạo vét và duy tu thường xuyên hệ thống cống thoát xung quanh sân bay. Tuy nhiên, những công việc này cần có thời gian thực hiện. Trong khi đó, phía bên trong sân bay do lượng mưa quá lớn khiến nước không thoát kịp ra ngoài gây ngập. Ông Cường cũng cho rằng việc làm hồ điều tiết trong sân bay không phải tốn chi phí giải phóng mặt bằng nên thời gian thi công nhanh.

Theo Thanh niên