Đổi mới giáo dục, hãy bắt đầu từ những việc giản dị như cởi trói cho giáo án

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tôi có gần 10 năm đi dạy, và chưa từng soạn giáo án! Là tôi đang nói tới cái giáo án với những quy định chi tiết, cột dọc cột ngang, hoạt động abc, câu hỏi xyz, phân chia nội dung phải đúng tới từng phút.
"Thiên tài" vật lý Sabrina Gonzalez Pasterski bên tấm bảng ghi của mình. Ảnh: Whyy.org
"Thiên tài" vật lý Sabrina Gonzalez Pasterski bên tấm bảng ghi của mình.
Ảnh: Whyy.org

Tôi có gần 10 năm đi dạy, và gần như chưa từng soạn giáo án, trừ một khoảng thời gian rất ngắn ngủi lúc ban đầu khi mới vào nghề! Là tôi đang nói tới cái giáo án với những quy đinh chi tiết, cột dọc cột ngang, hoạt động abc, câu hỏi xyz, mỗi nội dung phải đúng tới từng phút...

Những cái giáo án ấy về thực chất là không dùng được theo đúng nghĩa khi tiến hành các hoạt động giáo dục thực tế, dù chính tôi có là người soạn ra nó và nhớ đến từng chữ, không sót. Vì sao? Vì nó đặt ra vấn đề lựa chọn: hoặc chép nguyên cái giáo án ấy lên bảng sau khi đã hỏi vài câu chiếu lệ có tính hình thức và biểu diễn; hoặc tôi phải để học trò nói lên suy nghĩ của chúng và không được phủ nhận nếu các em có lý.

Và trên thực tế thì ngay cả đến những giáo viên tệ nhất, chỉ lo học thuộc giáo án và lên lớp là dồn tất cả ý chí vào việc chuyển tải sao cho nguyên vẹn thì anh ta cũng không tài nào diễn lại đúng như những gì đã soạn, chỉ trừ khi cầm nguyên cái giáo án ấy mà đọc cho học trò chép vào vở.

Có bạn hỏi, không soạn giáo án thì anh lấy gì để họ kiểm tra? Thì in ra! Giáo án đầy trên mạng, hoặc xin của một bạn đồng nghiệp nào đó, ai cũng có một bộ, mỗi năm học chỉ việc thay tên lớp và đổi thời gian năm học, là xong. Thực tế là mặc dù không mấy người có thể xài cái giáo án đang nằm trong cặp mình nhưng ai cũng có, và có rất đầy đủ; kiểm tra là nộp không sót một bài nào. Không những thế, còn trình bày rất đẹp, rất chỉn chu, rất ngăn nắp, giấy in còn mới tinh, thơm phức – gọi là giáo án kiểm tra.

Khi kiểm tra giáo án (và các loại hồ sơ sổ sách nói chung) thì ban giám hiệu hay phòng, sở có biết tình trạng ấy không? Biết, biết rất rõ, biết từ lâu. Nhưng tại sao họ vẫn kiểm tra? Vì đó là quy định, và vì đó là nơi để thể hiện “vai trò quản lý”, nhất là để thị uy. Một người trong nghề khi cầm một giáo án lên thì thấy điều gì, dù đó có là giáo án mà giáo viên ấy tự mình soạn, soạn nghiêm túc chứ không phải sao chép trên mạng? Nó rất quen! Tất cả các giáo án đều na ná nhau, nếu có khác thì đó thường chỉ là những lời dẫn dắt, như chi tiết lặt vặt, còn lại thì toàn bộ nội dung và “ý chính” thì không phải là đều thấy trong những giáo án khác của hàng ngàn giáo viên mà chính là thấy trong sách giáo khoa, sách giáo viên, sách chuẩn kiến thức kỹ năng... Nói cách khác, giáo án chỉ là sự sao chép lại ở mức độ và màu sắc khác nhau những sách có tính “pháp lệnh” do Bộ Giáo dục ban hành. Câu hỏi đặt ra, là khi tất cả giáo viên đều sử dụng những sách ấy như là “chuẩn”, là “chính thống” là bắt buộc thì việc soạn, bằng cách chép lại nó, là gần như thừa, làm mất thời gian, tốn giấy mực và gây áp lực nhiều mặt lên người thầy vốn đang rất cần đầu tư thực sự cho chuyên môn. Thế nhưng trớ trêu thay, vẫn cứ soạn, vẫn kiểm tra, vẫn giả vờ nghiêm túc với nhau.

Giáo án, như thế, là một điển hình của căn bệnh đối phó vốn trầm kha trong giáo dục mấy chục năm qua. Tại sao lại đối phó? Một là lười và hai là vì nó vô ích. Nhưng thực tế thì lý do đầu không phải là nguyên nhân chính. Tôi không thể soạn cái giáo án theo kiểu “xi măng cốt thép” chết cứng, vô hồn kia, nhưng bao giờ tôi cũng có một giáo án khác, tự mình soạn, theo ý tưởng và cấu trúc mà bản thân tâm đắc, cũng như thấy nó phù hợp với học trò mình. Cái giáo án ấy của tôi thì có thể rất dày dặn cũng có thể đơn giản hơn “giáo án kiểm tra” rất nhiều. Tôi có thể ghi nó ra trên giấy với một sơ đồ tư duy hoặc một dàn ý rất đại cương, thậm chí còn đơn giản hơn. Tuy nhiên bên trong sự “đơn giản” ấy chứa cả một ý tưởng, một logic, một sự khai triển mà tôi có thể nói nhiều ngày chưa hết. Ở đó là những cuốn sách tôi đã đọc, là những tài liệu tôi đã tham khảo, nó không những đã lấy đi của tôi nhiều ngày, nhiều tuần mà thậm chí là cả một quá trình tích lũy chuyên môn hàng chục năm trời. Chỉ với một cái giáo án “thô sơ” ấy nhưng nếu cần tôi sẽ đặt bút viết hàng chục trang về đủ thứ vấn đề có liên quan. Và điều quan trọng là giáo án đó luôn ở trong tình trạng mở. Nó không bao giờ là kết luận cuối cùng, một kịch bản hoàn toàn khác có thể được triển khai khi đi vào thực tiễn dạy học nếu tình huống sư phạm phát sinh.

