Lần đầu tổ chức thi khởi nghiệp về giải pháp công nghệ cho nông nghiệp

VietTimes -- Lần đầu tiên những giải pháp sáng tạo dưới dạng phần cứng và phần mềm được kết hợp trong một kỳ Hackathon với mong muốn tiệm cận lời đáp cho những vấn đề nông nghiệp tại Việt Nam. Đêm chung kết diễn ra vào ngày 21/12 tới, là cuộc tranh tài giữa 6 đội thi với các đề án khởi nghiệp xuất sắc.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ban tổ chức Hackafarm Innovation Camp Việt Nam 2016 cho biết, sau hơn hai tháng phát động, cuộc thi kiến tạo giải pháp công nghệ - kỹ thuật để giải quyết những vấn đề nông nghiệp do Ban tổ chức Hackafarm Innovation Camp Việt Nam 2016 phối hợp cùng Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, UP Co-working Space và Vietnam Silicon Valley đã tìm được những đề án xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết.

Cuộc thi Hackafarm Innovation Camp Việt Nam 2016 quy tụ các đội chơi là các sinh viên công nghệ và nông nghiệp xuất sắc nhất đến từ nhiều trường đại học trên toàn Hà Nội. Theo thể lệ, mỗi đội chơi có tối đa 6 người gồm 5 sinh viên công nghệ và 1 sinh viên nông nghiệp. Các đội chơi được giao một vấn đề của một nông trại cụ thể và có một tháng để nghiên cứu tìm hướng giải quyết trước khi cuộc thi bắt đầu.

Đêm chung kết Hackafarm Innovation Camp Việt Nam 2016 là kết quả của hơn hai tháng thử thách và xây dựng ý tưởng, trải nghiệm hệ sinh thái tại trang trại và 36 tiếng làm việc liên tục. Lần đầu tiên tại Việt Nam, những giải pháp sáng tạo dưới dạng phần cứng và phần mềm được kết hợp trong một kỳ Hackathon với mong muốn tiệm cận lời đáp cho những vấn đề nông nghiệp tại Việt Nam.

Theo công bố của Ban tổ chức, 6 đề án của những đội chơi xuất sắc nhất đã giành quyền tham dự vòng thi chung kết Hackafarm Innovation Camp Việt Nam 2016, đó là các đội: The LiSE với đề án “Máy gieo hạt hút chân không”; Submarine với đề án “Hệ thống chăm sóc trại nấm tự động”; Gà Công nghiệp với đề án “Máy xử lý quả vải trong thu hoạch”; SA Team và đề án “Hệ thống Database xử lý dữ liệu điện toán đám mây nông hộ và bộ vi xử lý cảm biến tình trạng cây trồng”; Fablab Hà Nội và đề án “Hệ thống chăm sóc cây tự động ứng dụng công nghệ IoT”; và đội Smart Farm cùng đề án “Ứng dụng công nghệ xử lý ảnh để đánh giá sản phẩm nông nghiệp”.

Tại vòng thi chung kết, 6 đội chơi với các ý tưởng khác nhau được kỳ vọng sẽ mang đến những màn phản biện ấn tượng. Được biết, đề án xuất sắc nhất sẽ giành được giải thưởng trị giá 30 triệu đồng cùng 3 tháng hỗ trợ thực hiện thí điểm từ chương trình.

Ban giám khảo cuộc thi Hackafarm Innovation Camp Việt Nam 2016 gồm các chuyên gia, nhà đầu tư nổi tiếng trong cộng đồng startup và lĩnh vực nông nghiệp: bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm đề án Vietnam Silicon Valley; bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Công nông nghiệp sạch Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện KHCN và Đào tạo Omega; ông Nguyễn Tiến Trung, Sáng lập & Chủ tịch Công ty Kankyo Vietnam; bà Mai Lan Vân, gương mặt trẻ Forrbes 30 Under 30; và bà Bùi Cẩm Vân, Giám đốc khối vận hành UP Co-working Space.

Cùng với việc được tìm hiểu, khám phá những giải pháp công nghệ sáng tạo để giải quyết các vấn đề nông nghiệp của 6 đội thi xuất sắc; được mở rộng tầm hiểu biết về nông nghiệp, công nghệ cũng như các giải pháp công nghệ cao cho các vấn đề nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải hiện nay, những sinh viên, bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp còn có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các chuyên gia, những doanh nhân nổi tiếng trong cộng đồng startup Việt, trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ.

Hackafarm Innovation Camp Việt Nam 2016 là đề xuất giành giải thưởng 25.000 USD trong cuộc thi của Alumni Engagement Innovation Fund tổ chức bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Là một trong 61 ý tưởng chiến thắng giữa 829 đề xuất khác nhau đến từ 137 quốc gia, Hackafarm Innovation Camp được tổ chức song song tại Indonesia và Việt Nam dưới sự giám sát và bảo trợ của Đại Sứ Quán Mỹ ở cả hai quốc gia. Cuộc thi là cơ hội để những người trẻ làm nông nghiệp và công nghệ có không gian gặp gỡ và trao đổi về những giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết những vấn đề nông nghiệp tại Việt Nam.