Chuỗi sự kiện “Nông nghiệp Thông minh – Đột phá tạo thành công” đã được công ty Đại Thành, công ty Bani Global phối hợp với một số tỉnh thành tổ chức vào thời gian vừa qua. Hai giải pháp mà đơn vị tổ chức giới thiệu tại chuỗi sự kiện này là “Phần mềm truy xuất nguồn gốc, chống giả tích hợp quản lý kho & bán hàng AgriCheck” và “Máy bay điều khiển từ xa phun thuốc trừ sâu”.
Ngày 18/3, sự kiện này đã được tổ chức tại Mộc Châu, Sơn La. Đến ngày 29/3, những chiếc máy bay điều khiển từ xa đã trình diễn phun thuốc sâu tại Krông Pắk, Đắk Lắk. Ngày 20/4 vừa qua, Đại Thành và Bani Global đã đem sản phẩm đến giới thiệu cho bà con nông dân tại Lương Tài, Bắc Ninh và gần đây nhất (ngày 25/5) sự kiện tương tự đã diễn ra tại Ninh Kiều, Cần Thơ.
Trong chuỗi sự kiện “Nông nghiệp Thông minh – Đột phá tạo thành công”, các nhà tổ chức đã nói rằng hai giải pháp này là cách làm nông nghiệp thời 4.0. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin không bàn về ứng dụng AgriChek, mà chỉ thảo luận việc sử dụng máy bay điều khiển từ xa để phun thuốc trừ sâu.
Máy bay điều khiển từ xa phun thuốc trừ sâu có phải là nông nghiệp 4.0?
Máy bay điều khiển từ xa (hay như cách nói phổ biến hiện nay là máy bay không người lái) không phải là một thiết bị quá xa lạ với nhiều người. Cách đây gần 20 năm, những chiếc máy bay điều khiển từ xa đã được đưa vào thị trường Việt Nam và đã trở thành thứ đồ chơi cao cấp cho những người có sở thích với máy bay. Một số website dành cho những người yêu thích đồ chơi công nghệ cao (rc-hobby) đã được lập ra để chia sẻ kinh nghiệm và buôn bán các loại đồ chơi điều khiển từ xa như máy bay, ô tô, tàu, thuyền.
Chỉ tính riêng máy bay điều khiển từ xa (kiểu trực thăng) thì cũng có rất nhiều loại được thương gia nhập vào Việt Nam. Loại cao cấp có giá từ 30 - 40 triệu đồng (chưa tính bộ điều khiển), loại tầm trung thì khoảng 10-15 triệu. Đây là những loại máy bay dành cho những người chơi có điều kiện, đa phần là người đã đi làm, có thu nhập khá. Còn loại rẻ tiền thì có giá từ vài trăm đến 2 triệu đồng - đây chính là những chiếc máy bay đồ chơi theo đúng nghĩa đen, đối tượng chơi là trẻ em. Máy bay đồ chơi có kích thước rất nhỏ, đa phần chỉ bay được trong nhà. Có thể kể tên một số loại máy bay đồ chơi như Lama V3, V4 của hãng Esky, V911 của WLToys, Solo Pro của hãng Nine Eagle. Đây đều là các hãng sản xuất của Trung Quốc.
Loại máy bay điều khiển từ xa dành cho những người có điều kiện có giá từ 15 đến 40 triệu đồng. Đây chính là những chiếc máy bay “chuyên nghiệp” hơn hẳn loại rẻ tiền ở trên, bởi nó được làm từ những chất liệu cao cấp hơn, nhiều phụ tùng hơn và đặc biệt khả năng bay lượn phong phú hơn rất nhiều. Nếu như máy bay giá rẻ chỉ có thể bay tiến, lùi, sang trái, sang phải và xoay vòng, thì máy bay trực thăng “chuyên nghiệp” có thể bay ngửa bụng, bay thẳng đứng hoặc nhào lộn theo nhiều hướng. Nó có thể bay cao và bay xa hàng trăm mét ở ngoài trời.
