Mạng xã hội âm thanh bùng nổ, đại gia công nghệ tuyên chiến với Clubhouse

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các nền tảng xã hội lớn mạnh như Facebook, Twitter dường như không thể nhắm mắt làm ngơ trước thành công của Clubhouse. 
Hàng loạt các đại gia công nghệ tham gia cuộc chiến mạng xã hội âm thanh.
Hàng loạt các đại gia công nghệ tham gia cuộc chiến mạng xã hội âm thanh.

Facebook bắt chước những nỗ lực của Clubhouse trong lĩnh vực âm thanh xã hội

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên Discord, Mark Zuckerberg cho biết, mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã lên kế hoạch ra mắt các tính năng âm thanh, cạnh tranh với ứng dụng âm thanh Clubhouse.

Facebook chính thức giới thiệu trong bài đăng trên blog chức năng âm thanh của hãng mang tên "Live Audio". Công ty sẽ thử nghiệm tính năng này trong một số nhóm Facebook nhất định trước khi tung ra chính thức trên Facebook và Messenger. Sau khi phòng Live Audio được tạo, người dùng có thể mời những người dùng khác tham gia cuộc trò chuyện thông qua bài đăng trên Facebook, tin nhắn Messenger hoặc bằng cách chia sẻ liên kết.

Ngoài Live Audio, Facebook cũng đã phát hành một tính năng âm thanh ngắn mới có tên "Soundbites". Người dùng Facebook có thể ghi lại các tin nhắn thoại ngắn và đăng chúng dưới dạng tin nhắn động, tương tự như chức năng ảnh động và video hiện có.

Theo Reuters, hãng cũng sẽ phát hành một sản phẩm khám phá podcast. Zuckerberg cho biết Facebook đang hợp tác với Spotify để phát triển dự án âm thanh ProjectBoombox - người dùng có thể nghe các bài hát hoặc danh sách phát được chia sẻ trên nền tảng này mà không cần liên kết bên ngoài đến các ứng dụng hoặc trang web của Spotify.

Đầu tháng 4, Facebook đã bắt đầu thử nghiệm công khai một phần mềm thảo luận trực tuyến có tên Hotline. Hotline mang đến cho người dùng các lựa chọn kết hợp giữa thoại, văn bản và video khi tham gia các cuộc thảo luận trực tuyến với chủ trang mạng.

Trước đó, người phát ngôn của Facebook cho biết Hotline cam kết trở thành "chuyên gia kiến ​​thức" của người dùng, cung cấp cho người dùng thông tin uy tín hơn trong các lĩnh vực như tài chính hay y tế. Facebook cho biết, "Trong nhiều năm, chúng tôi đã kết nối người dùng thông qua hình ảnh và video, đồng thời đang khám phá những cách thức mới để cải thiện trải nghiệm người dùng."

Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 20/4, CEO Facebook, Zuckerberg cho biết, "Facebook muốn coi âm thanh như một phương tiện truyền thông hạng nhất, giống như ảnh hoặc video".

Clubhouse và Facebook. Ảnh: Decanherald

Clubhouse và Facebook. Ảnh: Decanherald

Ra đời vào tháng 4/2020, Clubhouse trở thành hiện tượng đặc biệt trong giới công nghệ và được định giá hàng tỉ USD. Tuần trước, Clubhouse đã hoàn thành vòng huy động vốn ước tính đạt 4 tỉ USD. Điều này có nghĩa giá trị của Clubhouse đã tăng lên nhiều lần chỉ trong vài tháng.

Dù mới xuất hiện trong vòng 1 năm qua, Clubhouse đã gây tiếng vang lớn, thu hút sự tham gia của nhiều nhân vật tầm cỡ thuộc giới kinh doanh, giải trí, bao gồm cả Elon Musk và Bill Gates.

Sức hấp dẫn của các sản phẩm mới của Facebook đối với người dùng cần thời gian để kiểm chứng, nhưng việc lựa chọn tổ chức họp báo vào thời điểm này ít nhiều liên quan đến sự phát triển của Clubhouse.

Một số người trong cuộc phân tích rằng Facebook không thể thực hiện các thương vụ mua lại như trước đây để bảo vệ lợi thế tuyệt đối của mình trong lĩnh vực truyền thông xã hội. Nguyên nhân là do Facebook và các đại gia công nghệ hiện đang bị giám sát độc quyền và không thể mua lại các mạng xã hội khác với một lượng lớn người dùng.

Đại gia công nghệ tuyên chiến đáp trả

Theo phân tích của Sina, kể từ khi Clubhouse trở thành hiện tượng ngay lập tức vào đầu năm nay, không chỉ Facebook cảm thấy "lo lắng". Đầu óc kinh doanh nhạy bén của các hãng công nghệ không cho phép họ đứng ngoài cuộc chơi. Vậy là chỉ trong vài tháng, các đại gia công nghệ đã liên tiếp tham gia phản công Clubhouse.

Twitter từng muốn mua lại Clubhouse với giá 4 tỉ USD.

Twitter từng muốn mua lại Clubhouse với giá 4 tỉ USD.

Tháng 11/2020, Twitter đã tiết lộ với thế giới bên ngoài rằng họ đang phát triển một tính năng trò chuyện bằng giọng nói - Spaces. Hiện tại Spaces vẫn đang trong quá trình thử nghiệm giới hạn đối với những người dùng được mời. Mới đây, công ty mua lại một nhóm phát triển đứng sau Breaker, một ứng dụng podcast bắt đầu hoạt động vào năm 2016 nhằm mục đích cải thiện âm thanh của các cuộc trò chuyện trên dịch vụ của hãng.

Spotify gần đây cũng đã mua lại BettyLabs, một công ty phần mềm xã hội âm thanh. Công ty này từng tung ra một sản phẩm mang tên LockerRoom, chủ yếu cung cấp dịch vụ xã hội thoại trực tuyến cho người hâm mộ thể thao.

Theo TechCrunch, mạng xã hội chuyên về việc làm LinkedIn cũng đang phát triển một tính năng âm thanh của riêng mình vào cuối tháng 3. Trước đó, các nhà phát triển đã trình diễn giao diện trò chuyện âm thanh ẩn trong LinkedlnApp, rất giống với Clubhouse. Người phát ngôn của Linkedln Suzi Owens cũng cho biết, "Công ty đang nghiên cứu cách đưa âm thanh vào các sản phẩm của LinkedIn nhằm cung cấp cho người dùng nhiều cách kết nối với cộng đồng hơn".

Theo Sina