Tại Hội thảo "Kinh tế số: Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam" được tổ chức bên lề “Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019” ngày 2/10, ông Nguyễn Nam Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Fintech, Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media (thuộc Tập đoàn VNPT) đã cho hay, đề án Mobile Money hiện đã được Tập đoàn VNPT gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng nhà nước với mong muốn được phê duyệt sớm để có thể triển khai trong thời gian sớm nhất. VNPT đặt mục tiêu năm 2020 sẽ có 100 ngàn điểm bán trên toàn quốc cung cấp dịch vụ này.
Theo đại diện VNPT, Tập đoàn đề xuất mong cơ quan quản lý sớm thông qua, phê duyệt chủ trương đề án. Mobile Money sớm được đi vào đời sống sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Ông Nguyễn Nam Thắng cũng cho hay, VNPT cũng mong muốn có thể hợp tác với các công ty thương mại điện tử, giao vận, tài chính... xây dựng nên một hệ sinh thái Mobile Money. Với Mobile Money, có thể triển khai được rất nhiều việc từ giải ngân các khoản vay, tài trợ cho người dân cho đến tất cả các thanh toán các dịch vụ thiết yếu, hành chính công, giáo dục, vận chuyển... Theo ông Nguyễn Nam Thắng, Mobile Money có tác động rất lớn tới đời sống người dân như giúp giảm đói nghèo, bình đẳng giới và là động lực tăng trưởng kinh tế.
Dịch vụ Mobile Money bao gồm việc chuyển tiền và thực hiện, nhận thanh toán sử dụng điện thoại di động. Mobile Money phải cung cấp một mạng lưới các điểm giao dịch vật lý (không bao gồm chi nhánh ngân hàng và ATM) giúp mọi người tiếp cận dịch vụ một cách dễ dàng. Mobile Money dành cho phân khúc không sử dụng ngân hàng, ví dụ như những người không tiếp cận với một tài khoản chính thức tại một tổ chức tài chính. Khi Mobile Money được triển khai, SIM điện thoại hoặc chính chiếc điện thoại sẽ là phương thức để giao tiếp, trong khi số tiền trong ví người dùng sẽ được lưu ở hệ thống công nghệ thông tin của các nhà mạng viễn thông.
Trên thế giới hiện đã có 92 quốc gia trên thế giới đang triển khai dịch vụ tiền di động với gần 700 triệu tài khoản được đăng ký, lượng giao dịch trung bình một tỷ USD mỗi ngày. Mục tiêu chung của dịch vụ này là hoàn thiện hệ thống tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và khoảng cách về giới trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính chính thống trong khi vẫn bảo đảm các quy định về an toàn, bảo mật, phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố song song với bảo vệ người dùng.
Tính đến hết năm 2018, thế giới đã có 90 nước chấp nhận Mobile Money, gần 900 triệu người dùng, giao dịch mỗi ngày là 1,3 tỷ đô la, tăng trưởng 20%, riêng châu Á tăng trưởng 31%. Có nhiều nước, tỷ lệ người dân sử dụng Mobile Money lên tới trên 50%. Năm 2019, nếu Việt Nam cấp phép thử nghiệm Mobile Money, sẽ là nước thứ 91 có nền tảng thanh toán Mobile Money.