Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có báo cáo gửi lên Thủ tướng Chính phủ về khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn.
Đối với sản lượng cam kết bao tiêu, PVN cho biết, khi Lọc dầu Nghi Sơn vận hành thương mại vào năm 2017 và đạt công suất tối đa vào năm 2018 thì nguồn cung xăng dầu nội địa cho thị trường Việt Nam tại thời điểm đó đạt khoảng 17.589 nghìn m3 bao gồm: Nhà máy lọc dầu Dung Quất khoảng 7.274 nghìn m3/năm; Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn khoảng 9.625 nghìn m3/năm; Bốn cơ sở pha chế xăng từ Condensate có tổng công suất 690 nghìn m3/năm (chưa kể các dự án khác nếu đi vào hoạt động).
Trong khi đó, nếu tính toán nhu cầu thị trường nội địa cả nước (các sản phẩm xăng+ Diesel+ Jet A1) tính tại thời điểm năm 2018 là khoảng 17.329 nghìn m3 (với tốc độ tăng trưởng nhu cầu nội địa dự kiến khoảng 3% năm)
Như vậy, tổng cung từ 2 nhà máy lọc dầu và các nguồn chế biến xăng dầu từ Condensate đã đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa. Bên cạnh đó mặt hàng diesel sẽ dư thừa. Cụ thể, theo cơ cấu sản phẩm của Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất và Nghi Sơn vận hàng 100% công suất thì dự kiến tại thời điểm 2018 tổng cung sẽ vượt cầu khoảng 821 nghìn m3, riêng sản phẩm dầu Diesel sẽ dư thừa khoảng 849 nghìn m3, sản phẩm xăng các loại và Jet A1 đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu.
"Với cơ cấu sản phẩm và cung cầu như trên, các điều kiện PVN thực hiện bao tiêu sản phẩm của nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn là khá chặt chẽ, do vậy việc thực hiện bao tiêu đang là khó khăn rất lớn đối với PVN” - PVN báo cáo Thủ tướng.
Bên cạnh đó, theo lộ trình cam kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), mức thuế áp dụng cho sản phẩm lọc dầu của Dung Quất và Nghi Sơn vẫn còn cao hơn với mức thuế suất ưu đãi theo FTA. Theo đó, giá bán của các sản phẩm trong nước sẽ luôn cao hơn so với xăng dầu nhập khẩu.
Tập đoàn này lo ngại, khi Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, việc tiêu thụ sản phẩm sẽ càng thêm khó khăn do không cạnh tranh được với xăng dầu nhập khẩu ngay trên thị trường Việt Nam. Trong khi đó các thương nhân đầu mối tăng dần sản lượng nhập khẩu các lô hàng có xuất xứ Form D/E/AK có mức giá tốt hơn để tận dụng lợi thế về chênh lệch mức thuế.
“Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động với công suất tối đa, tổng nguồn cung trong nước cơ bản đáp ứng nhu cầu nội địa và có chủng loại dư thừa như dầu diesel. Trong khi đó các thương nhân đầu mối khi nhập khẩu sẽ hưởng ưu đãi theo FTA với thuế suất thấp hơn. Do vậy, giá xăng dầu của các nhà máy lọc dầu trong nước không thể nào cạnh tranh được với nhập khẩu”, PVN cho hay.
PVN cho rằng, nếu Chính phủ không kiểm soát chặt chẽ lượng xăng dầu nhập khẩu không có các thay đổi về cơ chế, chính sách trong kinh doanh xăng dầu thì việc tiêu thụ sản phẩm bao tiêu sẽ gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro lớn.
Tập đoàn này cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan giải quyết các vấn đề còn khó khăn, tháo gỡ vướng mắc trong bao tiêu sản phẩm của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Cụ thể, điều chỉnh các chính sách về kinh doanh xăng dầu trên cơ sở cân đối cung cầu, chỉ cấp quota nhập khẩu sau khi cân đối đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước (Nghi Sơn, Dung Quất) để đảm bảo cho các nhà máy lọc dầu trong nước tiêu thụ an toàn, hiệu quả toàn bộ sản phẩm, phát huy hiệu quả đầu tư của Dự án, đảm bảo an ninh năng lượng.
Theo Dân trí