Theo công ty tư vấn toàn cầu McKinsey, cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) "là giai đoạn tiếp theo trong quá trình số hóa của ngành chế tạo, được thúc đẩy bởi bốn sự đột phá: Một là sự gia tăng đáng kinh ngạc của số lượng dữ liệu, sức mạnh tính toán và kết nối, đặc biệt là các mạng diện rộng công suất thấp mới; Hai là khả năng phân tích và khả năng tình báo kinh doanh đã có bước tiến đột phá; Ba là sự xuất hiện các hình thức tương tác mới giữa máy và con người như các giao diện cảm ứng và các hệ thống thực tế tăng cường; và Bốn là những cải thiện trong việc truyền dẫn các chỉ dẫn số hóa tới thế giới vật lý, chẳng hạn như các robot tiên tiến và in ba chiều".
Điều đó có vẻ như là những từ ngữ hỗn độn, nhưng thực tế là CMCN 4.0 sẽ đưa hoạt động sản xuất lên cấp độ mới, tăng năng suất lao động đồng thời giảm chi phí cho các công ty.
Một sáng kiến của khu vực công - tư ở Malaysia sẽ mở ra cho các công ty địa phương một thực tiễn mới, thông qua đào tạo nhân viên trong các ngành công nghiệp cũng như sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng địa phương.
Đào tạo lực lượng lao động cho 4.0
Chương trình đào tạo bắt đầu vào tháng 4 năm 2016 đang được tiến hành bởi nhà cung cấp dịch vụ đào tạo công nghệ địa phương gồm Knowledgecom Sdn Bhd và Trung tâm Phát triển Kỹ năng Penang (PSDC).
Hai nhà cung cấp dịch vụ đào tạo đang làm việc chặt chẽ với Bộ Nhân lực, Bộ Công nghiệp và Ngoại thương, Quỹ Phát triển Nguồn Nhân lực, Nhóm Kế hoạch Kinh tế, Tập đoàn Kinh tế kỹ thuật số Malaysia, Tập đoàn Talent Malaysia....
Theo ông S T Rubaneswaran- Giám đốc điều hành Knowledgecom, có chín trụ cột công nghệ xác định diện mạo công nghiệp 4.0. Đó là: robot tự lập, thực tế mô phỏng và thực tế tăng cường, tích hợp theo chiều dọc và chiều dọc, Internet vạn vật trong ngành công nghiệp, an ninh mạng, điện toán đám mây, sản xuất bổ sung (ví dụ in 3D), chuỗi cung ứng và phân tích dữ liệu lớn.
Theo ông, trên toàn thế giới, hầu hết các công ty đều nhắc đến các trụ cột nhưng thường ở dạng riêng lẻ mà không phải là một một khối. Bình luận về lý do tại sao các công ty Malaysia cần công nghiệp 4.0, Rubaneswaran nói rằng nó có thể giúp các công ty loại bỏ tình trạng tổn thất, giảm chi phí, tăng nền tảng khách hàng và vượt lên các đối thủ cạnh tranh.
Ông hình dung ra tương lai: "20 năm tới, sẽ không có nhân viên làm việc trên các dây chuyền lắp ráp, mọi thứ sẽ được tự động hóa”.
"Trong vòng 50 năm tới, khi chúng ta điều khiển được trí thông minh nhân tạo, máy tính sẽ trở nên phổ biến hơn. Các công ty sẽ cần phải thay đổi các quy trình và đào tạo mọi người để giúp họ chuyển đổi. Nếu không được đào tạo, các công ty kinh doanh theo cách mà họ vẫn tiến hành trong vòng 10 năm trước sẽ có thể trở nên lỗi thời ".
Do đó, ông nói rằng, tại các công ty địa phương, những nhà quản lý cấp cao nên có một chính sách về CN 4.0 và đội ngũ quản lý cấp trung cần được đào tạo để thực hiện chính sách này.
Rubaneswaran cũng tin rằng CN 4.0 sẽ làm cho Malaysia không còn phụ thuộc vào lao động nước ngoài có tay nghề thấp.
"Chúng ta cần phải nâng trình độ tay nghề công nhân địa phương lên mức trung bình, do đó sẽ có nhiều việc làm cho người Malaysia. Hiện có tới ba triệu lao động nước ngoài ở Malaysia, vậy mà lại có khoảng 300.000 đến 400.000 người Malaysia thất nghiệp ".
Rubaneswaran thừa nhận rằng, đó sẽ không phải là một quá trình dễ dàng, với những thách thức chính là văn hoá nơi làm việc và thay đổi phương thức quản ly. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng hầu hết các nước sẽ tiến tới CN 4.0, do đó Malaysia cần thay đổi càng nhanh càng tốt.
"Myanmar, Thái Lan và Việt Nam sẽ vượt lên trong cuộc chơi. Thái Lan có một khuôn khổ chính sách 4.0 và cũng như Việt Nam, đó là một quốc gia nông nghiệp, sẽ dễ dàng chuyển đổi sang nền sản xuất 4.0 so với Malaysia, nơi vẫn có nhiều hệ thống ở mức 2.0 và 2.5 " - ông nói.
Rubaneswaran lưu ý rằng, ngày nay, những công nghệ xuất hiện ở châu Âu và các nước phát triển khác, có thể cùng một lúc hiện diện ở châu Á. "Các công ty có thể chuyển biến nhanh hơn nếu họ đã sẵn sàng cho 4.0, họ có thể cung cấp các sản phẩm tuỳ biến với chi phí thấp hơn", ông nói thêm.
Với sáng kiến của khu vực công - tư, Knowledgecom và PSDC tiến hành đào tạo năm trong số chín trụ cột công nghệ được đề cập ở trên. Đào tạo bao gồm hội nhập theo chiều ngang và dọc, Internet vạn vật công nghiệp, an ninh mạng, điện toán đám mây và phân tích dữ liệu lớn.
Khoản tài trợ này đến từ Bộ Nguồn Nhân lực dành cho đào tạo, trong khi ngân sách dành cho các ngành công nghiệp đến từ Bộ Công nghiệp và Ngoại thương, ông chia sẻ.
"Chúng tôi sẽ sớm bắt đầu cung ứng chuỗi đào tạo. Chúng tôi đang nhắm mục tiêu từ nay đến cuối năm tổ chức 50 địa điểm ở tám tiểu bang, hiện tại chúng tôi mới có hơn 26 điểm hiện đang trải rộng trên sáu tiểu bang. Ở mỗi bang đều có một trung tâm kỹ thuật, trường cao đẳng và trung tâm đào tạo", ông giải thích..
Sáu tiểu bang đó là Penang, Perak, Johor, Negeri Sembilan, Sabah và Sarawak. Đến nay, hơn 500 người đã được đào tạo bao gồm các nhà quản lý bậc trung trong các ngành công nghiệp, sinh viên đại học năm thứ ba hoặc năm thứ tư, cũng như sinh viên bách khoa chuẩn bị tốt nghiệp, những người sau đó được nhận vào thực tập ở các công ty sau khi đào tạo.
Theo Rubaneswaran, cho đến nay, trong số 150 công ty đã nhận được chương trình đào tạo, 58% là các tập đoàn đa quốc gia và 28% doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Đến cuối năm, chúng tôi sẽ đào tạo được tổng cộng 1.500 người của khoảng 400 công ty.