Có thể kể đến một số hãng sản xuất máy bay điều khiển như Walkera, Tarot, KDS (Trung Quốc), Goblin, Oxy và đặc biệt thông dụng có nhiều người chơi là hãng Align của Đài Loan. Các nhãn hiệu máy bay của Align có Trex 100, Trex 250, Trex 450, Trex 600 và Trex 700. Nếu như chiếc Trex 250 có chiều dài chỉ khoảng 40 cm thì chiếc Trex 700 có chiều dài 1,3 mét, nặng khoảng 9 kg. Đây là những chiếc máy bay trực thăng điều khiển từ xa chạy pin, ngoài ra còn có những chiếc máy bay chạy bằng xăng cũng có nhiều kích cỡ khác nhau. Sau này, các loại máy bay Quadcopter (4 cánh quạt) ngày càng trở nên phố biến và chúng được sử dụng để quay video (flycam).
Nói như vậy để thấy người chơi Việt Nam đã quen với những thiết bị bay điều khiển từ xa từ khá lâu rồi. Các nhóm chơi máy bay điều khiển thường tìm những nơi vắng vẻ để “luyện công”. Ở Hà Nội trước đây các nhóm thường chơi ở phía sau siêu thị Big C, rồi chuyển sang Công viên Hòa Bình và bây giờ là Sân bay Gia Lâm. Ở TP.HCM, các bãi đất trống ở Cát Lái (quận 2) và quận 7 là địa điểm tập kết yêu thích.
Trở lại với loại máy bay trực thăng và máy bay Quadcopter (4 cánh quạt) mà công ty Đại Thành và Bani Global dùng để trình diễn phun thuốc trừ sâu. Thực chất những chiếc máy bay này có kết cấu và nguyên lý hoạt động không khác gì những chiếc máy bay điều khiển đã nêu ở trên. Kích thước của máy bay trực thăng phun thuốc trừ sâu cũng tương tự như chiếc Trex 700 của hãng Align, tương đương với size 90 của loại máy bay điều khiển chạy xăng. Nhà sản xuất chỉ bổ sung thêm bình chứa và bộ phận vòi phun thuốc sâu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, máy bay phun thuốc sâu được công ty Đại Thành nhập khẩu và Bani Global phân phối. Nhà sản xuất loại máy bay này là công ty Eagle Brother UAV có trụ sở tại Thẩm Quyến, Trung Quốc.
Người Việt Nam mới chỉ “chơi” máy bay điều khiển trong vòng 20 năm trở lại đây, còn thế giới họ đã “nghịch” máy bay điều khiển từ khá lâu rồi. Vì vậy chúng ta không thể nói những chiếc máy bay này là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, và vì thế chưa thể nói đây là cách làm nông nghiệp 4.0.
Máy bay phun thuốc trừ sâu có phù hợp với đại đa số bà con nông dân Việt Nam?
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, chi phí để sở hữu chiếc máy bay trực thăng phun thuốc sâu là 400 triệu đồng, còn chiếc Quadcopter là trên 300 triệu đồng. Chi phí này bao gồm giá máy bay + 1 tuần hướng dẫn bay + giấy tờ thủ tục xin cấp phép bay + bảo hành. Đây là một mức giá tương đối đắt đỏ, chưa phù hợp với người nông dân Việt Nam.
Tất nhiên, không thể phủ nhận lợi ích của việc sử dụng máy bay phun thuốc trừ sâu. Tốc độ bay nhanh giúp người nông dân tăng 50% hiệu quả làm việc, tiết kiệm 90% lượng nước. Luồng gió luân chuyển từ cánh quạt máy bay sẽ giúp hạt thuốc tiếp xúc được một lượng lớn cây trồng, tăng 50% hiệu quả phun thuốc, tiết kiệm được 30% thuốc bảo vệ thực vật. Ưu điểm lớn nhất là người nông dân không phải tiếp xúc quá gần với thuốc khi phun. Trong khi phun thuốc bằng tay chỉ đem lại hiệu quả 30%, sử dụng bình phun động cơ là 55%, máy phun dạng sương là 50%, thì dùng máy bay điều khiển hiệu quả phun thuốc sẽ lên đến 90%.
