Livestream bán hàng online có dễ kiếm tiền như nhiều người vẫn nghĩ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các phiên livestream mang về doanh thu hàng tỷ đồng của một số content creator đã tạo sức hút cho công việc này. Từ bỏ việc làm ổn định để theo đuổi xu hướng mới, nhiều người nhận ra bán hàng qua mạng không nhàn hạ như những gì thấy trên video.

Một người livestream bán hàng trên nền tảng TikTok. Ảnh: Vietnamnet.
Một người livestream bán hàng trên nền tảng TikTok. Ảnh: Vietnamnet.

Kỳ vọng livestream sẽ giúp bản thân nổi tiếng và mang lại thu nhập hấp dẫn, nhiều người quyết định từ bỏ công việc ổn định. Tuy nhiên, việc trở thành một streamer thu hút đông đảo người xem không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Mong muốn thoát nghèo từ livestream

Đỗ Thanh Thuý (1999, Nam Định) là nhân viên truyền thông của một công ty du lịch ở Cầu Giấy, Hà Nội. Tham gia tay ngang vào thị trường chứng khoán, cô thua lỗ số tiền lớn. Thấy mức lương 9-10 triệu đồng/tháng sẽ khó kiếm lại số tiền đã mất, Thuý học cách trở thành streamer.

"Tôi chú ý đến nhiều người livestream bán hàng kiếm được rất nhiều tiền, một ngày kiếm đến cả chục triệu, đơn bán lên đến cả chục nghìn. Vì vậy tôi quyết định bỏ công việc hiện tại để tập trung tìm công việc livestream”, cô gái này tâm sự.

Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt và có tiền trả nợ, Thuý thuê phòng trọ ở ngoại thành, mỗi ngày di chuyển khoảng 25 km đến công ty. Đi làm từ sớm, tan ca lúc muộn nên Thuý chỉ ngủ 4-5 tiếng mỗi ngày.

ban-hang-1509.jpg
Hình ảnh một phiên livestream diễn ra. Ảnh: Vietnamnet.

Chia sẻ với VietTimes, Thuý cho biết ban đầu, chị vào các hội nhóm tuyển dụng livestream để ứng tuyển. Sau khoảng 2 tuần đào tạo, Thuý phải làm việc liên tục từ 13h30-23h00, có những ngày nghỉ sẽ phải đứng live cả ngày.

Lúc mới lên live do chưa quen, còn ngại ngùng, thiếu tự tin nên cô phải tập đi, tập lại nhiều lần. Chỉ cần vài phút "đứng hình" trên phiên live, cô bị quản lý mắng, thậm chí là trừ lương. Với vóc dáng mảnh mai, khuôn mặt thân thiện và khiếu hài hước, Thuý dần quen với công việc mới, được bố trí tham gia khá nhiều buổi livestream.

Chia sẻ về lý do bỏ công việc ổn định trước đây, Thuý nghĩ livestream là một ngành “dễ ăn” khi nhiều người chỉ đứng nói trên live mà thu được nhiều tiền, không cần phải làm việc quá nặng nhọc. Tuy nhiên, cô gái đã thay đổi góc nhìn sau khi trải nghiệm thực tế.

Áp lực đến nhập viện

Mỗi ngày đứng live, Thuý có thể bán được khoảng hơn 50 đơn. Mức lương Thúy nhận được dao động khoảng 25-30 triệu đồng/tháng bao gồm lương cơ bản, hoa hồng, phụ cấp,...

Thu nhập gấp gần 4 lần so với công việc cũ, tuy nhiên Thuý phải đánh đổi sức khoẻ, các mối quan hệ xung quanh. Nhiều lần trong lúc live cô bị kiệt sức, đến mức phải nhờ người khác thay thế, thậm chí phải truyền nước, uống thuốc hỗ trợ.

“Một ngày đứng live tôi phải nói chuyện, hò hét liên tục nên dây thanh quản bị ảnh hưởng rất nhiều. Mỗi lần tắt live là tiếng cũng mất luôn. Bên cạnh đó, bụi vải, mỹ phẩm ảnh hưởng đến da, đường hô hấp cũng khiến tôi phải mua thuốc điều trị kích ứng da, ho khan thường xuyên”, Thuý bày tỏ.

livestream-ban-hang-binh-duong-2.jpg
Hậu trường một buổi livestream.

