Liên đoàn Robot Quốc tế công bố thống kê khiến nhiều người giật mình

VietTimes – Robot đang hiện diện ngày một nhiều hơn trong các lĩnh vực của cuộc sống, từ chăm sóc người già đến làm việc tại các nhà máy. Sự phát triển mạnh mẽ của robot đã gây ra không ít lo ngại, bởi người ta nhìn thấy cỗ máy này sẽ “cướp” đi công ăn việc làm của rất nhiều người.
(ảnh minh họa: Engineer Journal)
(ảnh minh họa: Engineer Journal)

Mật độ robot trung bình

Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR)- một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với mục đích thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp robot – cho biết mật độ robot đang tăng nhanh trên toàn cầu.

IFR đã đưa ra một bảng thống kê cho thấy năm 2016, mật độ robot trung bình trong ngành công nghiệp sản xuất là 74 robot trên 10.000 công nhân, cao hơn so với mức 66 robot của năm 2015.

“Mật độ robot là một tiêu chuẩn để so sánh mức độ tự động hóa của ngành công nghiệp sản xuất của mỗi quốc gia”, ông Junji Tsuda, Chủ tịch IFR cho biết.

Mật độ robot tại các châu lục

IFR cũng đưa ra thống kê về sự hiện diện của robot ở các châu lục. Theo đó, mật độ robot ở châu Âu là 99 robot trên 10.000 công nhân, ở châu Mỹ là 84 và ở châu Á là 63. Riêng ở châu Âu quốc gia có nền tự động hóa ở quy mô lớn là Đức. Mật độ robot công nghiệp ở nước này lên tới 309, xếp thứ 3 thế giới, và ước tính sẽ tăng thêm 5% mỗi năm từ nay đến 2020.

Tại châu Mỹ, Hoa Kỳ có một sự tăng trưởng nhẹ lên mức 189 robot vào năm 2016, đứng thứ 7 thế giới. Trong khi đó, mật độ robot tại Canada là 145.

Bảng thống kê mật độ robot tại các quốc gia dẫn đầu thế giới về tự động hóa (nguồn: IFR)
 Bảng thống kê mật độ robot tại các quốc gia dẫn đầu thế giới về tự động hóa (nguồn: IFR)

Tuy nhiên, về mặt tăng trưởng, châu Á có bước nhảy vọt lớn nhất. “Do khối lượng robot được lắp đặt ở châu Á tăng cao trong vài năm gần đây nên khu vực này có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất. Trong giai đoạn từ 2010-2016, mật độ robot ở châu Á tăng 9%, châu Mỹ là 7% và châu Âu là 5%”, ông Tsuda cho biết.

Trung Quốc ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ nhất khi mật độ trung bình tăng từ 25 robot trong năm 2013 lên mức 68 robot trong năm 2016, đưa quốc gia này lên thứ 23 thế giới. Nhưng đây mới chỉ là sự khởi đầu bởi chính phủ nước này đang có kế hoạch biến họ trở thành quốc gia tự động hóa số 1 thế giới vào năm 2020.

Để làm được điều này, Trung Quốc sẽ phải đánh bại nhiều nước công nghiệp phát triển khác. Theo IFR, tính đến năm 2016, 10 quốc gia có nền công nghiệp tự động hóa hàng đầu thế giới là: Hàn Quốc, Singapore, Đức, Nhật Bản, Thụy Điển, Đan Mạch, Mỹ, Ý, Bỉ và Đài Loan.

Hàn Quốc không chỉ chiếm vị trí hàng đầu từ năm 2010, mà mật độ robot ở quốc gia này còn cao hơn hẳn so với các quốc gia còn lại trong danh sách. Con số trung bình ở Hàn Quốc cao hơn thế giới ít nhất là 631 robot.

Theo IFR