Mạng Internet nhanh nhất thế giới có tốc độ “khủng” đến mức nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Với mạng Internet nhanh nhất thế giới, người dùng có thể tải toàn bộ một thư viện phim có trên dịch vụ Netflix chỉ trong chưa đầy một giây.

Các nhà khoa học tại trường đại học London (Anh), công ty viễn thông Xtera (Anh) và công ty phát triển công nghệ KDDI Research (Nhật Bản) đã hợp tác cùng nhau để xây dựng một công nghệ mới nhằm tăng tốc độ kết nối Internet trên đường cáp quang, đạt tốc độ lên đến 178Tb/giây (tương đương 22,25TB/giây).

Đây là kỷ lục thế giới hiện nay về tốc độ kết nối Internet, vượt qua tốc độ kỷ lục mà các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Truyền thông quốc gia Nhật Bản đạt được hồi tháng 4 vừa qua, với tốc độ 150Tb/giây.

Công nghệ mới của các nhà khoa học giúp tăng tốc độ truyền dữ liệu trên cơ sở hạ tầng cáp quang hiện có (Ảnh minh họa)
Công nghệ mới của các nhà khoa học giúp tăng tốc độ truyền dữ liệu trên cơ sở hạ tầng cáp quang hiện có (Ảnh minh họa)

Tốc độ 178Tb/giây nghĩa là nhanh hơn gấp 17.800 lần so với tốc độ kết nối Internet tối đa dành cho người dùng phổ thông tại một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, New Zealand… Thậm chí, ngay cả hệ thống mạng ESnet được sử dụng để phục vụ các nhà khoa học của Bộ năng lượng Mỹ (DOE) và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), với tốc độ tối đa 400Gb/giây, vẫn không thể sánh bằng.

Để đạt được tốc độ kết nối mạng Internet này, các nhà khoa học đã phát triển một công nghệ mới mà về cơ bản có thể truyền đi lượng thông tin nhiều hơn thông qua cơ sở hạ tầng cáp quang hiện nay. Hiện tại dữ liệu được truyền đi qua hệ thống cáp quang với bước sóng 4,5THz (Terahertz), đôi khi có thể tăng lên mức 9THz. Tuy nhiên, với công nghệ mới, các nhà khoa học có thể truyền dữ liệu với bước sóng lên đến 16,8THz, đồng nghĩa với việc truyền được lượng dữ liệu nhiều hơn.

Các nhà khoa học đã kết hợp các công nghệ khuếch đại khác nhau để tăng cường công suất truyền tín hiệu trên băng thông rộng hơn, sau đó vận dụng tính chất của từng bước sóng ánh sáng để tối ưu hóa và tăng khả năng truyền tín hiệu qua hệ thống cáp quang.

Ưu điểm lớn nhất của công nghệ mới này đó là có thể khai thác và sử dụng được trên hệ thống cáp quang và cơ sở hạ tầng hiện có hiện có, thay vì phải đầu tư và lắp đặt hệ thống cáp quang hoàn toàn mới với chi phí cao hơn rất nhiều. Để sử dụng công nghệ mới, đòi hỏi phải lắp đặt thêm những bộ khuếch đại tín hiệu trên mỗi 40 hoặc 100km cáp quang.

“Trong khi các kết nối giữa các trung tâm dữ liệu đám mây hiện đại nhất hiện nay có khả năng truyền tải dữ liệu tới 35Tb/giây, chúng tôi đang phát triển công nghệ mới, có thể khai thác hiệu quả hơn cơ sở hạ tầng hiện có, tận dụng tốt hơn băng thông cáp quang để có thể đạt được tốc độ Internet lên tới 178Tb/giây”, Lidia Galdino, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

“Sự phát triển của công nghệ mới là rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu Internet ngày càng tăng trong tương lai, với những ứng dụng có thể làm thay đổi cuộc sống của con người, nhưng vẫn đáp ứng được mức chi phí”, Galdino cho biết thêm.

Dù đầy hứa hẹn nhưng vẫn chưa rõ thời điểm cụ thể công nghệ mới sẽ được áp dụng vào thực tế và có thể sẽ còn phải mất nhiều năm nữa, người dùng phổ thông mới có thể tiếp cận được công nghệ Internet siêu tốc này.

Theo Dân trí