Ngày 25/4, đại diện LG đã tiết lộ về kế hoạch di dời dây chuyền sản xuất smartphone cao cấp từ nhà máy ở Pyeongtaek, ngoại ô Seoul, tới một nhà máy tại Hải Phòng.
Nhà máy Pyeongtaek hiện có sản lượng mỗi năm là 5 triệu đơn vị. Việc bổ sung thêm các dây chuyền sản xuất từ Pyeongtaek sẽ làm gia tăng năng lực sản lượng của nhà máy tại Hải Phòng lên mức 11 triệu đơn vị/năm.
Bên cạnh đó, LG sẽ tiếp tục hoạt động sản xuất smartphone tại Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
Năm 2018, LG Electronics đã bán ra khoảng 40 triệu chiếc smartphone, chiếm gần 3% thị phần trên toàn cầu. Tuy nhiên, Q4/2018 đánh dấu quý thứ tư thua lỗ liên tiếp của LG.
Theo các phương tiện truyền thông Hàn Quốc, quyết định di dời đây chuyền sản xuất smartphone sang Việt Nam sẽ giúp công ty Hàn Quốc giảm chi phí thuê nhân công. Được biết, mức lương tối thiểu tại Việt Nam chỉ bằng một phần tám so với ở Hàn Quốc.
Ngoài ra, khoảng 750 nhân viên của nhà máy Pyeongtaek sẽ được thuyên chuyển sang làm việc tại các cơ sở sản xuất thiết bị gia dụng khác.
Một trong những nguyên nhân thúc đẩy LG Electronics tái cầu trúc là do sự ngưng trệ của thị trường smartphone. Theo nghiên cứu của Intetnational Data Corp, doanh số bán smartphone trên toàn cầu đã giảm liên tiên trong vòng 2 năm trở lại.
Đó là dấu hiệu cho thấy thị trường smartphone đã bão hòa bất chấp nỗ lực đổi mới của các nhà sản xuất.
Cơ sở sản xuất của LG Electronics tại Hải Phòng. Ảnh: TGDĐ
|
Hàn Quốc, quê hương của nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới Samsung Electronics và LG Electronics đã từng là trung tâm sản xuất smartphone hàng đầu.
Truyền thông Hàn Quốc thống kê trong năm 2008, các nhà sản xuất xứ Hàn đã tạo ra 11% smartphone trên thế giới. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã thôi thúc LG và Samsung di dời hoạt động sản xuất ra nước ngoài để giảm chi phí. Do đó, Hàn Quốc chỉ chế tạo hơn 1% smartphone trong năm 2018.
Động thái của LG được trang Nikkei Asia đánh giá là theo sau làn sóng mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 vào Hàn Quốc, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.
Hiện nay, nhiều tập đoàn Hàn Quốc bao gồm LG và CJ điều hành các dây chuyền sản xuất tại Việt Nam để cắt giảm chi phí và nhắm tới thị trường địa phương đang trên đà phát triển. Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 7,1% trong năm ngoái, tăng từ 6,8% trong năm 2017 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức tương đương trong năm nay.
Chủ tịch Re-shaping Development Institute, ông Lee Tae-joo cho rằng: “Hầu hết các quốc gia ASEAN đều chịu ảnh hưởng của Nhật Bản, nhưng Việt Nam là một ngoại lệ”.
Quyết định di dời dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc sang Việt Nam của LG đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ các nhà đầu tư. Trong cùng ngày, cổ phiếu của LG Electronics đã tăng 4,48% lên 77.000 won.
“Với việc chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam, LG muốn cắt giảm chi phí nhân công. Công ty sẽ phải tập trung trong vòng 3 hoặc 4 năm để kinh doanh có lãi”, nhà phân tích Kim Ro-ko (Hana Financial Investment) nhận định. “Quyết định này cũng tương tự như cách của Samsung Electronics, sản xuất rất nhiều smartphone tại Việt Nam”.
Theo Nikkei Asia Review