Đó là một trong những quy định mới đáng chú ý nhất trong Luật Báo chí năm 2016 được Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phân tích tại Hội nghị phổ biến Luật Báo chí năm 2016 cho các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc vừa diễn ra vào chiều ngày 7/11, do Bộ TT&TT tổ chức.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết: Luật Báo chí được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 5/4/2016, với số phiếu tán thành cao. Luật Báo chí năm 2016 gồm 6 chương với 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Luật Báo chí mới sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, với nhiều quy định mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí và công tác báo chí, mang tính thời đại, xây dựng một nền tảng pháp lý vững chắc và cụ thể cho việc phát triển báo chí trong giai đoạn tới. Đặc biệt, Luật Báo chí 2016 có những điểm mới, nổi bật so với Luật cũ, thể hiện trong các quy định như: Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; Đối tượng thành lập cơ quan báo chí; Liên kết trong hoạt động báo chí; Quyền tác nghiệp của báo chí; Quyền hạn, nghĩa vụ của nhà báo; Hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí; Những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; Cải chính và xử lý vi phạm; Pháp điển hóa quy định tại các Nghị định của Chính phủ.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, về đối tượng thành lập cơ quan báo chí, ngoài các đối tượng thành lập cơ quan báo chí theo luật hiện hành, Luật Báo chí mới đã bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học như: cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên.
Về quyền tác nghiệp của báo chí, ngoài những quy định của luật hiện hành, Luật Báo chí mới còn quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp cho báo chí.
Để bảo vệ nguồn tin báo chí và quyền tác nghiệp của nhà báo, so với Luật Báo chí hiện hành, Luật Báo chí mới đã quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên, cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, Luật Báo chí mới đã bổ sung, luật hóa những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Theo đó, nhà báo sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng.
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị lãnh đạo Cục Báo chí khi giới thiệu Luật Báo chí năm 2016, tập trung sâu vào những quy định mới của Luật Báo chí và việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành sắp tới.