Lật tẩy đầu mối cung cấp dịch vụ Internet cho IS

Các công ty cũng cấp mạng châu Âu là đầu mối “tiếp tay” cho nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng quyền truy cập Internet qua dịch vụ dùng ăng ten chảo vệ tinh.
Hình ảnh cắt ra từ đoạn video tuyên truyền của IS trên mạng.
Hình ảnh cắt ra từ đoạn video tuyên truyền của IS trên mạng.

Không có tổ chức khủng bố nào trên thế giới lại dễ dàng sử dụng Internet để quảng bá và chiêu mộ các tay súng mới như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo điều tra của tờ Spiegel Online, chính các công ty châu Âu là đầu mối “tiếp tay” cho các tổ chức khủng bố quyền truy cập Internet qua dịch vụ dùng chảo vệ tinh.

Nếu như muốn truy cập mạng tại Syria hay Iraq, người dân có thể tìm mua các loại chảo thu vệ tinh tại khu chợ ở thủ phủ Antakya (tỉnh Hatay – Thổ Nhĩ Kỳ). Thay vì dùng đường truyền cáp trên mặt đất, chỉ cần một ăng ten chảo và chiếc modem, người sử dụng có thể vào Internet với tốc độ cao lên tới 22 Mb/s. Việc truy cập Internet bằng chảo tuy dễ dàng nhưng chi phí không hề rẻ. Tại Syria, muốn mua một bộ thiết bị đầy đủ ngốn đến 500 USD. Bên cạnh đó, việc trả phí hàng tháng cho dịch vụ Internet cũng mất 500 USD cho 6 tháng với lượng tải thông tin ít ỏi.

Trước đây, chảo vệ tinh là một phương tiện hữu hiệu dành cho những người dân sinh sống ở vùng nông thôn thiếu thốn cơ sở hạ tầng và mạng lưới viễn thông. Thiết bị cho phép mọi người giữ liên lạc với bạn bè, người thân qua email, Facebook và Instagram. Tuy nhiên, khi IS đánh chiếm các khu vực ở Syria và Iraq, chúng tận dụng chảo vệ tinh, vừa có thể ẩn nấp tại những khu vực xa trung tâm, vừa có thể dễ dàng đăng tải các video chiêu mộ, trao đổi thông tin hay thậm chí lên một kế hoạch tấn công.

Trong những năm gần đây nhu cầu mua chảo vệ tinh ở bên kia biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tăng một cách chóng mặt. Hai cơ sở cung cấp mạng Internet tại Antakya cho biết mỗi cửa hàng hiện đang có khoảng 2.500 khách hàng đăng kí dịch vụ và doanh thu hàng tháng đạt mức 100.000 USD. Nhưng khi được hỏi khách hàng sử dụng dịch vụ là ai, chủ cơ sở mạng lại thận trọng cho biết họ chỉ cung cấp chúng cho những đối tác thương mại, và không biết rõ tận cùng nguồn gốc của người sử dụng.

Trên thực tế, bất kì ai tại Syria và Iraq có tiền đều có thể mua và lắp chảo vệ tinh. Nhưng tại những vùng IS kiểm soát, như Raqqa hay Deir-al-Zor, chỉ có những tay kỹ thuật viên phục vụ trong nhóm khủng bố mới được phép truy cập Internet. Các nhà hoạt động Syria khẳng định chứng kiến chảo vệ tinh được lắp đặt ở khắp mọi nơi – trên mái của trung tâm thông tin hay nhà trú ẩn của các tay súng IS.

Theo điều tra của Spiegel, đứng đầu hệ thống cung cấp đường truyền cho khu vực Trung Đông là các công ty buôn bán dịch vụ Internet lớn của châu Âu, như Eutelsat (Pháp), Avanti (Anh) và SES (Luxembourg). Khi được hỏi có biết chính xác đầu ra sử dụng dịch vụ của mình tại vùng Trung Đông, họ đều e dè lắc đầu từ chối trả lời. Một nguồn tin hay theo dõi lượng hàng bán tại Antakya tiết lộ nhiều khách hàng tìm đến dịch vụ là những người đàn ông để râu đi dép lê. Họ đến, lấy từ túi ra một chồng tiền mặt và mua liền một lúc hàng chục chảo vệ tinh và thiết bị liên lạc qua radio.

Đứng trước những lo lắng về sử dụng Internet dành cho mục đích khủng bố, hai công ty SES và Eutelsat trả lời họ chỉ bán dịch vụ cho cửa hàng đại lý trung gian và không biết thông tin về khách hàng sử dụng cuối cùng, đặc biệt tại những khu vực bị IS chiếm. Trong đường dây phân phối lớn, việc bỏ sót một số thông tin là điều không thể tránh khỏi. 

Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ không thể nào vin vào cớ đó làm lời giải thích cho việc IS càng ngày càng lộng hành trên mặt trận viễn thông. Khi khách hàng thiết lập chảo vệ tinh và truy cập Internert, họ đều phải đăng kí vị trí GPS với nhà mạng. Nếu như đăng kí thông tin giả, khách hàng sẽ không thể truy cập. Trong năm 2014 – 2015, với số liệu thống kê dữ liệu GPS của Spiegel online, vị trí các chảo vệ tinh của những công ty trên chủ yếu được xác định tại những khu vực thuộc quyền kiểm soát của IS. Có thể khẳng định một điều các công ty cung cấp mạng không hề có chủ đích giúp đỡ hay ủng hộ IS. Tuy nhiên hiện tại các công ty này không thể cắt đứt hoàn toàn bỏ qua thị trường Trung Đông béo bở.

Theo Báo tin tức