Hai mươi sáu tết, khi đa số người Sài Gòn bắt đầu kết thúc công việc của mình để chuẩn bị đón một năm mới sắp đến - người thì đi mua sắm, người thì tranh thủ thời gian rảnh đi chụp hình lưu niệm trong không khí xuân trên khắp các nẻo đường Sài Gòn - thì ở một số cánh đồng lúa ngoại thành vẫn còn rất nhiều người dân nghèo từ miền Tây lên Sài Gòn gặt lúa thuê kiếm thêm tiền về sắm tết. Tại cánh đồng lúa thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, vài chục người vẫn đang tất bật với công việc cắt, gom, tuốt, chuyển lúa.
Tuy vất vả nhưng họ vẫn giữ được nụ cười.
“Năm nào cũng vậy, cứ cuối năm là những gia đình nghèo ở Sóc Trăng lại khăn gói lên Sài Gòn gặt lúa thuê, lâu rồi thành quen, và xem tiền công của đợt đi làm cuối năm này là số tiền cho việc sắm sửa tết của một năm”, chị Thạch Thị Xuân Oanh, một người cắt lúa trên cách đồng tại Quận 2 chia sẻ. Chi Oanh cho hay, phụ nữ nếu cắt một ngày được trả khoảng 180 ngàn tiền công, mọi sinh hoạt, cơm nước do mình tự lo. Còn phái nam chịu trách nhiệm gom lúa lại, đứng máy tuốt, chuyển lúa lên xe, đưa về nhà cho chủ lúa, công việc nặng nhọc hơn nên được trả 200 ngàn một ngày công.
Nhưng cũng có người ở đây nhận gặt khoán theo diện tích. Chị Thạch Thị An, một người gặt lúa ở đây cho biết, cứ mỗi mùa như vậy trừ hết chi phí mỗi người còn dư khoảng gần 5 triệu đồng. Đó là số tiền dành để sắm quần áo, bánh kẹo cho Tết này.
Những người gặt lúa thuê ở đây là những người Khmer ở Sóc Trăng, ở quê công việc không ổn định, suốt năm làm thuê đủ việc để kiếm sống, cắt lúa ở Sóc Trăng, làm công nhân cho các nhà máy, làm gạch, có khi lại ngược lên Lâm Đồng, Đăk Lăk hái cà phê, cuối năm lại trở về Sài Gòn cắt lúa … Công việc cứ vậy trôi đi, làm thuê cũng chỉ đủ chi tiêu trong năm, vì thế cứ mỗi dịp cuối năm là họ lại kéo nhau lên cánh đồng lúa ngoại thành của thành phố gặt lúa kiếm thêm tiền.
Công việc mỗi ngày bắt đầu từ 6 giờ sáng cho đến 17 giờ chiều.
Do những cánh đồng ở đây có có diện tích nhỏ, lại bị ngập nước, không thể áp dụng các loại máy tự gặt nên chủ phải thuê người làm.
Thời gian trong năm họ đi làm thuê hết chỗ này đến chỗ khác, cuộc sống của họ luôn tạm bợ, ở quê chỉ còn lại những người già và trẻ con ở nhà đi học. Ngày 28 tết họ mới về quê, sắm ít đồ ăn tết, mùng 4 mọi người lại bắt đầu đi làm lại, cuộc sống cứ vậy trôi theo tháng ngày.
Theo TBKTSG