Trong thời gian qua và đặc biệt là năm nay, Uber đã vướng vào rất nhiều bê bối như kiện tụng, lục đục nội bộ, thua lỗ triền miên, và tai tiếng nhất là văn hoá công ty xuống cấp. Trước tình hình này, CEO Travis Kalanick buộc phải từ chức vào tháng 6/2017 do sức ép từ một số nhà đầu tư lớn và sự phản đối mạnh mẽ của công chúng. Sự ra đi của Kalanick đã làm nảy sinh khá nhiều suy đoán về việc ai sẽ là người thay thế và quan trọng hơn là người đó có thể giúp Uber giải quyết những vấn đề nội tại và tăng trưởng nhanh trở lại hay không.
Và cuối cùng sau hơn 2 tháng tìm kiếm thì CEO mới của Uber đã chính thức lộ diện. Cuối tuần qua, Hội đồng quản trị (HĐQT) của Uber đã dành thời gian thảo luận và bỏ phiếu chọn ra người thay thế cho ông Kalanick. Quả là bất ngờ khi đó không phải là chủ tịch Jeff Immelt của General Electric, hay CEO Meg Whitman của Hewlett Packard, những người từng là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí này. Người được chọn là Dara Khosrowshahi, một cái tên chưa hề được nhắc đến cho tới khi phóng viên Kara Swisher của tờ Recode tiết lộ vào ngày 27/8 vừa qua.
Khosrowshahi là một gương mặt còn khá xa lạ với nhiều người. Nhưng những người đã biết đến danh tiếng của ông tại Expedia, công ty du lịch trực tuyến lớn nhất thế giới đều tin rằng ông có đầy đủ khả năng để giải quyết các vấn đề hiện tại của công ty tư nhân có giá trị nhất thế giới này.
CEO mới của Uber là ai?
Năm nay 48 tuổi, Khosrowshahi cùng gia đình đã rời Iran để di cư đến Mỹ vào năm 1978 ngay trước khi cuộc cách mạng Iran xảy ra. Sau khi tốt nghiệp Đại học Brown năm 1991 với bằng cử nhân khoa học ngành kỹ thuật điện, ông đã làm việc tại ngân hàng đầu tư Allen & Co trong 7 năm ở vị trí chuyên viên phân tích.
Tại đây, Khosrowshahi gặp Barry Diller, Chủ tịch của một tập đoàn lớn trên Phố Wall là InterActive Corp (IAC) và đã rất ấn tượng trước sự quyết đoán của vị doanh nhân nổi tiếng này. "Diller đã rất quyết tâm thâu tóm hãng phim Paramount khi ông ấy ở QVC, và tôi nghĩ rằng đây chính là người mà tôi muốn làm việc cho", Khosrowshahi nói với Bloomberg hồi đầu năm nay.
Sau đó, Khosrowshahi chuyển sang làm việc cho IAC rồi được bổ nhiệm vào các vị trí điều hành ở tập đoàn này cho đến khi Expedia tách ra khỏi IAC. Từ đó, ông gắn bó với Expedia dưới cương vị CEO cho đến tận tuần này.
Dara Khosrochshahi, Chuyên gia đàm phán và thâu tóm (dealmaker), Chuyên gia công nghệ
Là CEO của Expedia trong 12 năm qua, Khosrowshahi đã giúp công ty này hoạt động rất hiệu quả. Expedia không chỉ là một trang web mà đã trở thành một công ty du lịch trực tuyến lớn nhất thế giới có hơn 20.000 nhân viên và sở hữu hơn 150 trang web du lịch, trong đó có một số trang rất nổi tiếng như Hotels.com, Hotwire và Trivago. Dưới sự lãnh đạo của Khosrowshahi, doanh thu từ mảng kinh doanh đặt chỗ của Expedia đã tăng từ 15 tỷ USD lên tới 72 tỷ USD vào năm 2016.
