'Biết thiếu hụt mà cứ khuyên thanh liêm'
Đến đây lại nhớ tới nhà cải cách vĩ đại Nguyễn Trường Tộ thời kỳ Vua Tự Đức triều nhà Nguyễn. Đề cập tới lương quan lại trong bộ máy triều đình, cụ Nguyễn Trường Tộ viết: "Tôi tính lương tri huyện mỗi ngày không quá ba, bốn mạch, như vậy nuôi một người vẫn chưa đủ, huống chi nuôi một gia đình nhà quan. Đã biết thiếu hụt mà cứ đem lời nói suông, khuyên người ta thanh liêm như thế là ngầm để cho người tham nhũng.
Người Tây phương nói: Các quan lại nước Nam, trừ những người quá tham ô không nói, còn bao nhiêu những người khác, thường thường sau khi xong công việc, họ nhận của biếu xén, tạ ơn, điều đó cũng không đáng trách. Bởi vì có đủ cơm ăn, áo mặc thì mới nói đến chuyện vinh hay nhục, mà mọi việc ở đời cơ bản là sự nuôi nấng. Nếu không đủ nuôi sống, bản thân còn không tồn tại được, nói gì đến chuyện khác ngoài bản thân".
Ảnh minh họa: Bình Minh |
Mấy chục năm cải cách vẫn bó tay trước tham nhũng
Như vậy điểm không bình thường thứ nhất trong chế độ lương nước ta là không đủ sống. Không đủ sống nhưng người hưởng lương vẫn phải sống bằng nhiều cách. Sống dựa vào bố mẹ. Bố mẹ nuôi con ăn học, con cái đi làm vẫn dựa vào bố mẹ. Hoặc tự làm thêm đủ loại việc từ xe ôm, cắt tóc, bán hàng ăn, dạy học, dạy ngoại ngữ, mở phòng khám, chữa bệnh, mở hiệu thuốc, tư vấn, viết thuê dự án, đề án...
Cách không chính đáng là dựa vào chính công việc nhà nước trục lợi kiếm tiền. Nền hành chính qua mấy chục năm cải cách về cơ bản vẫn bó tay trước vấn nạn tham nhũng, từ tham nhũng vặt cho đến tham nhũng vừa và đại tham nhũng.
Điểm không bình thường thứ hai là lương không tuân thủ nguyên tắc thứ bậc hành chính. Lương của những người đứng đầu hệ thống không phải cao nhất.
Lương một thứ trưởng mới bổ nhiệm có thể thấp hơn lương một vụ trưởng lâu năm trong bộ. Có nước nào thiết kế lương theo kiểu như vậy?
Và điểm này liên quan tới vấn đề không bình thường thứ ba, đó là với cải cách lương bắt đầu từ 1993, 1994 thì hệ thống lương theo chức vụ lãnh đạo, quản lý bị xóa bỏ, có nghĩa là không có lương cho các chức vụ phó trưởng phòng, trưởng phòng, chánh, phó giám đốc sở, phó vụ trưởng, vụ trưởng và thứ trưởng và các chức vụ tương đương. Thay vào đó là cái gọi là phụ cấp trách nhiệm (lãnh đạo, quản lý).
Đây cũng là điểm khác căn bản của lương công vụ Việt Nam so với nhiều nước. Giá trị thật của chức vụ lãnh đạo, quản lý thể hiện qua phụ cấp bị hạ thấp đáng kể và cái mà một bộ phận lãnh đạo, quản lý tìm kiếm lại là lợi lộc gắn với công việc thay cho giá trị đó.
Điểm không bình thường thứ tư là tính bính quân chủ nghĩa, cào bằng trong chế độ lên lương. Cứ tằng tằng hai, ba năm lên một bậc. Sau này đã chỉnh sửa bằng chế độ lên lương sớm, nhưng lại khống chế tỉ lệ phần trăm quá chặt.
Thêm vào đó, thực tiễn hầu như không có chuyện hạ bậc lương, cho nên yếu tố khen thưởng và kỷ luật trong chế độ lên lương hầu như không có. Chất lượng công vụ vì thế cũng bị ảnh hưởng.
Quá nhiều phụ cấp đặc thù
Điểm không bình thường thứ năm là hệ thống lương có quá nhiều chế độ phụ cấp có tính đặc thù. Lương thấp nên hầu như ngành nào cũng thuyết minh, báo cáo ngành, lĩnh vực mình quản lý có đặc thù riêng, cần thể hiện ra là cái gọi là phụ cấp: phụ cấp độc hại, phụ cấp ngành giáo dục, y tế, thanh tra, phụ cấp công vụ..
Có ngành có phụ cấp thâm niên, nhưng có ngành lại không. Tính công bằng tương đối trong chế độ tiền lương bị phá vỡ.
Điểm không bình thường thứ sáu là tách lương lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ra khỏi hệ thống lương hành chính, sự nghiệp. Với quan niệm là tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của DNNN, lời lỗ tự lo, nên hầu như sự kiểm soát của nhà nước về lương các chức vụ lãnh đạo DNNN không có và thực tế có sự chênh quá lớn với lương hệ thống hành chính sự nghiệp.
Điểm không bình thường thứ bảy trong hệ thống lương, thu nhập nước ta là tính công khai, minh bạch rất thấp và cơ chế đi kèm nhằm bảo đảm. Lương của Thủ tướng Singapore, của Tổng thống Mỹ được công khai. Tổng thống Mỹ thôi chức thì chế độ lương hưu, chế độ bảo vệ, đi lại, chế độ lập thư viện... đều được công khai.
Việt Nam cũng có các chế độ tương ứng. Tuy nhiên cụ thể như thế nào thì không ai biết, gần như là bí mật quốc gia. Nói đơn giản như các vị đại biểu QH họp cả tháng trời như vậy có nhận thêm tiền thù lao, bồi dưỡng? Nhận thù lao là hoàn toàn chính đáng, cần được công khai.
Với những điểm không bình thường như vậy, câu chuyện cải cách tiền lương ở nước ta sẽ còn dài dài.
Theo VNN