Lúng túng thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư

Đã hơn một tháng kể từ ngày 1-7-2015, khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực, vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào được ban hành để hướng dẫn. Cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đang thắc mắc việc áp dụng hai luật này như thế nào nếu chưa có hướng dẫn ?
Cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đang thắc mắc việc áp dụng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư như thế nào nếu chưa có hướng dẫn.
Cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đang thắc mắc việc áp dụng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư như thế nào nếu chưa có hướng dẫn.

Hướng dẫn là... chờ

Cơ quan quản lý chịu trách nhiệm soạn thảo các nghị định là Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã trình Chính phủ tất cả các dự thảo nghị định quy định chi tiết hai luật từ cuối tháng 6 và bộ máy quản lý vẫn tiếp nhận bình thường các thủ tục hồ sơ của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nhưng cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư thắc mắc việc áp dụng luật thế nào khi chưa có văn bản hướng dẫn?

Theo quy trình ban hành nghị định của Chính phủ, sau khi bộ chủ trì soạn thảo hoàn tất hồ sơ trình Chính phủ, các văn bản này sẽ được Chính phủ thảo luận, thông qua và trình Thủ tướng ký ban hành. Thực tế thì đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư được Chính phủ thảo luận, cho ý kiến tại các phiên họp chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ đã có một số ý kiến chỉ đạo tại các công văn của Văn phòng Chính phủ yêu cầu bộ phải trình ký ban hành các nghị định quy định chi tiết các luật trước ngày 15-5 để các nghị định có hiệu lực cùng với luật hoặc cho phép bộ trình nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn để rút ngắn thời gian. Đầu tháng 8, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng có một số chỉ đạo yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, chỉnh lý một số nội dung của các dự thảo nghị định. Nhưng đến hôm nay vẫn chưa có văn bản nào được ban hành.

Sau khi xin phép Thủ tướng, từ cuối tháng 6 đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có sáu công văn hướng dẫn thực hiện hai luật. Thế nhưng những nỗ lực ấy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, các phòng đăng ký kinh doanh và các cơ quan đăng ký đầu tư liên tục nhận được rất nhiều câu hỏi, chủ yếu là áp dụng luật thế nào. Với câu trả lời từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư là vừa áp dụng luật năm 2014 ở một số điều khoản, vừa áp dụng các nghị định hướng dẫn luật năm 2005, các cán bộ tiếp nhận hồ sơ thường chỉ nhận các hồ sơ đơn giản về thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, còn những điểm chưa có hướng dẫn cụ thể thì tìm cách trả lời doanh nghiệp một cách an toàn nhất là chưa nhận hồ sơ vì chưa có hướng dẫn.

Những vướng mắc, lúng túng trong hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cho thấy giữa chủ trương đổi mới chính sách với hành động chỉ đạo, điều hành thực thi chính sách của hai luật còn một khoảng cách khá xa.

Thậm chí một số nội dung trong các công văn hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không nhất quán với luật hoặc đẩy doanh nghiệp, nhà đầu tư vào thế khó. Ví dụ: Công văn 4366 ngày 30-6 vừa yêu cầu nhà đầu tư làm lại thủ tục dự án đầu tư đã nộp trước ngày 1-7-2015 nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, vừa khuyến khích nhà đầu tư điều chỉnh hồ sơ dự án để được cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của luật mới. Còn nếu nhà đầu tư cứ tiếp tục đề nghị cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo hồ sơ đã nộp thì chờ cơ quan đăng ký đầu tư hỏi ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thực chất quy trình này không hướng dẫn cho nhà đầu tư giải quyết vướng mắc áp dụng luật, mà câu trả lời chỉ là chờ.

Lúng túng quy định cho các đổi mới

Với Luật Doanh nghiệp 2014, các nhà làm luật thường tự hào về đổi mới trong việc không yêu cầu ghi ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn phải khai ngành nghề trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Do một số quy định pháp luật chuyên ngành quy định doanh nghiệp phải có chứng nhận ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh mới được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh, ví dụ như ngành in, kiểm toán... nên doanh nghiệp vẫn phải xin xác nhận về đăng ký ngành nghề kinh doanh.

Tranh luận về đăng ký ngành nghề cấp 4 theo quy định hiện hành hay đăng ký ngành nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp vẫn chưa kết thúc khi nghị định hướng dẫn luật chưa được ban hành. Về con dấu cũng vậy, luật thì trao quyền cho doanh nghiệp tự quyết định số lượng, nội dung, hình thức con dấu, nhưng vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về thay đổi của luật dẫn đến không cần con dấu do cơ quan công an cấp, nên nhiều doanh nghiệp đi khắc dấu bị từ chối vì doanh nghiệp sản xuất con dấu e ngại, sợ phạm luật, các phòng đăng ký kinh doanh thì lúng túng trong thực hiện thủ tục đăng ký mẫu dấu theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Thực tế nhiều địa phương cũng không bảo đảm thời gian làm thủ tục đăng ký kinh doanh trong ba ngày như quy định của luật. Thêm vào đó nhiều cán bộ phòng đăng ký kinh doanh kêu quá tải vì phải thêm thủ tục cập nhật thông tin của doanh nghiệp vào Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp theo quy định mới, trong khi máy móc, kỹ thuật mạng chưa đáp ứng yêu cầu thao tác nhanh. Cơ quan thuế thì chưa có thủ tục cấp mã số thuế tự động đồng thời là mã số doanh nghiệp, nên cũng mất thời gian để chờ cấp mã số thuế và chuyển mã số thuế từ cơ quan thuế sang cơ quan đăng ký kinh doanh.

Còn Luật Đầu tư thì có thay đổi lớn nhất là tách giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra khỏi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và yêu cầu phải được phê duyệt dự án đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, thế nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn đầy đủ về thủ tục đăng ký đầu tư, chưa có hướng dẫn chuyển tiếp cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo Nghị định 139/2007 đang hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điểm vướng nhất trong việc thi hành Luật Đầu tư là Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn chưa công bố được danh mục các điều kiện đầu tư áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các điều kiện liên quan đến các cam kết đa phương, song phương và các ưu đãi đầu tư áp dụng theo pháp luật Luật Đầu tư và pháp luật chuyên ngành mà nhà đầu tư sẽ được hưởng (trường hợp không ghi ưu đãi trên giấy chứng nhận đầu tư). Vì vậy, nên các nhà đầu tư nước ngoài có tâm lý chờ có chính sách rõ ràng mới quyết định đầu tư.

Các điều kiện đầu tư kinh doanh chung thì mới được công bố tạm thời theo kết quả rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây chưa phải là điều kiện được công bố cuối cùng vì các bộ ngành còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Trong 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại phụ lục của Luật Đầu tư thì còn 16 ngành chưa quy định điều kiện kinh doanh như: dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, kinh doanh trang thiết bị y tế, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ... Trong 251 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện còn lại thì nhiều ý kiến băn khoăn không biết thế nào được gọi là điều kiện đầu tư kinh doanh, thế nào là điều kiện tiếp cận thị trường. Ví dụ điều kiện phải có chứng chỉ hành nghề của nhân viên công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, điều kiện phải có năm kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề... Như vậy, nếu nhà đầu tư áp dụng danh mục tạm thời, nhưng sau khi ban hành danh mục chính thức có sự thay đổi gây thiệt hại cho nhà đầu tư thì ai chịu trách nhiệm?

Theo TBKTSG