Tuy nhiên trên thực tế thì IPS chỉ là một trong số rất nhiều yếu tố quyết định đến chất lượng hình ảnh của màn hình. Và những quảng cáo rầm rộ của các hãng sản xuất đang khiến chúng ta dần hiểu sai về ưu điểm mà công nghệ IPS mang lại
IPS là gì?
Mình sẽ không đi quá nhiều về phần kỹ thuật vì IPS thực chất không phải mới, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm những bài giới thiệu chi tiết về công nghệ tấm nền này trên mạng
iPhone SE và iPhone 6s đều sử dụng màn hình IPS LCD
Chúng ta chỉ cần hiểu một cách đơn giản là IPS là công nghệ tấm nền tinh thể lỏng (LCD) được phát triển để thay thế cho công nghệ TN đời đầu. Những tinh thể lỏng của IPS được sắp xếp theo cơ chế nhất định, cho phép tối ưu lượng ánh sáng đi qua (tăng độ sáng và khả năng tái tạo màu sắc) và tán xạ góc rộng (cho góc nhìn rộng mà không bị suy giảm độ tương phản) so với công nghệ TN.
Cách sắp xếp các tinh thể của IPS cho phép góc nhìn rộng hơn TN
Và khái niệm này ra đời cách đây khoảng chục năm. Đến thời điểm hiện tại, tuy nó không sai nhưng mọi thứ đã thay đổi.
Ưu điểm của IPS vào thời điểm hiện tại là gì?
Ưu điểm đặc trưng và luôn luôn đúng mà chúng ta thấy được trên tất cả các màn hình IPS hiện tại đó chính là góc nhìn rộng. Và đơn giản chỉ có thế.
Dù giá chỉ vài triệu hay vài chục triệu, nếu một chiếc điện thoại sử dụng màn hình IPS thì chắc chắn nó sẽ được quảng cáo là có góc nhìn rộng và màu sắc sống động
Vậy còn chất lượng hình ảnh, khả năng hiển thị màu sắc trung thực mà tất cả các sản phẩm nào sử dụng tấm nền IPS cũng được quảng cáo thì sao? Câu trả lời là đó chỉ là những gì mà nhà sản xuất muốn bạn nghĩ. Trên thực tế thì không sai, nhưng khi bạn xét đến việc công nghệ TN gần như biến mất trên các thiết bị công nghệ (điện thoại, máy tính bảng, màn hình vi tính, TV,…) thì việc quảng bá IPS đem lại màu sắc tốt chỉ mang ý nghĩa tự sướng là chính. Vào thời điểm hiện tại, IPS đúng là công nghệ tấm nền phổ biến nhất nhưng chúng ta vẫn còn nhiều sự lựa chọn khác như VA (thường được sử dụng trên TV của Samsung và Sony), PLS (tablet, màn hình máy tính của Samsung) và thậm chí là cả OLED/AMOLED (TV OLED LG, điện thoại Samsung). Chúng đều có những ưu nhược riêng nhưng không ai dám khẳng định là có sự vượt trội nào về khả năng hiển thị màu sắc cả.
Và thậm chí xét ở mức độ công bằng, dù chất lượng hình ảnh kém nhưng tốc độ đáp ứng của TN là nhanh nhất trong tất cả các tấm nền hiện tại. Đó là lý do mà một số dòng màn hình chơi game cao cấp vẫn dùng tấm nền TN để tối ưu khả năng hiển thị cảnh động, điều mà IPS không thể đạt được. Và chi phí để sản xuất tấm nền TN với tốc độ đáp ứng 1 ms là hoàn toàn không hề rẻ, nếu không muốn nói là đắt hơn cả một số tấm nền IPS nhất định.
Không phải tất cả màn hình sử dụng công nghệ IPS được tạo ra như nhau
Cách đây khoảng 10 năm, IPS có thể được xem là dấu hiệu đặc trưng cho màn hình với chất lượng cao với góc nhìn rộng và khả năng tái tạo màu ấn tượng. Bạn đã từng nghe qua trò chơi sổ số tấm nền của Dell UltraSharp U2007WFP? Đó là thời điểm mà mẫu màn hình UltraSharp U2007WFP tuỳ theo đợt hàng sẽ sử dụng tấm nền IPS hoặc PVA, và dĩ nhiên do tấm nền IPS có chất lượng hiển thị tốt hơn nên mọi người đều mong muốn mua trúng.
