Trước hết, xin ông cho biết đôi điều về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong thời đại Internet!
- Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là vấn đề luôn phải đặt ra trong mọi thời đại. Bởi vì người làm báo luôn phải tôn trọng pháp luật và phải có đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp ở đây là lương tâm và trách nhiệm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 thì do trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật và dữ liệu lớn phát triển thì nó sẽ dẫn đến việc người đọc tiếp nhận thông tin rất khác với trước đây. Cụ thể, người đọc đã từ thế bị động chuyển sang thế chủ động. Vì thế, sau khi đọc thông tin do báo chí đăng tải, họ có thể chia sẻ, bình luận… về những nội dung đó. Đây cũng là nguồn thông tin rất tốt để chính các nhà báo có thể dựa vào đó để tiếp tục khai thác đề tài.
Song bản thân người đọc có thể có những ý kiến chưa chắc đã thật sự đúng nhưng vẫn cứ được chia sẻ trên mạng. Thực tế này dẫn đến những thông tin sai trái thậm chí không khách quan. Nếu nhà báo không biết và cứ khai thác các thông tin đó và chính thống hóa trong bài viết của mình thì vô hình trung đã vi phạm đạo đức nghề báo là đã đưa tin sai sự thật.
Thông tin trên mạng chỉ là để tham khảo và nhà báo có trách nhiệm phải kiểm chứng trước khi đưa vào bài viết của mình. Nhà báo cần phải hỏi “người thứ ba” để có thêm thông tin trước khi viết bài của mình. Tức là nhà báo phải phỏng vấn chuyên gia, phỏng vấn nhà khoa học hoặc là phỏng vấn cả những người có liên quan.
Điểm thứ hai, khi nhà báo đã hoàn thành tác phẩm nhưng vì lý do nào đó mà cơ quan báo chí chưa xuất bản ngay mà họ lại tự xuất bản lên mạng xã hội thì đây cũng là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Bởi vì khi nhà báo tham gia mạng xã hội thì họ không phải là công chúng bình thường và bản chất vẫn là một nhà báo. Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và danh dự của người làm báo và cả với tòa soạn. Thậm chí, chỉ một dòng bình luận (comment) ngắn cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tòa soạn.
Điểm thứ ba, hiện nay có một thực trạng là bản thân các nhà báo và tòa soạn đều cố gắng đẩy view với các bài báo được đăng. Dẫu sao, đây cũng là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng bài báo song thực tế chỉ là một phần. Có thể bài báo chỉ có một nhóm người nào đó đọc nhưng đó là giá trị của những thông tin được cung cấp nhưng còn giá trị thực hơn việc có hàng vạn, hàng triệu người đọc thực tế song thực chất chỉ là những thông tin vô bổ.
Cách rút tít ở nhiều nơi đang tạo ra sự mập mờ hay nói cách khác là gây ra sự chú ý. Chính sự tò mò do các rút tít đã khiến chính nó không ăn nhập với nội dung bài báo. Vì thế, việc rút tít bài báo như thế nào cũng là đạo đức của người làm báo và trong việc này, chúng ta cần tránh tạo ra sự tò mò một cách thái quá của bạn đọc. Tất nhiên, tò mò cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng để tạo ra sự khác thường và mới lạ cho báo chí nhưng chúng ta không nên rút tít đến mức sai lệch hẳn bản chất sự việc và thậm chí đưa ý kiến chủ quan vào bài viết.
PGS TS Nguyễn Thành Lợi đồng chủ trì hội thảo cùng TS Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
|
Như ông vừa đề cập, nhà báo cần tranh thủ ý kiến của “người thứ ba”. Vậy cụ thể vai trò của “người thứ ba” là như thế nào và người làm báo cần làm gì với họ?
- Trong mọi vấn đề, nếu chỉ nghe 2 người nói, chúng ta chưa thể tin. Chính vì thế, chúng ta cần có “người thứ ba” để họ nói một cách khách quan, độc lập. Sự khách quan và độc lập là rất quan trọng với các thông tin mà người làm báo thu thập được.
Bởi vì, hai người trong cùng một sự kiện vẫn có thể tư duy theo một cái chung mà họ nhìn thấy hoặc cảm nhận được. Nhưng khi có thêm “người thứ ba” không liên quan trực tiếp đến sự kiện đó thì sẽ là tiếng nói khách quan.
Thí dụ, khi chúng ta đề cập đến một loại hoa quả, trái cây nào đó mà nếu ăn vào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu chỉ có 2 người mà đã đưa ra kết luận thì đó là quá vội vã và có thể mắc sai lầm. Nhưng nếu có thêm ý kiến của nhà khoa học, của chuyên gia trong lĩnh vực đó thì chúng ta sẽ có thêm những thông tin, tri thức mới để so sánh và đưa ra nhận định đúng hơn. Cũng phải nói thêm, một trong những nguyên tắc của báo chí là phải tôn trọng sự thật và không được đưa ý kiến chủ quan của mình vào bài báo.
Cuối cùng, trên cương vị một quan chức của Hội Nhà báo Việt Nam, ông có lời khuyên gì với các nhà báo khi phản ánh các sự việc?
- Thực ra, không phải trên góc độ của Hội Nhà báo mà cá nhân tôi chỉ có một số ý kiến trên cơ sở là đồng nghiệp với nhau. Tôi nghĩ, có một thứ cần phải lưu ý. Làm báo là một nghề như một người thư ký của thời đại. Thông tin được chúng ta phản ánh hôm nay sẽ là lịch sử với ngày mai. Khi chúng ta ghi lại những lịch sử đó thì nó phải chân thực và những thông tin đó phải có giá trị. Giá trị cốt lõi của thông tin là góp phần tạo dựng ra một xã hội tốt đẹp hơn và tất cả phải vì công chúng, tất cả vì xã hội chứ không phải vì ai và càng không vì cá nhân nhà báo, vì riêng tòa soạn mà vì một xã hội chung.
Chính vì thế, các đồng nghiệp báo chí cần có nhận thức đúng đắn, khách quan về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của báo chí. Tức là tất cả những gì chúng ta viết là vì ai và vì cái gì. Đó là phải vì xã hội chứ còn khi viết vì chính mình thì đã làm sai lệch bản chất của vấn đề.
Xin cám ơn ông!