Mở ‘dữ liệu chính phủ’ – đã đến lúc phải hành động
Câu chuyện thành phố Hà Nội muốn bán dữ liệu dân cư cho các phòng công chứng, ngân hàng để thu phí đã gây ra những phản ứng khác nhau từ dư luận. Tuy cách đặt vấn đề của Hà Nội là chưa hợp lý và làm dấy lên quá nhiều mối lo về bảo mật quyền riêng tư của người dân, nhưng từ đề xuất này, một vấn đề mới rất đáng được thảo luận là làm thế nào để biến ‘tài nguyên số’ từ nguồn dữ liệu công khổng lồ mà Nhà nước đang nắm giữ để tạo ra những hoạt động kinh doanh mới phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội.
‘Mở dữ liệu chính phủ’ để khu vực tư cùng khai thác, thực ra không hẳn là chủ đề mới với thế giới. Rất nhiều nước đã làm tốt và phát huy được hiệu quả.
Xu hướng mở dữ liệu trên thế giới
Ngày nay, rất nhiều chính phủ trên thế giới quan tâm đến Dữ liệu mở và đang trở thành một xu hướng của các nước phát triển và đã trở thành một chỉ tiêu trong đánh giá mức độ phát triển Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác. Một số Chính phủ đã xây dựng xong các trung tâm dữ liệu số và bắt đầu công bố một bộ phận dữ liệu. Tuy nhiên các chính phủ còn có sự khác nhau về số lượng, danh mục Dữ liệu mở được cung cấp, cũng như cách thức, công cụ để cung cấp các Dữ liệu mở này.
Nhiều quốc gia đã thiết lập cổng chuyên dụng để chia sẻ dữ liệu được gọi là “Cổng dữ liệu Chính phủ mở”, nhiều quốc gia cũng đưa ra danh mục dữ liệu Chính phủ mở, là danh sách các tập dữ liệu sẵn có được tổ chức theo chủ đề (ví dụ: môi trường, chi tiêu, y tế…) có trên cổng thông tin quốc gia hoặc Cổng dữ liệu chính phủ mở. Năm 2016, số nước có danh mục dữ liệu chính phủ mở đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2014, cụ thể đã có 106 trong số 193 quốc gia cung cấp danh mục dữ liệu chính phủ mở so với 46 quốc gia vào năm 2014.
Đây là sự gia tăng đáng kể và cho thấy nhiều nước đang đầu tư phát hành dữ liệu chính phủ mở. Hiện nhiều quốc gia đã đưa ra các quy định pháp luật liên quan đến dữ liệu Chính phủ mở, cụ thể: Pháp luật về quyền truy cập thông tin chính phủ (105/193 quốc gia); Chính sách dữ liệu chính phủ mở trực tuyến (105/193 quốc gia); Pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân trực tuyến (113/193 quốc gia); Tính năng bảo mật cho dịch vụ trực tuyến (141/193 quốc gia).
Các loại dữ liệu được mở nhiều nhất hiện nay bao gồm: tài nguyên môi trường (chất lượng đất, nước, không khí); bản đồ, địa giới hành chính; văn bản pháp luật; ngân sách và chi tiêu Chính phủ; thống kê quốc gia; đăng ký kinh doanh; quyền sở hữu đất đai...
Những lợi ích khi mở dữ liệu Chính phủ
Kết quả nghiên cứu của Viện Mckinsey toàn cầu cũng chỉ ra dữ liệu mở (bao gồm cả dữ liệu Chính phủ và phi Chính phủ) có thể mang lại cho nền kinh tế thế giới từ 3 -5 tỷ USD mỗi năm. Các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất từ các cơ sở dữ liệu mở là giáo dục, vận tải, tiêu dùng, điện, dầu, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ.
Ngân hàng thế giới cũng đã làm nhiều nghiên cứu để chỉ ra một số lợi ích cụ thể khi thực hiện mở các dữ liệu Chính phủ. Phân tích thêm về lợi ích của dữ liệu mở, bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia cao cấp của WB, cho rằng dữ liệu mở không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, mà thực tế nền kinh tế cũng tăng trưởng rõ rệt. Dữ liệu mở được thực hiện ở khu vực công, chính phủ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Ở các nước tiên phong như Mỹ, Anh, Úc, Đan Mạch đã cho thấy hàng trăm công ty mới thành lập và hàng ngàn việc làm mới được tạo ra. Hay như dữ liệu mở về thời tiết ở Mỹ, đã tạo ra hơn 400 công ty, sử dụng hơn 4.000 lao động; ở Anh, nhờ dữ liệu mở về giao thông, chỉ tính riêng năm 2012 việc tiết kiệm thời gian cho hành khách đã đóng góp từ 15 – 58 triệu bảng.
