Liên Kết Việt lừa đảo 1.900 tỷ đồng, Bộ Công thương phạt 570 triệu đồng

VietTimes -- Người đứng đầu đơn vị trực tiếp quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp của Bộ Công thương đã lần đầu lên tiếng trước báo chí về vụ lừa đảo chấn động của Tập đoàn đa cấp Liên Kết Việt. VietTimes xin được trích đăng toàn bộ 3 câu trả lời này.
Liên Kết Việt lừa đảo 1.900 tỷ đồng, Bộ Công thương phạt 570 triệu đồng

Câu 1: Xin ông cho biết quá trình Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt) đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp?

Trả lời:

Công ty Liên kết Việt được Sở Công Thương Hà Nội cấp Giấy chứng nhận thực hiện bán hàng đa cấp vào ngày 10 tháng 02 năm 2014. Sau khi Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực (từ ngày 1 tháng 7 năm 2014), việc đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được chuyển từ các Sở Công Thương về Bộ Công Thương (Cục Quản lý cạnh tranh).

Nghị định số 42/2014/NĐ-CP đã nâng cao các điều kiện đăng ký hoạt động so với trước đây để thanh lọc các doanh nghiệp yếu kèm. Tuy nhiên, Nghị định số 42/2014/NĐ-CP không giới hạn số lượng doanh nghiệp được đăng ký hoạt động, đồng thời cũng quy định rất rõ ràng, minh bạch các điều kiện để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký. Theo đó, doanh nghiệp nào đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP đều được đăng ký hoạt động.

Ngày 21 tháng 10 năm 2014, Công ty Liên kết Việt nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Cục Quản lý cạnh tranh theo quy định tại Nghị định số 42/2014/NĐ-CP. Sau khi thẩm định hồ sơ, do Công ty Liên kết Việt đáp ứng được các quy định tại Nghị định số 42/2014/NĐ-CP, Cục Quản lý cạnh tranh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số 006/QLCT-GCN cho Công ty Liên kết Việt ngày 22 tháng 12 năm 2014.

Câu 2. Xin ông cho biết về công tác quản lý, kiểm tra, xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước đối với Công ty Liên kết Việt?

Trả lời:

Sau khi Công ty Liên kết Việt được cấp đăng ký hoạt động, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành hậu kiểm hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty vào ngày 15 tháng 7 năm 2015.

Lê Xuân Giang (Lê Xuân Hà), mặc bộ quân phục cùng bộ sậu của Liên Kết Việt đã bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Căn cứ kết quả kiểm tra, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành điều tra vụ việc cạnh tranh đối với Công ty Liên kết Việt. Căn cứ kết quả điều tra, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã ban hành Quyết định xử phạt Công ty Liên kết Việt với số tiền 570 triệu đồng về các hành vi vi phạm các quy định trong hoạt động bán hàng đa cấp được quy định tại Nghị định số 42/2014/NĐ-CP và Thông tư số 24/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương:

- Vi phạm các nghĩa vụ liên quan đến thông báo hoạt động bán hàng đa cấp ở một số tỉnh/thành phố, nghĩa vụ liên quan đến thông báo hoạt động hội nghị, hội thảo, nghĩa vụ liên quan đến đào tạo người tham gia và cấp thẻ cho người tham gia, nghĩa vụ báo cáo định kỳ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

- Không thực hiện thủ tục đề nghị cấp sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp khi có thay đổi, bổ sung liên quan đến Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp,

- Cung cấp các thông tin gian dối và gây nhầm lẫn cho khách hàng về chất lượng, công dụng của sản phẩm;

- Không thường xuyên giám sát hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp để đảm bảo người tham gia thực hiện đúng Quy tắc hoạt động, Chương trình trả thưởng của doanh nghiệp;

- Duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng bán hàng đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp.

Như vậy, Cục Quản lý cạnh tranh đã chủ động thực hiện hậu kiểm Công ty Liên kết Việt từ rất sớm (7 tháng sau khi cấp GCN đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho Công ty) và đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của Công ty, với số tiền phạt rất lớn.

Câu 3. Ông đánh giá thế nào về công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc phát hiện, xử lý các sai phạm tại Công ty Liên kết Việt?

Trả lời:

Đầu tháng 11 năm 2015, Cục Quản lý cạnh tranh đã phối hợp với C46-Bộ Công an và Công an Quận Cầu Giấy kiểm tra hoạt động của Công ty Liên kết Việt tại trụ sở Công ty và đã có nhiều buổi làm việc với đại diện Công ty tại trụ sở Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương và Bộ Công an để làm rõ các nội dung liên quan. Sau đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã bàn giao hồ sơ kiểm tra Công ty Liên kết Việt cho C46. Trong quá trình Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an điều tra vụ việc Cục Quản lý cạnh tranh đã phối hợp cung cấp các tài liệu và phối hợp xác minh thêm thông tin liên quan đến Công ty Liên kết Việt.

Căn cứ kết quả điều tra, xác minh ban đầu, Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố bị can đối với một số thành viên của Ban lãnh đạo Công ty Liên kết Việt. Tháng 2 năm 2016, Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định áp dụng biện pháp tạm giam đối với một số thành viên ban lãnh đạo Công ty Liên kết Việt.

Như vậy, ngay sau khi hậu kiểm Công ty Liên kết Việt, Cục Quản lý cạnh tranh đã tích cực phối hợp chặt chẽ với C46 - Bộ Công an điều tra hoạt động của Công ty này.

P.V