Luật sư cảnh báo hậu quả pháp lý nghiêm trọng do trốn khai báo y tế khi từ vùng dịch về nước

VietTimes – "Do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, nếu trở về từ vùng dịch mà trốn khai báo y tế, bạn có thể nhận những hậu quả nghiêm trọng" - Luật sư Bùi Quốc Tuấn cảnh báo.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cảnh báo về hậu quả trốn khai báo y tế (Ảnh: HB)
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cảnh báo về hậu quả trốn khai báo y tế (Ảnh: HB)

Ngay trong đêm 6/3, UBND TP Hà Nội đã phải họp khẩn để thông báo về trường hợp bệnh nhân thứ 17 nhiễm COVID-19 của Việt Nam - bệnh nhân N.H.N xuất hiện ở thời điểm tưởng như dịch bệnh đã có thể kiểm soát.

Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, bệnh nhân số nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay VN0054 (từ Lon don, Anh về Nội Bài, Hà Nội) hôm 2/3, nhưng đã trốn khai báo y tế về hành trình qua Ý, Pháp – những vùng dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp -  trước khi trở lại Anh rồi về Việt Nam.

Hậu quả nghiêm trọng của việc này đã dẫn tới mức tăng gần như 100% số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam chỉ sau hai ngày các cơ quan chức năng ráo riết khoanh vùng, tìm kiếm những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dù họ đã tỏa về nhiều địa phương. Bước đầu, đã phát hiện tới 12 ca mắc mới, bao gồm lái xe, bác ruột của bệnh nhân và 10 hành khách đi cùng trên chuyến bay VN054 (trong đó 1 người cư trú tại phố Trúc Bạch - Hà Nội, 4 du khách phát hiện mắc tại Quảng Ninh đã được đưa về điều trị tập trung tại BV Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - Hà Nội; 2 du khách phát hiện tại Lào Cai; 2 du khách đang du lịch tại Đà Nẵng; 1 du khách đã di chuyển tới Huế).

Theo số liệu mà Bộ Y tế đã công bố cho tới tối 8/3, ca “siêu lây nhiễm” số 17 đã nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam lên đến con số 30 người, khiến cho tình hình phòng chống dịch bệnh trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng ngàn người liên quan.

Sau khi phát hiện bệnh nhân số 17, nhiều tuyến phố của Hà Nội đã phải phun khử khuẩn khẩn cấp, cách ly hàng trăm hộ dân, nỗi lo sợ dịch bệnh lây lan vẫn chưa dừng lại khiến tâm lý lo sợ đẩy giá cả thị trường lên hỗn loạn, Hà Nội đang đề nghị phải công bố dịch

Khoa cấp cứu - Bệnh viện Nhiệt đới TW (Ảnh- Minh Thúy)
Khoa cấp cứu - Bệnh viện Nhiệt đới TW (Ảnh- Minh Thúy)

Về vụ việc này, trao đổi với VietTimes, luật sư Bùi Quốc Tuấn – Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết:"Điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.  

“Hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng trên toàn cầu, có ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của thế giới và đặc biệt nghiêm trọng đến đời sống con người, tức gây chết người. Chính phủ đã có những chính sách nhằm ngăn chặn và khống chế bệnh dịch này, bằng các biện pháp cụ thể, như Thủ tướng đã ký quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, nên chúng ta phải thực hiện theo qui định.

"Nếu ai cố tình trốn tránh khi có mang mầm bệnh, hoặc việc khai báo không cụ thể, để cơ quan chức năng có biện pháp cách ly ngăn ngừa lây nhiễm, tức là mang mầm bệnh lậy truyền cho nhiều người, thì hành vi trốn tránh các biện pháp phòng tránh dịch bệnh đều bị xử lý. Tùy tính chất và mức độ của hành vi của người vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự” – Luật sư Tuấn nói.

Người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Nếu bị truy tố, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng” – Luật sư Bùi Quốc Tuấn thông tin.

Luật sư Tuấn khuyến cáo: “Pháp luật đã có qui định, đã có hình phạt hành chính hay phạt tù nghiêm khắc, tuy nhiên quan trọng hơn hết là ý thức con người. Do đó chúng ta cần có nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, nhiều mức độ khác nhau, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhằm làm cho cộng đồng ý thức được và tự giác hành động, thì việc đẩy lùi dịch bệnh là kết quả sẽ đến trong một ngày không xa.

"Trong trường hợp bệnh nhân số 17 N.H.N vừa qua, chúng ta đã thấy hệ lụy việc cô không khai báo đã gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, từ đó là bài học cho chúng ta. Bất cứ thành viên nào trong xã hội cũng phải có ý thức thì gia đình, xã hội ngày một tốt đẹp hơn, còn ngược lại thì xã hội sẽ đánh giá và phê phán hành vi đó.

"Dù biết hay không biết mình có mầm bệnh, nhưng trước hết trách nhiệm của công dân là phải thực hiện thủ tục khai báo cụ thể để cơ quan chức năng có thể cách ly, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội” – Luật sư Bùi Quốc Tuấn nói.