Bốn tháng trước, Thuý nhập bị viêm thanh quản, có khối u papillomas trong thanh quản và phải mổ. Thời điểm mắc bệnh, chị luôn thấy khản cổ, ho nhiều, giọng nói thay đổi. Tình trạng nặng dần dẫn tới mất tiếng, hụt hơi và luôn có cảm giác vướng ở cổ. Tuy nhiên, vì tính chất công việc livestream không dừng được và cũng do tiếc tiền, Thuý trì hoãn không đi khám. Đến khi không thể phát ra tiếng được, cô gái này đi khám thì được chẩn đoán có khối u lành tính trong thanh quản.

Nhờ bệnh tình không quá nghiêm trọng, Thuý đã được ra viện, dần dần lấy lại giọng nói.

“Bác sĩ khuyến cáo không nên nói quá nhiều, to trong một thời gian dài để đảm bảo sức khoẻ cổ họng. Vì vậy, sau khi ra viện tôi đã giảm thời lượng livestream xuống”, Thuý tâm sự.

Bên cạnh việc sức khoẻ đi xuống, chuyện tình cảm Thuý cũng bị ảnh hưởng. Khối lượng công việc nặng, thời gian livestream dày đặc khiến cô gái này không có nhiều thời gian bên gia đình, bạn bè. Cô nhận ra rằng vì chạy theo các phiên livestream nên việc gặp gỡ bạn trai cũng ít đi, dẫn tới mối quan hệ phải dừng lại.

Dễ bị đào thải, công kích

Bù lại những khó khăn, nghề livestream thuê cũng mang cho Thuý lại rất nhiều lợi ích như thu nhập cao, bạo dạn hơn trong giao tiếp hàng ngày, tự tin trước số đông và có kỹ năng bán hàng tốt. Áp lực doanh số khiến những streamer như Thuý luôn phải cố gắng làm mới mình, thay đổi cách trò chuyện, tư vấn sao cho hấp dẫn hơn.

"Để theo đuổi công việc này, các bạn trẻ phải luôn trau dồi kiến thức, giữ nguồn năng lượng tốt nhất và phải luôn chăm chỉ nếu không rất dễ bị thụt lùi, bỏ lại. Những bạn trẻ đang có ý định theo nghề cần phải xác định nghiêm túc, đầu tư thời gian và chịu được sự áp lực lớn", Thuý nói.

2-ava-1436.jpg
Những người thành công đã từng trải qua những phiên live không người xem, hoặc không có tương tác, không ai mua hàng. Ảnh: Vietnamnet.

Chị Trần Tú Quyên, Giám đốc Kinh doanh của Vitamin Network - đối tác chiến lược chính thức của TikTok tại Việt Nam đồng thời là đơn vị triển khai TikTok Shop và quản lý nhiều hot TikToker - cho biết livestream mang lại thu nhập cao tuy nhiên không phải ai cũng có thể thành công. Rất nhiều bạn trẻ mộng tưởng cứ cầm điện thoại lên live là sẽ kiếm được nghìn đơn, nhưng thực tế không phải như vậy.

Những người thành công cũng từng trải qua những phiên live không người xem, hoặc có người xem nhưng không có người tương tác, không ai mua hàng. Sự thành công của họ đến từ việc kiên trì không bỏ cuộc. Hơn cả, đây là ngành rất trend nên tính cạnh tranh rất cao, người lao động tham gia thị trường rất dễ bị đào thải.

Theo Giám đốc Kinh doanh của Vitamin Network, livestream là công việc có thể khiến các bạn trẻ trở nên nổi tiếng sau một video nhưng cũng có thể khiến bạn "mất ăn mất ngủ" nếu mang tới những thông tin không chính xác, không có kiểm chứng. Rất nhiều KOC đã mất trắng lượng khách sau khi bán những mặt hàng không đảm bảo chất lượng.

Đỗ Thanh Thuý cũng từng phải đối mặt với việc nhiều khách có thái độ không tốt khi mua hàng. Nhiều lần Thuý đã bị công kích bởi những câu nói rất tục tĩu, không văn minh, thậm chí là bị dọa đánh sập kênh vì khách hàng có trải nghiệm sản phẩm không tốt.