Lần đầu tiên 4 doanh nghiệp Việt cùng phối hợp sản xuất thiết bị mạng Make in Vietnam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – 4 doanh nghiệp công nghệ Việt, gồm MK Hi-Tek, SCS - SafeGate, Pavana và Vissoft, đã cùng nhau phát triển thương hiệu chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm thiết bị mạng Make in Vietnam.

Thiết bị MK Networks được giới thiệu tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023)
Thiết bị MK Networks được giới thiệu tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023)

Đây là lần đầu tiên 4 doanh nghiệp Việt Nam đã cùng nhau hợp tác để nghiên cứu phát triển và sản xuất các thiết bị, giải pháp an ninh mạng dành cho khối Chính phủ, cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp. Bốn doanh nghiệp đều có thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất thiết bị phần cứng, phát triển phần mềm, giải pháp về an ninh mạng và cung cấp hệ sinh thái toàn diện về an ninh bảo mật. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ của Internet, chuyển đổi số ở nước ta cũng đang trên đà phát triển mạnh ở nhiều ngành nghề, việc tạo ra sản phẩm thiết bị an ninh mạng là vô cùng cần thiết.

Các sản phẩm do 4 công ty MK Hi-Tek, Công ty cổ phần An ninh mạng SCS (SafeGate), Công ty cổ phần công nghệ Pavana và Công ty cổ phần công nghệ Vissoft sản xuất mang thương hiệu "MK Networks" sẽ bao gồm thiết bị mạng lớp truy cập, thiết bị mạng lớp core, hệ thống mã hóa kênh truyền, hệ thống bảo mật dữ liệu một chiều... được ứng dụng các công nghệ mới nhất.

Các thiết bị mạng Make in Viet Nam do các đơn vị này "bắt tay" cùng sản xuất sẽ mang thương hiệu "MK Networks", và là những sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam tự chủ từ khâu nghiên cứu, sản xuất phần cứng cho tới phát triển giải pháp phần mềm.

Các sản phẩm được tạo ra nhằm phục vụ toàn diện cho nhu cầu đảm bảo an toàn, an ninh mạng của các hệ thống thông tin với các tính năng được tích hợp nhằm ngăn chặn kết nối độc hại đến mã độc... cũng như phát hiện tấn công sớm.

Các thiết bị sẽ ứng dụng mô hình quản lý thông minh Cloud- Native cho phép quản trị mạng có thể quản lý và thiết lập cấu hình cho nhiều thiết bị một cách tập trung, phù hợp với cả các tổ chức, doanh nghiệp cũng như cơ quan chính phủ.

Việt Nam đang đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong tiến trình đó, việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng đã được xác định là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số.

Đặc biệt, trong “Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030” phê duyệt tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn, an ninh mạng trong chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, khẳng định rõ quan điểm “phải phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ Make in Viet Nam và đội ngũ chuyên gia xuất sắc để trở thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng”.

Trong Chỉ thị 01 định hướng phát triển ngành TT&TT năm 2023 và giai đoạn 2024 – 2025, với lĩnh vực an toàn thông tin mạng, Bộ TT&TT đã nêu rõ các định hướng cho giai đoạn đến năm 2025 là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam.

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, tỷ lệ chủng loại sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đạt 100%; tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam đạt từ 20%/năm.

Theo số liệu của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), doanh thu tháng 10 của lĩnh vực an toàn thông tin mạng đạt 480 tỷ đồng, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ doanh thu sản phẩm nội địa so với nước ngoài trong tháng 10/2023 đạt 45%./.