Một chiếc ô tô phải chịu bao nhiêu loại thuế, phí khi lưu hành?

Tại Việt Nam, người tiêu dùng lại phải đóng nhiều loại thuế và khi mua và sử dụng ôtô. Điều này khiến giá xe ở một nước đang phát triển như Việt Nam cao gấp 2,5 lần so với nước phát triển và có thu nhập bình quân đầu người cao như Mỹ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Autodaily, mới đây, Bộ Tài chính vừa tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn thu phí thử nghiệm khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu; phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu, lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với xe ôtô từ 7 chỗ ngồi trở xuống.

Như vậy, bên cạnh phí thử nghiệm khí thải đã được quy định trước của Bộ Tài chính, các loại ôtô chở người từ 7 chỗ ngồi trở xuống sẽ phải chịu thêm phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu và lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng.

Theo nội dung dự thảo, sẽ có hai mức phí thử nghiệm tiêu thụ nhiên liệu đối với ôtô từ 7 chỗ ngồi trở xuống. Trong đó, xe sử dụng nhiên liệu xăng chịu mức phí 16 triệu đồng/phép thử/lần; xe sử dụng nhiên liệu dầu diesel chịu mức phí 16,5 triệu đồng/phép thử/lần.

Trường hợp phương tiện vừa đăng ký thử nghiệm khí thải vừa đăng ký thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu theo phương pháp cân bằng carbon thì chỉ phải nộp một lần phí thử nghiệm khí thải.

Đối với lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với ôtô từ 7 chỗ trở xuống, Bộ Tài chính dự kiến thu ở mức 100.000 đồng/giấy.

Khi lưu thông trên đường các loại xe phải chịu nhiều loại thuế, phí khác nhau

Trong vài năm gần đây tuy không công khai số nộp thuế các loại của ôtô, nhưng cũng đã liệt kê cả chục loại thuế, phí, lệ phí đang áp dụng. Theo đó, ôtô đầu tiên phải chịu thuế nhập khẩu cho linh kiện (10-30%) hoặc xe nguyên chiếc (từ 50 đến 70%) tùy loại, và tùy theo nguồn gốc nhập khẩu. Tiếp đó là thuế tiêu thụ đặc biệt 40-60%, tùy theo dung tích xe. Thuế VAT 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 22%.

Ôtô ra đường còn phải chịu lệ phí trước bạ với mức 10% hoặc 15%, tùy theo thành phố. Phí kiểm định, phí cấp biển số, phí đảm bảo an toàn kỹ thuật... Phí bảo trì đường bộ đóng hai lần, thu qua đầu phương tiện và thu qua trạm BOT. Chưa hết, còn một loạt phí khác như phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí xăng dầu và phí cho quỹ bình ổn.

Với việc Bộ Tài chính tính thu thêm loại phí mới là phí thử nghiệm khí thải nói trên, một chiếc ôtô muốn lăn bánh được tại Việt Nam phải chịu 3 khoản thuế chính và hàng chục khoản phí các loại.

Theo ông Johnny Phạm, chuyên viên tư vấn của DP Car Care Copr, tại Mỹ khi muốn sở 1 chiếc xe bạn chỉ phải đóng khoảng 6 loại thuế như 8,5 % VAT, 500 USD tiền biển số, giấy xe, phí đường bộ hàng năm từ 100 – 200 USD, bảo hiểm… Tại Việt Nam, khi mua mới 1 chiếc xe phải đóng rất nhiều thuế, phí khác nhau và lâu lâu tôi thấy lại đề xuất thêm loại thuế, phí mới. Trong khi đó thì chất lượng đường xá không đảm bảo, vấn đề thu phí đường bộ thì còn nhiều bất cập…

Các loại thuế áp dụng trên một chiếc ôtô

- Thuế nhập khẩu linh kiện với xe lắp ráp trong nước (doanh nghiệp đóng, tính vào giá xe): 10 – 30%; hoặc thuế nhập khẩu nguyên chiếc (đơn vị nhập khẩu đóng, tính vào giá xe): 50 – 70% tùy loại.

- Thuế tiêu thụ đặc biệt: 40-60%, tùy theo dung tích xe.

- Thuế Giá trị gia tăng (VAT): 10%.

- Thuế thu nhập doanh nghiệp (doanh nghiệp đóng, tính vào giá xe): 22%.

Các loại phí phải đóng khi xe lăn bánh trên đường:

- Phí trước bạ: 10 – 15%, tùy thành phố.

- Phí cấp biển số: 2 – 20 triệu đồng (HN và Tp.HCM).

- Phí đăng kiểm: 240.000 đồng – 560.000 đồng (một lần kiển định).

- Phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật: 50.000 đồng – 10.000 đồng (một lần cấp).

- Phí sử dụng đường bộ: Có 2 loại phí sử dụng đường bộ, là phí thu qua trạm thu phí BOT để hoàn vốn xây dựng các công trình giao thông khi ôtô lưu hành qua, và phí bảo trì đường bộ với mức 130.000 đồng đến 1.430.000 đồng một tháng tùy theo tải trọng xe.

- Phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự.

- Phí bảo hiểm vật chất (không bắt buộc).

- Phí xăng dầu.

- Phí thử nghiệm khí thải.

- Phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu.

- Phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng.

Không mua phí đường bộ có thể bị phạt đến 50 triệu đồng

Việc xử phạt đối với hành vi không mua phí đường bộ vẫn đang được áp dụng theo quy định tại Thông tư Số: 186/2013/TT-BTC ngày 05 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí.

Tại Điều 6 thông tư Số: 186/2013/TT-BTC ngày 05 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí quy định:

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan thuế; thời hạn nộp tiền phí, lệ phí.

2. Phạt tiền từ 01 đến 03 lần số tiền phí, lệ phí gian lận, trốn nộp đối với hành vi gian lận, trốn nộp phí, lệ phí theo quy định. Mức phạt tiền tối đa là 50.000.000 đồng.

Do vậy việc sử phạt đối với hành vi không mua phí đường bộ vẫn đang được áp dụng theo quy định trên.

Theo PLTP