Mạng xã hội - cụ thể là Twitter - có ảnh hưởng hay không đến kết quả các cuộc bầu cử là câu hỏi đã được nhiều người đặt ra lâu nay. Mới đây, các nhà khoa học Anh đã công bố công trình nghiên cứu đầu tiên đo lường được hiệu quả thực sự của nó.
Chính trị gia ngày càng chuộng mạng xã hội
Vai trò của trang mạng xã hội Twitter trong chính trị đang nổi bật hơn bao giờ hết. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama - được gọi là vị tổng thống truyền thông xã hội đầu tiên - rõ ràng đã tỏ ra vượt trội các đối thủ về mức độ nổi tiếng một phần nhờ Twitter. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump cũng là người sử dụng Twitter thường xuyên - mặc dù gây nhiều tranh cãi hơn - để gửi thông điệp, nêu quan điểm của mình.
Rõ ràng, phương tiện truyền thông xã hội đóng một vai trò quan trọng trong diễn thuyết chính trị. Nhiều chính trị gia đã đăng tải hàng trăm hoặc hàng ngàn thông điệp trong các chiến dịch bầu cử và đầu tư nguồn lực đáng kể để tăng sự hiện diện của họ trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Câu hỏi đặt ra là những nỗ lực đó liệu có thể mang về cho họ những phiếu bầu? Nhà khoa học Jonathan Bright cùng đồng nghiệp tại Viện Internet Oxford (thuộc Đại học Oxford, Anh) đã góp một câu trả lời bằng công trình nghiên cứu của họ.
Theo đó, hai cuộc bầu cử liên tiếp gần đây ở Anh đã cung cấp cơ hội để kiểm tra vai trò, ảnh hưởng của Twitter đến kết quả bầu cử. Trước nay, hầu hết các nghiên cứu về hiệu quả bầu cử của truyền thông xã hội chỉ tập trung vào một cuộc bầu cử nên khó tách riêng tác động của phương tiện truyền thông xã hội khỏi các yếu tố khác, chẳng hạn như mức độ chuyên nghiệp được thể hiện trong chiến dịch, số tiền quỹ của chiến dịch...
Vì vậy, hai cuộc bầu cử Hạ viện Anh gần đây nhất vào các ngày 7/5/2015 và 8/6/2017 đã mang đến cơ hội lớn cho các nhà nghiên cứu. Jonathan Bright và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu bằng cách gọi điện cho các ứng viên trước khi bầu cử để hỏi thông tin.
Trong các cuộc bầu cử này, cử tri nước Anh đã bầu ra 650 thành viên của Hạ viện, mỗi người đại diện cho một khu vực gồm khoảng 70.000 cử tri. Trong đó, 822 chính trị gia đã vận động trong cả hai cuộc bầu cử và vì vậy được tính hai lần. Có 76% số ứng cử viên cuộc bầu cử năm 2015 sử dụng Twitter so với 63% vào năm 2017. Sự sụt giảm này - theo nhóm nghiên cứu - là do sự vội vã của cuộc bầu cử năm 2017. Nhiều ứng viên được lựa chọn vào phút cuối nên có ít thời gian hơn để tổ chức một chiến dịch truyền thông xã hội.
Tuy nhiên, hoạt động trên Twitter của các ứng viên vào năm 2017 lại tăng lên. Những người ứng cử có tài khoản Twitter đăng tải trung bình 86 thông điệp (tweet) vào năm 2015, đạt mức 3,6 tweet/ngày. Trong khi đó, con số này là 123,5 tweet vào năm 2017 - tức là hơn 5,1 tweet/ngày.
Các nhà khoa học còn cung cấp thêm số liệu cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa Twitter của các chính trị gia đương nhiệm và những người ứng cử. Vào năm 2015, 87% các chính trị gia đương nhiệm có tài khoản Twitter, so với tỷ lệ 73% ở các ứng viên. Năm 2017, sự khác biệt thậm chí còn lớn hơn với 84% số chính trị gia đương nhiệm có tài khoản Twitter so với 58% số người ứng cử.
Truyền thông xã hội tạo sự khác biệt
Trong nghiên cứu của mình, Jonathan Bright cùng đồng nghiệp tập trung nghiên cứu nhất ở vấn đề: Các chính trị gia hay sử dụng Twitter liệu có nhận được nhiều phiếu bầu hơn không? Kết quả cho thấy, những người sở hữu tài khoản Twitter có tỷ lệ phiếu bầu cao hơn, mặc dù không quá nhiều.
Tuy tác động tổng thể của Twitter là nhỏ, nhưng vẫn có một số chính trị gia làm tốt hơn những người khác. “Các nghị sĩ có tài khoản Twitter thường nhận được số phiếu bầu cao hơn khoảng 7-9% so với những người không sử dụng mạng xã hội này” - Jonathan Bright cho biết.
Nhóm nghiên cứu cũng đang hoàn thiện công thức tính toán để có thể biết được nếu muốn tăng 1% số phiếu bầu thì cần số lượng tweet là bao nhiêu. Đây là thông số rất quan trọng vì các cuộc bầu cử thường rất gay cấn, các ứng viên đôi khi chỉ hơn nhau vài phần trăm số phiếu bầu. Khi đó, vai trò của Twitter lại càng trở nên quan trọng.
“Khoảng 14% các cuộc cạnh tranh trong bầu cử được chúng tôi lựa chọn làm cơ sở nghiên cứu có tỷ lệ chênh lệch phiếu bầu là 5%; khoảng 4% số cuộc cạnh tranh có tỷ lệ chênh lệch phiếu bầu dưới 1%” - Jonathan Bright tiết lộ.
Những số liệu mà nghiên cứu này đưa ra được đánh giá là đã đảo lộn cách nghĩ cũ rằng thông điệp do mạng xã hội lan truyền chỉ đến với các cử tri trung thành và không làm thay đổi quan điểm, sự ủng hộ của các cử tri khác. “Nhìn chung, các bằng chứng cho thấy việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội đã tạo nên một sự khác biệt thực sự quan trọng đối với các chiến dịch bầu cử” - nhóm nghiên cứu kết luận.
Theo Khoa học và Phát triển (nguồn MIT Technology Review, Springer Open)