Nhưng sử dụng máy bay điều khiển cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ cho người nông dân. Đầu tiên là những thiệt hại về kinh tế khi rơi máy bay. Những người chơi máy bay đều hiểu mỗi lần máy bay rơi (thuật ngữ người chơi hay gọi là “bị đập”) họ phải tốn tiền sửa chữa như thế nào. Đối với người mới chơi, việc điều khiển để máy bay cất cánh, cân bằng trên không (hover), rồi hạ cánh nhẹ nhàng là không hề dễ, chưa kể còn phải lái máy bay ngược chiều (khi đó các nút trên điều khiển sẽ ngược lại với bay xuôi chiều gây khó khăn cho người lái). Khi máy bay bị rơi, các bộ phận bị hỏng bao gồm mặt nạ phía trước (canopy), cánh chính máy bay, cánh đuôi máy bay, ống đuôi máy bay, bánh răng chính và đôi lúc là cả servo. Riêng chi phí để thay một cặp cánh chính máy bay đã là hơn 1 triệu đồng. Đấy là trong trường hợp linh kiện thay thế sẵn có. Nếu linh kiện chưa nhập về kịp, máy bay có thể bị “đắp chiếu”. Đối với loại Quadcopter phun thuốc trừ sâu, thiệt hại có thể nhẹ nhàng hơn vì Quadcopter thường được kết hợp hệ thống định vị và điều khiển tự động, xác suất rơi là rất thấp. Gần đây, cả loại trực thăng cũng có thể lắp thiết bị cất và hạ cánh tự động, nhưng vẫn có xác suất bị rơi hoặc mất máy bay do cài đặt định vị sai.
Một hiểm nguy khác đối với người nông dân chính là vòng tua cực lớn của cánh quạt máy bay, nó có thể từ 10.000 đến 30.000 vòng/phút. Nếu người điều khiển máy bay không thành thạo có thể làm máy bay lao vào những người nông dân đang làm ruộng gây thương vong. Đã từng có trường hợp một người chơi máy bay trực thăng điều khiển ở TP.HCM bị gãy ngón tay vì bị cánh quạt máy bay chém vào.
Ngoài ra, phía trên ruộng lúa có rất nhiều đường dây điện chạy qua. Nếu người điều khiển không thành thạo hoặc mất tập trung có thể khiến cho cánh quạt máy bay chém vào đường dây điện, có thể gây hậu quả nặng nề.
Về trọng lượng, một chiếc máy bay khi không có pin có trọng lượng khoảng 10 kg. Nếu lắp pin cùng thuốc trừ sâu đổ đầy bình chứa 17 lít, trọng lượng của máy bay có thể lên tới 30 kg. Việc mang vác và vận hành sẽ khó khăn nếu người nông dân thao tác một mình.
Để sở hữu máy bay phun thuốc trừ sâu, người chơi cần được cấp phép. Điều này cũng đã được đại diện công ty Đại Thành và Bani Global khẳng định. Công tác cấp phép cần phải được các ban ngành làm thật chặt chẽ để ngăn ngừa các sự cố đáng tiếc xảy ra.
Người nông dân không nên sở hữu máy bay, chỉ nên thuê dịch vụ
Với thủ tục cấp phép chặt chẽ cùng chi phí sở hữu đắt đỏ, thật khó để người nông dân “rinh” một chiếc máy bay phun thuốc trừ sâu về nhà. Có lẽ cách làm lý tưởng nhất là người nông dân thuê phun thuốc từ một công ty hay một hợp tác xã đứng lên làm dịch vụ. Thực tế là công ty Bani Global cũng đang xúc tiến mở một chi nhánh làm dịch vụ ở Bắc Ninh.
Cũng với chi phí đắt đỏ như vậy, loại máy bay điều khiển từ xa này chỉ phù hợp với các chủ trang trại lớn – những người có điều kiện về kinh tế cùng diện tích đất đai cây trồng rộng. Nó chưa phù hợp với đại đa số bà con nông dân Việt Nam.
Nói tóm lại, không thể phủ nhận những lợi ích mà máy bay phun thuốc trừ sâu đem lại, nhưng với chi phí lớn, mà một năm người nông dân chỉ có 2 vụ lúa và cần phun thuốc trừ sâu vài lần, bài toán kinh tế đặt ra cho người nông dân không hề khó giải. Xem ra, máy bay điều khiển vẫn chỉ là thú chơi cao cấp của những người đam mê chứ chưa phải là công cụ nông nghiệp thuộc sở hữu của những người nông dân “chân lấm tay bùn”.