“Giáo án kiểm tra” là một trong những thứ gây nên bi kịch cho nền giáo dục. Vì, thứ nhất là nó tiêu tốn thời gian của giáo viên; nó ép người thầy phải dối trá; nó, và rất nhiều những thứ hồ sơ sổ sách khác nữa chính là bóng ma để những người quản lý dùng mà đe dọa người thầy bằng thanh tra, kiểm tra, thi đua, v.v.

Điều nguy hại nhất của loại giáo án này là sự trói buộc. Những giáo viên trẻ mới ra trường, vì “yếu bóng vía” nên phải nhất nhất dạy theo cái khuôn khổ chết cứng trong các giáo án này, và sau mấy năm đầu đời của tuổi nghề thì họ cũng bị đúc khuôn, trở nên cứng nhắc, chai sạn, thủ cựu...

Hiện nay có những những nhà trường còn cực đoan đến mức khó tưởng tượng: họ sẽ ập vào lớp học bất cứ lúc nào, yêu cầu giáo viên đưa giáo án ra để đối chiếu xem có khớp với những gì đang ghi trên bảng không! Đi một vòng trên các hành lang trong giờ học chúng ta sẽ thấy một bức tranh đặc biệt: đó là những tấm bảng chi chit chữ, được trình bày rất ngăn nắp, rất đầy đủ, rất “bài bản”. Có những nơi còn quy định tiêu đề bài dạy thì ghi phấn màu gì, tiểu mục màu gì; phải xóa bảng thế nào, dạy xong một tiết thì bảng ghi bài học phải trông ra sao v.v. Tất cả những cái này chính là sự giết chết tự do lành mạnh, giết chết sáng tạo và giam hãm giáo dục trong một sự trì trệ đáng sợ.

Những tưởng công cuộc đổi mới giáo dục sẽ tạo ra một bước đột phá lớn cho sự “tháo cũi sổ lồng” để mà giải phóng nền giáo dục ra khỏi những khuôn khổ vô hồn kia nhưng một lần nữa công văn 5512 lại gây thất vọng bằng những quy định cứng nhắc và có khi còn nặng nề hơn cả những gì chúng ta đang thấy trong các giáo án cũ. Xin nói thêm, bản thân chúng tôi ủng hộ tinh thần của giáo án trong 5512, nhưng cực lực phản đối sự “cầm tay chỉ việc” và áp đặt một cách chi tiết đến ngộp thở của nó.

Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, từ đó đổi mới cách làm, đổi mới quản lý. Để ngồi soạn một cái giáo án như trước nay hay như công văn 5512 quy định (mà không phải là copy-paste) thì chỉ nội việc kẻ cột và bao nhiêu thứ râu ria khác cũng đã chiếm mất hàng giờ đồng hồ, chứ chưa nói tới chuyện ghi nội dung vào đó – trong khi dù có làm nghiêm túc thì nó lại cũng không có mấy ý nghĩa cho công tác giảng dạy, mà chủ yếu là dùng để đối phó với những kiểm tra hành chính, nhằm tránh những phiền toái cho thân.

Mấy năm trước, vì “nạn” hồ sơ sổ sách trong nhà trường đã lên tới mức báo động nên Bộ Giáo dục đã ra văn bản quy định cụ thể để tránh việc giáo viên bị hành; nhưng trên thực tế, cho đến nay tình trạng ấy ở nhiều nơi không những không giảm mà còn khủng khiếp hơn trước đây. Chỉ nội việc hoàn thành hàng chục đầu hồ sơ sổ sách nhằm phục vụ cho việc kiểm tra thôi đã khiến giáo viên không còn thời gian mà làm việc thực chất nữa, chính vì thế họ phải coppy, phải tải về, thậm chí phải mua. Hiện nay, có nhiều trường còn quy định viết tay, không được đánh máy! Tình trạng mua bán giáo án công khai và rầm rộ trên mạng trong thời điểm hiện tại này là một minh chứng hùng hồn cho tính bất khả thi và vô lý trong quy định về loại “hồ sơ” này; đồng thời là một hồi chuông lớn cảnh báo về sự đối phó tổng thể của giáo viên trước những kêu gọi đổi mới mà ngành giáo dục đang phát động. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có những điều chỉnh kịp thời, không thể chậm trễ nữa.

Câu chuyện giáo án và sổ sách nói chung đang góp phần không nhỏ vào việc kìm hãm nền giáo dục một cách nghiêm trọng. Một thay đổi lớn phải được thực hiện từ những việc nhỏ nhất và cụ thể nhất. Phải bãi bỏ những gì là hình thức, là trói buộc, là giả dối. Và đầu tiên, việc có thể làm và cần làm ngay là tạo ra một hành lang đủ rộng để giải tán sự vây bủa đối với giáo viên trong những quy định cứng đờ về giáo án.

“Một chương trình, nhiều bộ sách” với tinh thần về quyền tự chủ của thầy và trò đã hiện diện trong Chương trình 2018, vậy thì không có lý gì lại vẫn duy trì, thậm chí tăng thêm, những quy định đi ngược lại với mục đích đổi mới đang được đề xướng ở đó.

Cởi trói giáo dục, hãy bắt đầu từ sự cởi trói cho giáo án.