Tại Thụy Điển, người ta đang bắt đầu sử dụng robot để hỗ trợ cấy ghép tử cung, đem lại những kết quả rất khả quan. Robot giúp cho phẫu thuật ít xâm lấn hơn đối với bệnh nhân. Một phụ nữ hiện đang mang thai, hứa hẹn sẽ sinh con vào mùa xuân năm nay nhờ kết quả của một cuộc phẫu thuật cấy ghép tử cung được thực hiện vào năm 2017.
Ông Mats Brännström, Giáo sư phụ sản tại Viện Sahlgrenska, Đại học Gothenburg, nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này cho biết: “Tôi nghĩ rằng phẫu thuật robot có một tương lai tuyệt vời trong phẫu thuật cấy ghép tử cung”. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để hoàn thiện kỹ thuật cấy ghép với robot. Khoảng 10 ca phẫu thuật dự kiến sẽ được thực hiện với sự trợ giúp của robot.
Cấy ghép tử cung từ những người hiến tặng
Ca cấy ghép thứ 5 và thứ 6 đã được hoàn thành trong thời gian qua với sự trợ giúp của robot và nhiều ca cấy ghép đang dự kiến được thực hiện trong năm 2019.
Phẫu thuật bằng robot sẽ có hiệu quả tích cực với người hiến tặng tử cung. Thay vì phẫu thuật mở truyền thống, phương pháp phẫu thuật với robot chỉ tạo ra một vết rạch kích thước 5cm. Bác sỹ phẫu thuật vận hành một cánh tay robot có độ chính xác cao, sử dụng các phím điều khiển giống như cần điều khiển thông qua màn hình phía trước mặt thực hiện thao tác lấy tử cung từ người hiến tặng.
Các chuyển động từ tay bác sỹ phẫu thuật sẽ được chuyển đổi thành chuyển động có kích thước milimet trong bụng của người hiến tặng. Sau khi tử cung được cắt, nó sẽ được lấy ra, sau đó đưa vào người nhận bằng phẫu thuật mở truyền thống.
“Với phẫu thuật robot, chúng tôi đã không tiết kiệm được nhiều thời gian như dự tính, nhưng chúng tôi lại đạt được những hiệu quả khác. Người hiến tặng mất ít máu hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn, bệnh nhân cảm thấy tốt hơn sau phẫu thuật”, giáo sư Mats Brännström cho biết.
Em bé được sinh ra từ tử cung của những người đã mất
Cho đến nay, việc hiến tặng tử cung thường được thực hiện bởi những người thân, thường là giữa mẹ và con gái, đôi khi là bạn thân. Nhưng nghiên cứu sử dụng tử cung từ những người đã mất đang trở nên khả thi hơn.
Năm ngoái, một em bé đã được sinh ra từ tử cung một người đã mất ở Brazil. Đối với một số phụ nữ, cấy ghép tử cung là cách thức duy nhất để họ mang thai. Tuy nhiên, nhiều người không muốn hiến tặng, do việc lấy tử cung theo phương pháp truyền thống sẽ phải mở bụng rất rộng, cũng như phải có sự phù hợp về nội tạng giữa người cho và người nhận.
Cho đến nay trên toàn thế giới tổng cộng có 13 em bé đã được sinh ra sau khi cấy ghép tử cung. 8 đứa trẻ trong số này được sinh ra theo chương trình nghiên cứu của học viện Sahlgrenska ở Gothenburg , 2 đứa trẻ đã được sinh ra ở Hoa Kỳ và 3 đứa trẻ còn lại ở Brazil, Serbia và Ấn Độ.
Vào tháng 12 năm ngoái, các nhà khoa học đã thông báo về ca sinh nở thành công đầu tiên của một phụ nữ được cấy ghép tử cung từ người đã mất. Người nhận tử cung là một phụ nữ 32 tuổi, sinh ra không có tử cung do hội chứng Mayer-Rokitansky-Küster-Hauser (MRKH).
Người hiến tặng là một phụ nữ 42 tuổi chết vì đột quỵ. Vài tháng trước khi cấy ghép, người nhận đã trải qua thủ tục IVF và có 8 trứng được thụ tinh đông lạnh. Việc cấy ghép tử cung mất 10,5 giờ để hoàn thành. Phẫu thuật tử cung với sự hỗ trợ của robot và khả năng sử dụng nội tạng từ những người hiến tặng đã mất mở ra khả năng nhiều người được phẫu thuật cấy ghép hơn.
Theo I.E