Trên thế giới có rất nhiều hãng sản xuất xe với hàng trăm thương hiệu khác nhau, trong số 40 – 50 tập đoàn lớn bậc nhất, cấu trúc sở hữu chéo chằng chịt khiến không ít người cảm thấy rối rắm khi tìm hiểu.
Infographic dưới đây mang lại cho bạn đọc cái nhìn tổng quát về cấu trúc sở hữu cũng như liên minh trên thị trường xe hơi quốc tế.
General Motors từng là hãng xe lớn nhất Big Three (tam trụ sản xuất xe Bắc Mỹ), trước khi phải cầu cứu chính quyền Tổng thống Obama khỏi bờ vực phá sản năm 2009.
Hãng General Motors từng sở hữu các thương hiệu như Hummer, Pontiac, Saturn và Saab. Để giữ General Motors không bị phá sản, Bộ tài chính Mỹ và Canada cố gắng bán đi những thương hiệu kém hiệu quả.
Sau tháng 7/2009, một New General Motors ra đời, chỉ còn lại các thương hiệu như Chevy, Caddy, Buick, GMC, Holden, Opel, Vauxhall và GM Daewoo.
Geely là một trong những nhà sản xuất ôtô nội địa lớn nhất Trung Quốc, hiện sở hữu các thương hiệu con Emgrand, Gleagle và Englon. Đầu năm 2010, Geely chấp nhận trả 1,8 tỷ USD để mua lại hãng xe Thụy Điển Volvo từ tay Ford.
Volkswagen là tập đoàn đa quốc gia của Đức, sản xuất ô tô lớn thứ hai trên thế giới tính sản lượng. Volkswagen duy trì mức thị phần lớn nhất trong thị trường ô tô tại châu Âu trên hai thập kỷ. Tập đoàn sở hữu các thương hiệu Audi, Bentley, Bugatti, Lamborghini, Porsche, SEAT, Škoda và Volkswagen.
Nissan sở hữu các nhãn hiệu xe Nissan, Datsun, Infiniti. Bên cạnh đó, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản còn liên minh với Renault, sở hữu Dacia, Renault Samsung.
Renault SA là một công ty sản xuất ô tô của Pháp. Liên minh với hãng xe Nissan đã giúp đưa hãng trở thành hãng xe lớn thứ tư thế giới. Các mẫu xe hơi thành công nhất cho đến nay của hãng là Renault Clio, Dacia và Renault Laguna, thị trường cốt lõi của Renault là châu Âu.
Hyundai là công ty xe hơi hoạt động được gần 50 năm. Trong tay công ty Hàn Quốc có Kia, một trong những nhãn hiệu chiếm thị phần lớn nhất xứ kim chi.
Toyota là công ty đa quốc gia có trụ sở tại Nhật Bản, và là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Một số dòng xe đình đám của Toyota phải kể đến Daihatsu, Lexus, Scion, và Hino Motors.
BMW ra đời năm 1916, công ty, viết tắt của Bayerische MotorenWerke (tiếng Anh có nghĩa là Bavarian Motor Works) Năm 1998, BMW chính thức sở hữu Rolls-Royce và trẻ hóa độ tuổi của đối tượng khách hàng chính. 3 dòng xe nổi tiếng nhất của hãng là Rover, Rolls-Royce và Mini.
Ford Motor là một công ty đa quốc gia Mỹ và là nhà sản suất xe ô tô lớn thứ 5 trên thế giới theo số lượng xe bán ra toàn cầu. Các công ty trước đây ở Anh của Ford như Jaguar và Land Rover đã được bán cho Tata của Ấn Độ vào tháng 3/2008. Ford cũng sở hữu một ít cổ phần trong Mazda của Nhật và Aston Martin của Anh.
Tata Motors là hãng sản xuất xe hơi lớn nhất Ấn Độ. Công ty đã mua 2 chi nhánh xe hạng sang của Anh là Jaguar và Land Rover từ tay hãng xe Mỹ Ford. Giá của thương vụ vào khoảng 1,5 tỷ USD.
Daimler AG, từng được biết là DaimlerChrysler AG, là một công ty sản xuất ô tô của Đức và là nhà sản xuất ô tô lớn thứ 13 thế giới. DaimlerChrysler được thành lập năm 1998 khi nhà sản xuất Daimler-Benz của loại xe nổi tiếng Mercedes-Benz ở Stuttgart, Đức sáp nhập với công ty Chrysler của Mỹ. Daimler sản xuất ô tô và xe tải dưới các nhãn hiệu Mercedes-Benz, Freightliner.
Tháng 8/2014, hãng xe Fiat của Ý sáp nhập với nhà sản xuất xe hơi Chrysler của Mỹ nhằm tạo ra hãng sản xuất xe hơi Fiat Chrysler Automobiles (FCA). Ngoài những thương hiệu như Alfa Romeo, Lancia, Abarth và Fiat Professional, FCA còn sở hữu Jeep, Dodge, Ram, Mopar, Ferrari, Maserati và SRT.
Honda là nhà sản xuất động cơ lớn nhất thế giới. Acura là một thương hiệu lớn về xe hơi hạng sang của Honda.
PSA Peugeot Citroën là tập đoàn sản xuất ô tô lớn thứ hai châu Âu của Pháp. Tháng 5/1976, Peugeot SA mua 90% cổ phần của Citroën và hai công ty được sáp nhập với nhau thành liên minh PSA Peugeot Citroën như hiện nay.
Theo: BizLive