Trong nhiệm kỳ qua, mỗi lần đi tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều nhận được những ý kiến phản ánh, nỗi bức xúc của người dân về gánh nặng phí BOT. Cái mà cử tri bức xúc nhất chính là việc nhiều tuyến đường đang đi lại miễn phí, “bỗng dưng” có nhà đầu tư nhảy vào, bỏ ra một khoản tiền nhỏ để rải thảm, nâng cấp rồi thu phí. Cử tri cũng than rằng, BOT nhiều quá khiến phí cầu đường còn nhiều hơn chi phí xăng, đẩy chi phí sản xuất, đi lại, vận chuyển hàng hóa tăng cao.
Thực tế, những phản ánh của cử tri và người dân là hoàn toàn chính xác. Bởi những năm qua do chúng ta thực hiện một cách vội vã, ồ ạt khiến BOT mọc lên khắp mọi nơi. Ngay cả trên tuyến QL 14 chạy qua Bình Phước, quê tôi, khi thực hiện việc cải tạo, nâng cấp, người ta cũng lập đến 3 trạm thu phí trên một đoạn đường dài chỉ vài chục cây số. Vì thế nhân dân không đồng tình, chúng tôi phản ánh, kiến nghị quyết liệt cuối cùng mới giảm được 2 trạm.
Điều khiến tôi suy ngẫm nhất là khi thực hiện các dự án BOT, các cơ quan quản lý đã không để ý nhiều đến quyền tự do đi lại của người dân vốn đã được Hiến pháp ghi nhận. Hiện nay, do BOT mọc lên nhiều, lại chủ yếu theo hình thức cải tạo, nâng cấp trên cơ sở những tuyến đường cũ, đường độc đạo nên có những khu vực, không có nhiều tiền cũng phải đi. Như thế là cản trở quyền tự do đi lại của người dân.
Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực ủy ban Tài chính – Ngân sách: Phải trình Quốc hội xem xét
Để bảo đảm quyền lợi của người dân trong các dự án BOT, theo tôi, từ đầu nhiệm kỳ tới Bộ GTVT phải xây dựng danh mục các dự án đầu tư theo hình thức BOT trong vòng 5 năm tới. Toàn bộ các dự án đó phải có đánh giá mức tác động đến tình hình kinh tế, xã hội và công khai để lấy ý kiến người dân. Sau đó Chính phủ, Bộ GTVT phải trình vấn đề đó ra Quốc hội để các đại biểu, đại diện cho ý chí nguyện vọng của người dân thảo luận, xem xét. Có như thế mới bảo đảm quyền và lợi ích của người dân trong các dự án BOT.
Thứ hai, để tránh tình trạng cơ quan quản lý “thông đồng” với nhà đầu tư dẫn đến việc “kê khống vốn”, tính sai lưu lượng phương tiện thì bắt buộc các dự án BOT phải có đấu thầu cạnh tranh. Bởi chỉ có đấu thầu cạnh tranh mới đưa ra mức đầu tư, mức phí, thời gian thu phí hợp lý và hài hòa được lợi ích các bên. Chứ nếu cứ để chỉ định thầu thì việc hài hòa được lợi ích giữa các bên là rất khó.
Riêng với các BOT đã thực hiện rồi thì các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cũng cần phải vào cuộc. Sau khi hoàn tất thì cũng cần phải sớm công khai kết luận để nhân dân biết. Đối với những trường hợp vi phạm như kê vốn không đúng quy định của pháp luật thì phải kiên quyết xử lý, phải điều chỉnh lại thời gian thu phí và mức phí cho phù hợp.
Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Xem lại toàn bộ các dự án thu phí BOT trên Quốc lộ 1A
BOT không chỉ là câu chuyện 1 – 2 năm mà còn là câu chuyện của hàng chục năm tới. Do đó, để giải quyết căn cơ thực trạng BOT, tôi cho rằng Chính phủ nên thành lập một Tổ công tác đặc biệt hoặc Hội đồng đặc biệt để xử lý các vấn đề về “hậu” BOT. Tổ công tác này sẽ xem xét lại tất cả các kết luận thanh tra, kiểm toán trước đó và xem xét lại tất cả hồ sơ và thực tế của những dự án BOT đang gây bức xúc trong xã hội…
Trong thời gian tới, Chính phủ phải quy định rõ ràng về mặt pháp lý những công trình nào được làm BOT, công trình nào không được làm. Chứ như hiện nay rất là lẫn lộn, cứ lấy lý do không có tiền để biện minh cho việc rải thảm và thu phí là không chấp nhận được. Ở các nước không bao giờ có chuyện đường độc đạo làm BOT và thu phí cả. Họ chỉ thu phí trên đường cao tốc, còn đường cải tạo, nâng cấp thì đó là trách nhiệm mà Nhà nước phải làm để bảo đảm quyền đi lại của dân.
Theo Tiền phong