Chất lượng màn hình IPS trên các sản phẩm khác nhau là không giống nhau
Thế nhưng mọi thứ giờ đây đã khác. Nếu như trước đây phải trả cả ngàn đô mới sở hữu được màn hình tấm nền IPS thì giờ bạn chỉ cần vỏn vẹn vài triệu, từ chỉ dành riêng cho những chiếc điện thoại đầu bảng đắt tiền nay đến cả dòng bình dân cũng "phải" có. Nhiều người sẽ nói rằng công nghệ phát triển và mọi thứ trở nên rẻ hơn, nó đúng một phần nhưng cũng không hẳn vậy. Không khó để nhận thấy sự chênh lệch chất lượng hình ảnh giữa những dòng màn hình IPS cao cấp so với những màn hình IPS giá rẻ, và không chỉ chênh lệch mà còn chênh lệch rất lớn.
Thực tế là công nghệ IPS đã ngày trở nên phổ biến và bình dân hơn bao giờ hết. Tuy nhiên ở phân khúc bình dân thì chất lượng hình ảnh của nó cũng phản ánh được vì sao bạn chỉ cần trả một số tiền khiêm tốn để sở hữu.
Vì sao cùng là tấm nền IPS nhưng lại có sự chênh lệch về chất lượng hình ảnh?
Trước hết chúng ta sẽ tìm hiểu một chút về cơ chế hoạt động của màn hình LCD. Để hiển thị được màu sắc, màn hình LCD sẽ sử dụng đền nền (LED/CCFL) chiếu ánh sáng trắng qua lớp tinh thể lỏng (LCD) và thông qua tấm lọc để tạo màu 3 màu cơ bản. 3 màu cơ bản này sẽ thay đổi cường độ nhằm tạo ra màu sắc hiển thị cuối cùng. Nhiệm vụ thay đổi cường độ của màu sắc là chính là do lớp tinh thể lỏng đảm nhiệm, tuỳ theo cường độ mong muốn mà nó có thể không chặn, chặn một phần hoặc chặn tất cả ánh sáng đi qua.
Cơ chế hoạt động của màn hình LCD
IPS thực chất là cách sắp xếp các tinh thể lỏng (LCD) nhằm tối ưu độ tinh khiết của ánh sáng đi qua cũng như phân tán nó theo góc rộng giúp độ tương phản vẫn giữ ngay cả khi bạn nhìn lệch góc. Và đơn thuần chỉ có vậy. Không phủ nhận nó góp một phần trong việc tái tạo màu sắc nhưng về cơ bản là không thật sự quan trọng như những quảng cáo muốn chúng ta nghĩ.
Những thông số trực tiếp thể hiện khả năng hiển thị màu sắc của tấm nền như phủ bao nhiêu phần trăm dải màu sRGB/RGB hay tấm nền 6/8/10 bit thực chất chẳng liên quan gì nhiều đến việc màn hình có dùng công nghệ IPS hay không. Nó được quyết định trực tiếp bởi 2 yếu tố là đèn nền (chính xác là ánh sáng trắng từ đèn nền phát ra) và bộ điều khiển tấm nền LCD (quyết định cường độ ánh sáng đi qua lớp tinh thể để phối màu). Đây là những yếu tố quan trọng nhưng thường bị cắt giảm ở những dòng sản phẩm giá rẻ. Đó là lý do mà có sự chênh lệch rất lớn giữa chất lượng hình ảnh/màu sắc giữa các sản phẩm giá rẻ và cao cấp.
Công nghệ tấm nền IPS không ảnh hưởng nhiều đến khả năng tái tạo màu của màn hình
Nói một cách đơn giản, không phủ nhận hầu hết các dòng màn hình cao cấp đều sử dụng màn hình IPS (iPhone 6/6s, Macbook Pro, Dell XPS 13,…) nhưng đó chỉ là một trong những yếu tố quyết định chất lượng hình ảnh tuyệt vời mà nó sở hữu. Sẽ có sự khác biệt lớn về chất lương màn hình IPS giá rẻ và màn hình IPS cao cấp, vì vậy chúng ta chỉ nên xem IPS như là sự đảm bảo cho góc nhìn rộng. Còn về chất lượng hình ảnh, tất cả đều phụ thuộc vào việc bạn trả bao nhiêu tiền cho sản phẩm đó.