Chiều 20/10 tại Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) Chính phủ, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức thông tin cho báo chí xung quanh việc ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin.
Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thành Hưng, Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Vi Quang Đạo cùng đại diện một số đơn vị của VPCP, Bộ TT&TT.
Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho biết, Việt Nam có nhiều dự án, chương trình về công nghệ thông tin, nhưng đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành một Nghị quyết về Chính phủ điện tử. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của Nghị quyết này.
Nghị quyết này được ban hành với kỳ vọng nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước; đáp ứng, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; thúc đẩy cải cách hành chính; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế khi nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.
3 nhiệm vụ, 4 giải pháp trọng tâm
Giới thiệu về Nghị quyết 36a/NQ-CP, ông Lê Mạnh Hà cho biết, Nghị quyết hướng tới 3 mục tiêu chủ yếu để xây dựng Chính phủ điện tử là: Liên thông văn bản điện tử từ Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; 100% dịch vụ công được cung cấp qua mạng điện tử; Xây dựng Cổng dịch vụ công Quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng điện tử.
Để triển khai 3 nội dung nêu trên một cách hiệu quả, phải thực hiện 4 giải pháp về đầu tư và tài chính, nhân lực, triển khai và kỹ thuật và cuối cùng là tổ chức.
Ông Lê Mạnh Hà cũng cho biết, VPCP đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thử nghiệm kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản từ VPCP với các bộ, ngành, địa phương.
Thực hiện từ tháng 7 đến thời điểm ngày 19/10, có 27 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 3 bộ đã thực hiện kết nối, liên thông thử nghiệm phần mềm quản lý văn bản với hệ thống giả lập của VPCP.
Trong đó, có một bộ và 19 địa phương đã liên thông gửi nhận văn bản và phản hồi trạng thái xử lý, gồm Bộ Y tế, các tỉnh Yên Bái, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Bình Định, Gia Lai, Đà Nẵng, TPHCM, Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Vĩnh Long.
Theo ông Lê Mạnh Hà, điểm mới của Nghị quyết này so với với những chương trình, dự án trước đó là sẽ tập trung vào việc kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản đang còn rời rạc của các bộ, ngành, địa phương lại.
“Chúng ta không xây dựng mới mà sử dụng tất cả những cái đã có để tiết kiệm chi phí”, ông Lê Mạnh Hà nói. Hơn nữa, việc làm này sẽ giúp các hệ thống hiện tại hoạt động bình thường, không bị đình trệ trong quá trình triển khai kết nối.
Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho biết, việc ứng dụng Chính phủ điện tử sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan hành chính, kiểm soát được những sai sót khi làm thủ tục, tiết kiệm giấy tờ hành chính. Ngoài ra, việc công khai, minh bạch trên mạng điện tử sẽ làm giảm bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.
Cần quyết liệt trong triển khai
Về sự sẵn sàng tham gia của bộ, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp và người dân, Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho biết, trong thời đại công nghệ thông tin là một thứ thiết yếu, bất cứ cơ quan, cá nhân nào cũng có máy tính hay điện thoại di động thì có thể nói là đã sẵn sàng. Tuy vậy, việc sẵn sàng sử dụng các ứng dụng của Chính phủ điện tử vẫn ở mức độ chưa cao.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Có ý kiến cho rằng mục tiêu đến cuối năm 2016, tất cả các dịch vụ công phải ở mức độ 3, mức độ 4 là khó khả thi. Chính vì vậy, để thực hiện mục tiêu đề ra, trong thời gian tới cần triển khai một cách quyết liệt, thậm chí mang tính áp đặt nếu cần thiết.
Ông Lê Mạnh Hà cho rằng các bộ, ngành, địa phương đều mong muốn và sẵn sàng thực hiện. Tuy vậy, cũng cần phải có sẵn các công cụ như những giải pháp cụ thể, phần mềm, kinh phí “để áp đặt” cho các đơn vị chưa sẵn sàng.
“Chúng ta thực hiện trên cơ sở sẵn sàng, tự giác nhưng phải quyết liệt và có chế tài cụ thể”, ông Lê Mạnh Hà nói.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, trong Nghị quyết, bên cạnh các giải pháp nâng cao sự sẵn sàng của các bộ, ngành, địa phương cũng có giải pháp nâng cao nhận thức về công nghệ thông tin của người dân do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Theo ông Nguyễn Thành Hưng, nếu như cơ quan Nhà nước đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ công mà người dân không biết sử dụng công nghệ thông tin thì mục tiêu đến năm 2016 cũng khó thực hiện.
Ông Nguyễn Thành Hưng cho biết, VPCP và Bộ TT&TT sẽ phối hợp làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, ứng chiếu với các nhu cầu của thực tiễn, để đưa việc nâng cao nhận thức của người dân về công nghệ thông tin vào trong chương trình giáo dục.
Theo chinhphu.vn