Nhìn chung, dữ liệu mở đem lại nhiều lợi ích cho cả Chính phủ, người dân, doanh nghiệp. Ở góc độ của Chính phủ, dữ liệu mở giúp Chính phủ đẩy mạnh hoạt động sáng tạo ra các giải pháp mới, đóng góp cho hoạt động quản lý chung bằng cách cho phép khu vực tư nhân khai thác các dữ liệu của Chính phủ để phát triển công nghệ, nghiên cứu, phân tích dữ liệu; làm tăng tính minh bạch trong hoạt động. Ở góc độ người dân, doanh nghiệp, dữ liệu mở giúp làm tăng khả năng thực hiện quyền làm chủ và tham gia vào các hoạt động quản lý; tiết kiệm thời gian và chi phí thu thập, điều tra, tổng hợp dữ liệu cần thiết.
Người dân sẽ không bị thu phí dịch vụ khi khai thác dữ liệu Quốc gia về dân cư để làm thủ tục hành chính
|
Các rủi ro khi mở dữ liệu Chính phủ
Các thách thức đặt ra hiện nay khi thực hiện mở dữ liệu Chính phủ bao gồm: các vấn đề liên quan đến khung pháp lý, chính sách, nguyên tắc, quản lý và bảo vệ dữ liệu, bảo mật cá nhân và an ninh mạng.
Về khung pháp lý, để có thể mở dữ liệu Chính phủ, pháp luật cần phải có các quy định về quyền tiếp cận thông tin, bảo mật dữ liệu, dữ liệu mở, hợp tác quốc tế về tiếp cận thông tin và dữ liệu mở.
Về quá trình tiếp cận, khai thác dữ liệu mở, Chính phủ cần có Ban riêng để giám sát quá trình vận hành, duy trì chất lượng dữ liệu, đồng thời bảo vệ an ninh mạng toàn bộ hệ thống, phòng tránh tình trạng đánh cắp dữ liệu để mua bán, trao đổi bất hợp pháp. Vì rất nhiều dữ liệu có tính chất quan trọng đối với an ninh quốc gia cũng như những dữ liệu cá nhân của người dân, doanh nghiệp.
Mới đây tại Singapore toàn bộ CSDL Quốc gia về sức khỏe của người dân trong đó có cả Thủ tướng Lý Hiển Long đã bị tin tặc tấn công và chiếm đoạt bất hợp pháp. Singapore đã buộc phải tạm dừng các chương trình khai thác CSDL quốc gia để điều tra và đưa ra các phương án xử lý sự việc. Sự việc này cũng là kinh nghiệm quốc tế quý báu cho các quốc gia đang xây dựng hệ thống kết nối dữ liệu thông minh.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển, khi mà các tài nguyên đã dần cạn kiệt để cải thiện chỉ số cạnh tranh quốc gia đã đến lúc chúng ta cần tính đến giải pháp mở dữ liệu chính phủ để khai thác. "Mỏ vàng" tài nguyên số - nếu được khai thác đúng cách, sẽ là động lực mới cho phát triển chính phủ điện tử, phát triển đô thị thông minh và rộng hơn là nền kinh tế đất nước.
Người dân có thể sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia. Mới đây ngày 21/07/2018 Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khi làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh về công tác cải cách hành chính đã phát biểu chỉ đạo về việc kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu: “... Chúng ta đang trong tình trạng mạnh ai nấy làm, cơ sở dữ liệu mạnh ai nấy lưu trữ, sự tích hợp đảm bảo liên thông dùng chung kể cả hạ tầng kỹ thuật và dữ liệu đang đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu có giải pháp làm tốt." Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ cho rằng: dữ liệu là tài nguyên quốc gia là dòng chảy phải đảm bảo liên thông, nếu dữ liệu mật thì phải phân cấp để truy cập theo thẩm quyền, còn dữ liệu bình thường phải cho nó liên thông, thậm chí các tổ chức, công dân cũng có thể sử dụng chứ không phải chỉ có cơ quan nhà nước mới có quyền sử dụng. |