Môn học tích hợp: Bối rối, trông chờ điều chỉnh, hướng dẫn của Bộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Năm học 2021-2022 bắt đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 6, trong đó có những môn học tích hợp lần đầu tiên "xuất hiện" khiến nhiều thầy cô bối rối, lúng túng.
Môn học tích hợp: Bối rối, trông chờ điều chỉnh, hướng dẫn của Bộ

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THCS có hai môn học tích hợp lần đầu tiên xuất hiện, là Lịch sử và Địa lý, và Khoa học tự nhiên.

Môn khoa học tự nhiên được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành vật lý, hóa học, sinh học và khoa học trái đất. Còn môn Lịch sử và Địa lý được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành lịch sử, địa lý.

Từ khi chương trình được công bố, hầu hết giáo viên đều ít nhiều hoang mang và lúng túng bởi hai môn học này chưa từng xuất hiện trước đó. Sau hai năm chuẩn bị, đến nay mặc dù Chương trình đã chính thức được áp dụng nhưng theo phản ánh của nhiều giáo viên và dư luận truyền thông thì những lo lắng vẫn còn nguyên vì những điểm bất ổn vẫn đang còn chờ giải pháp.

Bất ổn thứ nhất: để trở thành một giáo viên tích hợp (ví dụ môn Lịch sử và Địa lý) thì phải tham gia một khóa bồi dưỡng với tổng số tiết là 297; tuy nhiên, thời lượng này lại được “bổ đôi” ra cho hai môn Lịch sử và Địa lý một cách tách biệt, khoảng thời gian cho kiến thức tích hợp chỉ là 12 tiết/297 tiết, chỉ chiếm 4.04%. Nghĩa là gọi “môn học tích hợp” nhưng phần tích hợp trong sách giáo khoa, giáo án, trong mỗi giáo viên lại đang quá nhỏ.

Thêm nữa, chương trình bồi dưỡng cũng chưa có bất kỳ quy định nào về việc giảng viên đứng lớp dạy bồi dưỡng môn học tích hợp cho giáo viên phải là một giảng viên tích hợp.

Tóm lại, chưa có thầy tích hợp lẫn giáo trình tích hợp nhưng lại có mục tiêu đào tạo giáo viên tích hợp. Vì thế, dư luận đặt câu hỏi 'điều này liệu có hợp lý?'.

Bất ổn thứ hai: Giáo viên nêu băn khoăn, toàn bộ chương trình tích hợp của môn Lịch sử và Địa lý ở THCS được quy định trong 4 chủ đề, nghĩa là trung bình mỗi khối lớp một chủ để; trong khi hai môn Lịch sử và Địa lý vẫn dạy độc lập nhau và chỉ có “một chút xíu” dung lượng giao thoa như đã nêu, vậy thì việc gọi đó là “môn học tích hợp” liệu có thỏa đáng?

Bất ổn thứ ba: Một môn học lại có 2 hoặc 3 môn bộ phận (độc lập) bên trong, vậy việc vào điểm sẽ thực hiện thế nào? Giáo viên nào vào điểm? Giáo viên nào ký và ghi nhận xét học bạ?

Vấn đề ở đây không phải chỉ đơn thuần là phân công nhiệm vụ mà còn là pháp lý: không dạy 2 môn còn lại thì sao mà nhận xét đánh giá được? Rồi ai chịu trách nhiệm chính về chất lượng môn học? Đó là những vướng mắc trong phân công nhiệm vụ và kiểm tra đánh giá được đông đảo thầy cô giáo phản ánh.

Bên trên là tổng hợp vài điểm bất ổn nổi cộm chứ chưa phải tất cả. Thầy cô, phụ huynh và xã hội nói chung đang trông chờ những điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Các trường có thể điều chỉnh linh hoạt

Theo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, gợi ý: "Để giảm tải cho giáo viên, các trường có thể điều chỉnh linh hoạt hơn nữa. Ví dụ ưu tiên xếp thời khóa biểu trước cho lớp 6, trong đó có các môn tích hợp sau đó sẽ điều chỉnh thời khóa biểu các lớp 7, 8, 9.

Ví dụ một giáo viên đang dạy phân môn trong môn tích hợp ở lớp 6 với 4 tiết/tuần thì ở lớp 7, 8, 9 giáo viên đó có thể được bố trí giảm còn khoảng 1 - 2 tiết/tuần sao cho số lượng tiết/tuần không quá lớn. Vào các tuần giáo viên đó đã dạy hết các chủ đề mình đảm nhiệm ở lớp 6 thì có thể điều chỉnh tăng số tiết/tuần ở lớp 7, 8, 9."

Còn Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thì nhấn mạnh điểm khác biệt của Chương trình GD phổ thông 2018 (đang thực hiện ở lớp 6) với chương trình cũ là phân cấp mạnh hơn, giao tự chủ cho nhà trường nhiều hơn. Mỗi trường đều được phép xây dựng những phương án linh hoạt khác nhau, tương ứng với điều kiện thực tế.

Ông nhấn mạnh: "Cần tổ chức dạy học theo đúng tinh thần của môn khoa học tự nhiên. Trường hợp rất đặc biệt, quá khó khăn mới sắp xếp dạy song song các chủ đề nhưng phải bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm." Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với một số sở GD-ĐT để nắm bắt những khó khăn, lúng túng trong triển khai để chỉ đạo các sở GD-ĐT bám sát, hỗ trợ từng trường lựa chọn phương án phù hợp với thực tế.