Ô nhiễm môi trường làm tổn hại 2,6 nghìn tỷ USD mỗi năm

Không khí độc hại không chỉ có tác động xấu đến môi trường và sức khỏe của con người (ví dụ: các bệnh viêm phổi, bệnh đường hô hấp, v.v…) mà còn có ảnh hưởng tồi tệ, khủng khiếp đến nền kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc, Nga và Ấn Độ dự kiến sẽ là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trung Quốc, Nga và Ấn Độ dự kiến sẽ là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ô nhiễm không khí ngoài trời có thể làm cho toàn thế giới mất đi 2,6 nghìn tỷ USD mỗi năm, tương đương với 1% tổng GDP toàn cầu vào năm 2060 – đây là một con số khổng lồ, theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Chi phí đó được chi trả cho những ngày nghỉ phép, nghỉ ốm của nhân viên, chi trả cho các hóa đơn y tế và bù vào phần thâm hụt của sản lượng nông nghiệp do ô nhiễm môi trường gây ra.

Theo CNN, một số quốc gia như Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, vốn đã phải vật lộn với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, dự kiến sẽ là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ô nhiễm cũng có thể dẫn đến con số 9 triệu người chết sớm vào năm 2060, và dĩ nhiên, các chi phí phúc lợi dành cho và liên quan đến những trường hợp chết sớm này cũng tăng lên đáng kể, cụ thể theo tính toán của các nhà nghiên cứu, chi phí sẽ vào khoảng 25 nghìn tỷ USD. Chi phí này đã bao gồm việc chi trả cho các trường hợp dưỡng thương, dưỡng bệnh, thuốc men, viện phí, v.v… - ước chừng khoảng 2,2 nghìn tỷ USD.

"Hậu quả kinh tế thị trường và phi thị trườngtừ việc ô nhiễm không khí ngoài trời này là vô cùng nghiêm trọng" – trích dẫn từ báo cáo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Các nhà nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp và chính sách để giảm thiểu lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường. Họ nhấn mạnh rằng nên đặc biệt tập trung vào việc xử lý các tác động của ô nhiễm ngoài trời bởi nó sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong các thập kỷ tới.

Theo ghi nhận, con số những người tử vong vì ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc và Ấn Độ cao nhất thế giới. Tháng 12 vừa rồi, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc chính thức ban hành cảnh cáo về việc ô nhiễm không khí. Động thái này như một lời cảnh tỉnh người dân ở Trung Quốc nói riêng và người dân toàn thế giới nói chung có ý thức hơn nữa trong việc chung tay bảo vệ môi trường.

OECD cũng kêu gọi các nước trên toàn thế giới, các chính quyền địa phương và các cá nhân cùng cố gắng giải quyết vấn đề ô nhiễm đang ngày càng trở nên nặng nề này. "Không có phương pháp cụ thể nhất định nào cho việc giảm tác động của ô nhiễm môi trường vì các quốc gia khác nhau sẽ cósự khác biệt về mức độ ô nhiễm, và nguồn ô nhiễm." – Trích dẫn theo báo cáo của OECD. Do vậy, với từng quốc gia khácnhau, các biện pháp xử lý môi trường sẽ khác nhau với nhiều sự điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm dân cư, khí hậu và kinh tế của mình.

Điểm chung của các chính sách đề ra chính là sự ưu đãi và khuyến khích các công nghê "sạch", và kèm theo đó là những tiêu chuẩn khắt khe hơn về chất lượng không khí, khí thải và tiêu chuẩn chất lượng của các nguồn nhiên liệu.

Với nỗ lực và cố gắng hiện tại của toàn thế giới, cùng với ý thức giữ gìn môi trường của mỗi cá nhân, chúng ta hãy cùng hy vọng vào một cuộc sống sạch với bầu không khí trong lành trong một tương lai không xa.

Theo VnReview