Theo chia sẻ của ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) tại Hội thảo về tiền di động với chủ đề: “Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện” do Bộ TT&TT chủ trì tổ chức mới đây, theo dự thảo về nguyên tắc quản lý dịch vụ Mobile Money mà NHNN dự kiến trình Chính phủ, Mobile Money sẽ chưa được phép cung cấp dịch vụ chuyển tiền quốc tế.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, hiện một số nước đi trước đã cho phép Mobile Money cung cấp dịch vụ chuyển tiền quốc tế giữa các tài khoản tiền di động, nhưng ở Việt Nam NHNN chưa tính đến câu chuyện cho phép Mobile Money cung cấp dịch vụ chuyển tiền quốc tế và liên kết chéo giữa các công ty Mobile Money.
“Những dịch vụ này sẽ làm dần từng bước, sau khi các công ty Mobile Money có kinh nghiệm, làm thành công dịch vụ trong nước, sẽ tính tới chuyện liên thông với nước ngoài. Làm thành công với một ví rồi tính chuyện làm liên thông giữa các ví với nhau”, ông Dũng cho biết.
Theo như dự thảo mà NHNN dự kiến trình Chính phủ, đối tượng được tham gia cung cấp dịch vụ Mobile Money là các đơn vị viễn thông đã được cấp phép trung gian thanh toán. Việc mở dịch vụ ví điện tử có nhiều vấn đề cần được nhà cung cấp dịch vụ quan tâm như: đảm bảo thông tin khách hàng, đảm bảo dữ liệu, đảm bảo tiền gửi, đảm bảo phòng chống rửa tiền, NHNN khi cấp phép cho doanh nghiệp trung gian thanh toán đã xem xét tất cả các yếu tố này, cho nên nếu nhà mạng đã có giấy phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán sẽ đảm bảo có đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ Mobile Money.
Nếu Chính phủ đồng ý với các nguyên tắc quản lý Mobile Money mà NHNN xây dựng, ngay lập tức sẽ có 2 trong số 3 nhà mạng viễn thông lớn được cung cấp dịch vụ Mobile Money. Hiện tại Việt Nam có hai nhà mạng là Viettel, VinaPhone đã được cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, MobiFone đang nộp đề án xin giấy phép.
Mobile Money phải đảm bảo thanh toán cho các dịch vụ hợp pháp
Câu hỏi mà nhiều người quan tâm là Mobile Money sẽ dùng để thanh toán cho ai, thanh toán cho dịch vụ gì, theo lãnh đạo NHNN, chắc chắn Mobile Money phải đảm bảo thanh toán cho các dịch vụ hợp pháp. Nhà nước dự kiến chọn những lĩnh vực có nhiều người dân sử dụng như thanh toán dịch vụ giao thông, y tế, trường học, các dịch vụ công của Chính phủ...
Ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ về cách triển khai dịch vụ Mobile trong điều kiện chưa có đầy đủ pháp lý rõ ràng như hiện nay, thì NHNN và Bộ TT&TT phải tìm ra một cách làm phù hợp. Bộ TT&TT cần hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước khi xử lý một vấn đề khi chưa có quy định pháp lý như thế nào.
Ví dụ, Kenya đã triển khai Mobile Money từ 2007 thì chắc chắc thời đó họ cũng chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ, vậy họ đã làm như thế nào, còn Việt Nam sẽ chọn giải pháp nào. Có lẽ nên tính đến giải pháp trình Thủ tướng cho phép làm thí điểm, các doanh nghiệp muốn tham gia phải viết đề án với đầy đủ nội dung. Trong quá trình quản lý, đặt ra vấn đề cho NHNN và Bộ TT&TT cần phải giảm sát, quản lý để đảm bảo được tính thanh khoản và số tiền gửi của các đơn vị này được đảm bảo ở ngân hàng.