Theo Dennis Schaal, tổng biên tập của nền tảng tiếp thị du lịch Skift, Khosrowshahi là một chuyên gia đàm phán và thâu tóm, nhân vật quan trọng tại Expedia, và là người rất năng động. Ông được cả bạn bè và đối thủ trong ngành du lịch kính trọng.
Trong khi một vài sự cố gần đây đã làm Khosrowshahi bị miêu tả là "đối đầu" hay "chống lại Travis Kalanick", Schaal khẳng định điều này là một sai lầm. Theo Schaal, Khosrowshahi là một chuyên gia công nghệ và rất đam mê trí thông minh nhân tạo, tìm kiếm bằng giọng nói, cá nhân hóa, và dữ liệu lớn. Theo Financial Times, Khosrowshahi đã làm việc để Expedia thành một trợ lý du lịch thời gian thực, có thể gọi xe Uber của bạn tới sân bay đúng giờ.
Khosrowshahi cũng giống Kalanick ở khía cạnh anh ta sẵn sàng chấp nhận rủi ro với tiền của công ty mình. Năm ngoái, Trivago đã chi 87% doanh thu của mình cho tiếp thị, Schaal cho biết thêm.
Liệu CEO mới có khả năng giúp Uber vượt qua khó khăn?
Qua cách Khosrowshahi làm việc với Barry Diller nhằm thực hiện những thương vụ thâu tóm lớn khi ở Expedia, tách khỏi TripAdvisor, và giúp Trivago tiến hành IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu), Schaal cho rằng Khosrowshahi là người hoàn toàn phù hợp để giải quyết các vấn đề lớn nhất của Uber hiện nay. Sắp tới, việc tiến hành IPO sẽ là ưu tiên hàng đầu cho HĐQT của Uber. Nhưng làm việc với một HĐQT mà ở đó Kalanick vẫn có quyền bỏ phiếu lớn có thể là một trở ngại lớn với Khosrowshahi.
Uber hiện rất hỗn loạn và là thách thức lớn với bất kỳ nhà điều hành nào. Nhưng Schaal tin rằng với những kinh nghiệm làm việc với một nhân vật tầm cỡ như Diller thì Khosrochshahi sẽ cảm thấy thoải mái với việc này, và HĐQT sẽ tôn trọng Khosrowshahi. "Tôi không nói rằng đó là thuốc chữa bách bệnh cho những rắc rối của Uber, nhưng nó chắc chắn sẽ giúp ích", Schaal nói.
“Dara Khosrochshahi phải đương đầu với nhiều vấn đề khó khăn để khôi phục sự tín nhiệm trong quản lý điều hành của Uber” Raj Rajakumar, giáo sư kỹ thuật tại Đại học Carnegie Mellon, và giám đốc của chương trình công nghệ cho giao thông an toàn và hiệu quả phát biểu: “Tôi tin rằng một cá nhân, một người phù hợp có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Điều đáng quan tâm là với việc Kalanick vẫn ở trong hội đồng thì không rõ liệu Dara có thể đưa ra những quyết định cần thiết mà không có sự tham gia của Travis hay không”.
Nguyên nhân chính khiến Uber tự rơi vào hố sâu của khủng hoảng là do Kalanick để cho văn hoá của Uber xuống cấp từ bên trong. Dưới thời Kalanick, Uber đã thành nơi bao che và dung túng cho các hành vi phân biệt giới tính và quấy rối tình dục. Vấn đề này đã lên đến đỉnh điểm vào tháng 2/2017 khi Susan Fowler, một cựu kỹ sư của Uber, đã đăng tải trên blog một bài viết mô tả khoảng thời gian tồi tệ của cô ở Uber. Nhưng may mắn cho Uber và các nhân viên của công ty là Khosrowshahi không có tính cách giống Kalanick.
