Mỗi năm mất 400 tỷ đồng điều trị các bệnh về ô nhiễm không khí

VietTimes -- Theo Bộ Y tế, hiện cứ 100.000 dân thì có 4,1% người mắc các bệnh về phổi, 3,8% số người bị viêm họng và viêm amidan cấp, 3,1% bị viêm phế quản và viêm tiểu phế quản. Mỗi năm nước ta phải chi khoảng 400 tỷ đồng để điều trị những bệnh do ô nhiễm không khí gây ra.
Ô nhiễm không khí làm tăng khả năng mắc các bệnh về hô hấp - (Awnh minh họa)
Ô nhiễm không khí làm tăng khả năng mắc các bệnh về hô hấp - (Awnh minh họa)

Thông tin trên được nêu ra tại hội thảo “Công bố kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” diễn ra sáng ngày 22/9 tại Hà Nội

Tại buổi Hội thảo, thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Võ Tuấn Nhân cho biết ô nhiễm môi trường đang là thách thức lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thì ô nhiễm không khí cũng đang trở thành một vấn đề nóng.

Trong bảng Chỉ số xếp hạng môi trường được công bố năm 2014, chất lượng không khí ở Việt Nam xếp thứ 170/178 quốc gia được xếp hạng, thuộc tốp 10 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất trên thế giới. Chất lượng không khí tại Việt Nam theo Bảng xếp hạng này thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Brunei, Malaysia, Philippines, Indonesia.

Việc Việt Nam có chất lượng không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng làm tăng khả năng mắc các bệnh tật về đường hô hấp của người lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, và là nguyên nhân làm chậm phát triển hệ thần kinh, trí não ở trẻ em

Ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội, sức khỏe người dân, đe dọa sự phát triển bền vững.

Theo đánh của các chuyên gia môi trường, ô nhiễm không khí đang là một vấn đề bức xúc đối với môi trường đô thị, công nghiệp và các làng nghề. Tại các khu công nghiệp, các trục đường giao thông lớn, môi trường không khí hiện đã bị ô nhiễm với các cấp độ khác nhau, nồng độ các chất ô nhiễm đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Trong khi đó, sự gia tăng dân số, gia tăng đột biến của các phương tiện giao thông tại các thành phố, trong khi cơ sở hạ tầng còn yếu kém đã làm cho tình hình ô nhiễm môi trường không khí ngày một trầm trọng hơn.

Vì vậy, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, với tư cách là cơ quan đầu mối, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tích cực phối hợp và hỗ trợ cho các cơ quan, bộ ngành, địa phương trong triển khai thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Mục tiêu của kế hoạch là tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát chất lượng không khí xung quanh, nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, tập trung kiểm soát tốt các nguồn khí thải, tập trung vào nguồn khí thải công nghiệp, năng lượng lớn và giao thông.

Theo đó, mục tiệu trên đạt kế hoạch phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo các cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học xử lý bụi và các khí thải SO2, NOx, CO đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 90% cơ sở sản xuất nhiệt điện, 80% cơ sở sản xuất xi măng, 70% cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động với các thông số theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường; kiểm kê khí thải cho 90% cơ sở sản xuất nhiệt điện, 80% cơ sở sản xuất xi măng, 70% cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học…

Tuy nhiên, để công tác quản lý không khí hiệu quả, trong thời gian tới, bên cạnh việc sử dụng nguồn lực trong nước, Việt Nam cần sự hỗ trợ của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế. Vậy nên, thông qua Hội thảo này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ cho Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý chất lượng không khí; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về kiểm soát ô nhiễm không khí và xây dựng cơ sở dữ liệu về khí thải, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận, định hướng các hoạt động tiếp theo của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện Kế hoạch này. Trong đó, tập trung vào các giải pháp như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng không khí; kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực về quản lý chất lượng không khí; phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải; hoàn thiện cơ chế tài chính, đa dạng hóa nguồn lực cho lĩnh vực quản lý chất lượng không khí; hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, công nghệ về quản lý chất lượng không khí; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý chất lượng không khí.