Theo đó,kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII sẽkhai mạc vào ngày 21/3/2016 và dự kiến bế mạc vào ngày 14/4/2016.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽxem xét, thông qua 7 dự án luật gồm: Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011- 2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020; Quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020;kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Như vậy, so với lịch trình dự kiến được đưa ra cách đây ít hôm trong phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ QH, nội dung thảo luận về dự án Luật Biểu tình (dự thảo luật đã được hoãn lại nhiều lần) đã được đưa ra khỏi chương trình làm việc của kỳ họp thứ 11 sắp diễn ra.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, đây là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII nên Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011- 2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Theo ông Phúc, để kỳ họp thứ 11 đạt kết quả tốt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức tiếp xúc cử tri theo quy định và gửi báo cáo tổng hợp về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Namtrước ngày 12/3/2016để các cơ quan hữu quan có thời gian tổng hợp, chuẩn bị báo cáo bảo đảm chất lượng, kịp trình Quốc hội tại phiên khai mạc.
Ủy ban Thường vụ QH cũng yêu cầu các đại biểu, đoàn đại biểu QH, dành thời gian cho ý kiến về các nội dung, dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11, nhất là đối với các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011- 2016 của các cơ quan và gửi về Tổng thư ký Quốc hộitrước ngày 5/3/2016để kịp tiếp thu, chỉnh lý, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 46 dự kiến khai mạc ngày 7/3/2016.
Liên quan đến việc lùi dự án Luật Biểu tình, chiều 29/2, Văn phòng Chính phủ cho biết, theo chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, Chính phủ đã phân công, chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan soạn thảo dự án Luật Biểu tình.
Đây là một dự án luật quan trọng, phức tạp và nhạy cảm. Việc xây dựng dự án Luật được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, chặt chẽ. Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã họp cho ý kiến chỉ đạo về tư tưởng, quan điểm, nội dung cơ bản của dự án Luật để định hướng cho việc soạn thảo.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2016, trong thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau về một số vấn đề quan trọng. Do vậy Chính phủ chưa thông qua và đề nghị UBTVQH cho phép chưa trình dự án Luật này tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII.
Ngay sau khi có ý kiến của UBTVQH (ngày 17/02/2016), Văn phòng Chính phủ đã báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đề nghị UBTVQH chưa đưa nội dung cho ý kiến đối với dự án Luật Biểu tình vào chương trình kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII với lý do cơ quan chủ trì dự án Luật chưa chuẩn bị kịp để trình Chính phủ xem xét tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016.
Theo Infonet