Khosrowshahi đã xóa bỏ hệ thống đánh giá nhân viên mà Expedia sử dụng trong những ngày đầu, điều này có vẻ khác với Uber. Ông từng viết "Nhân viên bị ám ảnh bởi điểm xếp hạng của họ" và "Hãy đến với Expedia và trở thành con người chứ không phải là một con số”. Khosrowshahi cũng thể hiện những quan điểm tiến bộ khi nhiều lần lên tiếng phản đối Tổng thống Donald Trump. Ông thậm chí còn ủng hộ cuộc chiến pháp lý chống lại lệnh cấm đi lại của Tổng thống hồi đầu năm nay.
Trang web Glassdoor đã bình chọn Khosrowshahi là một trong những "CEO được đánh giá cao nhất" năm nay, đứng ở vị trí 39, và Expedia cũng đứng ở vị trí thứ 16 trong số những nơi đáng làm việc nhất năm 2016. Theo báo cáo về sự đa dạng của công ty, phụ nữ chỉ nắm giữ 1/3 vị trí lãnh đạo của Expedia vào năm 2016, nhưng họ chiếm tới 51% lực lượng lao động và được trả lương như nam giới.
Khosrowshahi cho rằng Expedia còn rất nhiều việc phải làm để nhiều phụ nữ được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo hơn nữa. Ông tin rằng bằng cách làm phong phú thêm tính đa dạng của lực lượng lao động trên tất cả các khía cạnh, bao gồm giới đã giúp Expedia đạt được những kết quả tốt nhất.
Tất cả những điều này trái ngược với các giá trị của Uber mà Kalanick đã yêu cầu nhân viên của mình tuân thủ, như "luôn luôn bận rộn", hoặc thời điểm ông đưa ra các quy tắc về giới tính cho một bữa tiệc công ty ở Las Vegas.
Để đưa Uber ra khỏi khủng hoảng, một việc quan trọng mà vị CEO mới cần làm chính là thay đổi văn hóa của Uber. Theo Maya Raghu, giám đốc về Bình đẳng nơi làm việc của Trung tâm Luật Phụ nữ quốc gia, ông Khosrowshahi cần ngay lập tức ban hành những quy định như quấy rối tình dục và phân biệt đối xử sẽ không được dung thứ, và đưa ra một số chính sách bằng văn bản để làm rõ ràng. Bà có ý kiến là Khosrowshahi nên nói rõ cho mọi người biết sẽ phải chịu trách nhiệm cho những hành vi như vậy, bởi vì điều này dường như không xảy ra trước đây.
Raghu cho rằng sự thay đổi văn hóa phải đến từ phía lãnh đạo. Và tin mừng là Khosrowshahi có rất nhiều tự do trong việc tuyển dụng các vị trí điều hành khác ở Uber. Uber hiện không có giám đốc tài chính (CFO), giám đốc marketing (CMO), giám đốc tác nghiệp (COO) và một số phó chủ tịch cấp cao khác. Raghu cho rằng tuyển dụng những ứng cử viên mới từ nhiều nguồn gốc khác nhau vào các vị trí này sẽ là một cơ hội tuyệt vời cho thay đổi văn hóa ở Uber.
Tuy nhiên, tạo ra một môi trường làm việc toàn diện, công bằng và thành công trong con mắt Thung lũng Silicon là một thách thức. Kalanick đã từ bỏ điều này và phải từ chức CEO vì ông đặt sự tăng trưởng và thành công lên một mức độ ưu tiên khác cao hơn văn hóa công ty. Vì vậy, bây giờ là lúc Khosrowshahi phải thiết lập lại sự cân bằng giữa lợi nhuận và chuẩn mực văn hóa.
Theo Carl Tobias, giáo sư luật tại Đại học Richmond, kỳ vọng Khosrowshahi làm được việc này là thấp căn cứ vào những gì Uber đã trải qua. Dường như Uber đang rơi vào vòng xoáy đi xuống, và nếu Khosrowshahi có thể thay đổi bằng bất kỳ cách nào thì điều này sẽ có ý nghĩa rất lớn.
Nếu Khosrowshahi làm được thì có thể thiết lập một tiêu chuẩn mới trong ngành công nghệ cao. "Chúng ta chỉ có thể hy vọng", Raghu nói thêm.