Singapore Fintech Festival 2019, ngày hội về fintech lớn nhất thế giới, vừa kết thúc hôm 13/11 tại đảo quốc sư tử. Sự kiện này thu hút 60.000 người từ 130 quốc gia tham dự, với nhiều hoạt động khác nhau bao gồm hội thảo, triển lãm, kết nối kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp,...
Mastercard, công ty công nghệ thanh toán toàn cầu, cũng tham gia nhiều hoạt động tại Singapore Fintech Festival. Bên lề sự kiện, bà Rama Sridhar, Phó chủ tịch cấp cao Mastercard khu vực châu Á Thái Bình Dương, đã có buổi trao đổi với PV về quan hệ giữa ngân hàng với các công ty fintech trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Tại Việt Nam, một số ngân hàng có vẻ chậm chân so với các công ty khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực fintech. Bà đánh giá thế nào về vai trò của các tổ chức tài chính truyền thống với các công ty fintech hiện nay?
Tôi cho rằng không bao giờ có sự mâu thuẫn giữa ngân hàng với công ty khởi nghiệp. Các tổ chức tài chính đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo ra tài khoản cho người dân, là nơi chúng ta tin tưởng gửi tiền vào. Đây là sự thật không bao giờ chối bỏ được.
Một số ngân hàng lớn có thể thay đổi nhanh chóng hệ thống công nghệ của họ để tiến tới số hóa và cung cấp các dịch vụ số. Tuy vậy một số ngân hàng khác lại không được như vậy. Đây là thực tế.
Tuy vậy tôi nghĩ rằng trong thời kỳ bùng nổ của công ty fintech và startup, chúng ta không cần phải chọn một trong hai (ngân hàng hoặc công ty fintech - PV). Bởi hiện nay ngân hàng biết cần làm gì, không làm gì, và đang nhảy vào bằng cách làm việc với công ty fintech để tạo ra những giải pháp cho khách hàng của họ, để giữ chân khách hàng. Chuyện này vẫn đang xảy ra.
Vì thế theo cách nhìn của Mastercard, chúng tôi sẽ mang đến cho cả ngân hàng lẫn các công ty fintech công nghệ của chúng tôi, mối quan hệ toàn cầu của chúng tôi, kể cả sản phẩm và dịch vụ. Những thứ này chúng tôi đều điều chỉnh để phù hợp với ngân hàng hay công ty fintech.
Với cách nhìn như vậy chúng tôi không muốn phán xét ai sẽ chiến thắng hay thất bại trong việc này, dù phải thừa nhận rằng, càng nhiều công nghệ mới, càng nhiều mô hình kinh doanh khác nhau, càng nhiều khát khao, càng ít điều luật sẽ giúp các mô hình thử nghiệm được triển khai dễ dàng hơn. Và vì thế mọi người có thể thấy được nhiều hoạt động trong lĩnh vực công nghệ hơn.
Tuy nhiên trong dài hạn, cả ngân hàng lẫn các công ty fintech buộc phải phối hợp chặt chẽ với nhau.
Bà có nghĩ ngân hàng cần được giảm bớt các luật lệ để có không gian sáng tạo nhằm tăng tính cạnh tranh với các công ty fintech?
Tôi nghĩ sáng tạo phải được xem là DNA của bất kỳ tổ chức nào, và luật lệ nên khuyến khích sáng tạo. Tất nhiên nếu các ngân hàng có nhiều sáng tạo thì tốt nhưng sáng tạo có thể đến từ bất kỳ đâu, nghĩ theo hướng này sẽ tốt hơn.
Ở một số nơi như châu Âu, Úc, Hàn Quốc, những nhà làm luật đã can thiệp khá sâu, giúp các ngân hàng tập trung hơn vào khách hàng. Chẳng hạn họ yêu cầu ngân hàng cung cấp dữ liệu khách hàng (khi được yêu cầu) cho các công ty fintech, các tổ chức tài chính, nhà mạng,... nhằm đề xuất những dịch vụ tốt hơn cho người dùng.
Tuy nhiên ở một số nơi các nhà làm chính sách không cần can thiệp như vậy vì bản thân ngành công nghiệp đã rất năng động. Do đó nếu anh nhìn một số nơi thì rõ ràng cần sự can thiệp chính sách, nhưng một số thị trường khác bản thân doanh nghiệp đã chủ động đi tìm các cơ hội và giải pháp.
Nếu có một thứ duy nhất bà nghĩ các ngân hàng ở Đông Nam Á cần thay đổi thì đó là gì?
Hãy nắm bắt cơ hội chuyển đổi số. Các ngân hàng ãy hợp tác với các công ty fintech để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, giữ chân khách hàng trung thành.
Thêm vào đó, hãy đơn giản hóa các quy trình, cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gia tăng giao dịch qua di động... Đây là những thứ cơ bản khách hàng đang cần, và các bên đối thủ đang triển khai.
Theo bà, ngân hàng nên xem công ty fintech là đối thủ hay đối tác?
Nếu 3 năm trước thì nhiều người sẽ nói họ là đối thủ. Đến thời điểm này thì tôi không tin lắm. Tôi cho rằng họ đang tìm cách để hợp tác với nhau. Họ có tập khách hàng khác nhau, sử dụng các công nghệ khác nhau...
Việt Nam đang có 95% tổng thanh toán dựa trên tiền mặt, bà nghĩ thanh toán không tiền mặt có vai trò thế nào đối với ngành kinh tế của những nước đang phát ?
Ở nhiều quốc gia có tỷ lệ sử dụng tiền mặt 90-95%, tiến tới chuyển đổi số ở tốc độ thông thường chắc chắn sẽ góp phần tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, nếu quyết tâm chuyển đổi số một cách có hệ thống, sự tăng trưởng còn lớn hơn nữa. Một nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nếu Việt Nam thực hiện chuyển đổi số toàn diện sẽ tăng thêm được 100 tỷ USD đến năm 2045.