Sức quyến rũ “chết người”
Tôi có một đứa cháu họ năm nay 10 tuổi. Cháu rất đẹp trai. Mấy hôm trước tôi đến chơi, thấy bố mẹ cháu nói đang phải nhốt cháu trên phòng vì nó… phá quá. Tôi hỏi: “Cháu phá thế nào?”, anh chị đáp rằng không cho cháu dùng iPad là cháu nổi xung lên đập phá đồ đạc trong nhà!
Hồi cháu 5-6 tuổi, nó là một đứa trẻ kháu khỉnh, thông minh. Lúc học lớp 1, lớp 2, cháu toàn đứng trong tốp đầu của lớp, viết chữ rất đẹp, vẽ cũng giỏi. Thế mà đến năm nay, anh chị bảo cháu học kém hẳn. Cháu chỉ thích xem iPad. Nếu không có iPad hoặc máy tính là cháu đập phá, hoặc ngồi im một chỗ không chơi với ai. Hình như cháu đã chớm có triệu chứng của bệnh tự kỷ.
Trẻ em ngày nay được tiếp xúc với công nghệ từ khá sớm. Ngay từ cấp một bọn trẻ đã được dạy cách đánh máy tính và học tin học. Đây là những chương trình học bắt buộc. Người ta còn tổ chức các cuộc thi Toán và tiếng Anh qua mạng (vOlympia). Việc được tiếp xúc sớm với máy tính, iPad khiến trẻ em hình thành tâm lý thích sử dụng các thiết bị công nghệ.
Chẳng nói đến trẻ con, ngay cả người lớn bây giờ cũng suốt ngày “dính” vào điện thoại, hết Facebook lại đến Twitter. Công nghệ quả thực là quá quyến rũ, khiến ta nhiều lúc quên đi cả người thân mà “cắm đầu” vào điện thoại, máy tính!
Sức hút ấy cũng mạnh đến nỗi nếu vào một quán cà phê ở bất kỳ đâu, chúng ta có thể chứng kiến cảnh ai nấy đều nhìn vào màn hình điện thoại chứ không… nhìn nhau!
Nhớ hồi xưa, các cặp đôivẫn viết thư tay trao nhau, còn giờ thì cần bày tỏ tâm tình - đã có email, Zalo, Facebook. Làm văn phòng thì có Word, Excel. Viết tay bây giờ đã trở thành một “loại hình nghệ thuật”… ngắc ngoải!.
Theo thống kê từ trang Ratatype, tốc độ đánh máy trung bình của nam giới là 44 chữ/phút và của nữ giới là 37 chữ/phút. Với tốc độ này, thời gian để gõ hết một trang A4 với khoảng 500 chữ là 12 phút. Trong khi đó nếu viết tay thì sẽ phải mất 15 phút mới hoàn thành. Chính vì thế mà con người ngày càng lười viết!
Ngoài lười viết, việc sử dụng thiết bị công nghệ không đúng cách dễ khiến người lớn chúng ta, và kể cả trẻ con, trở nên lười tư duy.
Thiết bị công nghệ có tốt cho tư duy?
Cách đây 1 năm, các nhà khoa học Mỹ thuộc hai trường Đại học Princeton và California đã tiến hành một thử nghiệm để xem sử dụng máy tính có tốt cho tư duy hay không. Họ chia 300 sinh viên thành hai nhóm. Một nhóm dùng laptop để ghi lại lời giảng, nhóm kia dùng hình thức viết tay. 30 phút sau khi bài giảng kết thúc, họ kiểm tra khả năng ghi nhớ của sinh viên.
Kết quả là nhóm ghi chép bằng tay nhớ được bài giảng nhiều hơn nhóm đánh máy. Đó là vì nhóm đánh máy chỉ quan tâm đến việc gõ phím sao cho ghi lại được đúng nguyên văn lời của thầy giáo. Còn nhóm viết tay thì phải tư duy để ghi lại được những ý chính trong bài giảng, ghi theo cách mà họ hiểu được. Điều này khiến cho nhóm viết tay có khả năng ghi nhớ các khái niệm trong một thời gian dài.
Ở trường Đại học Nebraska, một nhà tâm lý giáo dục tên là Kenneth Kiewra cũng đã tiến hành một thí nghiệm tương tự. Ông Kenneth cho học sinh học bài qua các slide PowerPoint, một nhóm ghi chú bằng laptop, nhóm còn lại ghi chú bằng tay. Sau khi kiểm tra, ông Kenneth nhận xét rằng nhóm viết tay đã làm bài tốt hơn. Nhóm này đã ghi lại được bài giảng một cách ngắn gọn, có tổ chức, lấy được thông tin từ các biểu đồ và bảng biểu tốt hơn nhóm dùng laptop.
Thế đấy, công nghệ có nhiều ưu điểm nhưng cũng có khuyết điểm. Chả thế mà gần đây một người đàn ông ở Pháp đã kiện đòi Uber bồi thường 48 triệu USD, vì ứng dụng Uber trên điện thoại đã tiết lộ cho bà vợ tuyến đường mà ông đi chơi với cô người tình. Bà vợ sau khi phát hiện trên đầu mình “mọc sừng” đã quyết định ly dị.
Các nhà khoa học cho rằng mặc dù máy tính, iPad đã trở nên rất thông dụng trong xã hội ngày nay, nhưng chúng ta không nên vứt bỏ thói quen ghi chép bằng tay. Tốt nhất, nên luyện tập ghi chép ngày từ khi còn nhỏ tuổi. Đây là một điều hoàn toàn dựa trên căn cứ khoa học. Các nhà khoa học của Đại học Indiana đã tiến hành một thử nghiệm với trẻ 5 tuổi. Một nhóm trẻ được dạy viết chữ và một nhóm khác chỉ được nhìn chữ. Khi so sánh điện não của những đứa trẻ này, nhóm viết chữ ra giấy có hoạt động não giống người lớn hơn.
Vì thế, hãy đừng để trẻ “ôm” iPad suốt ngày, mà hãy cho chúng được tự do viết, vẽ, được thể hiện cái tôi trên những trang giấy!
Tham khảo từ Rd.com và Ratatype.com