Quản lý phân tán và bị động
Một năm trước, báo cáo về tình hình nợ công năm 2015 tới Quốc hội, Bộ Tài chính nhìn nhận, "công tác tổ chức và quản lý nợ công còn có sự phân tán, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa khâu huy động vốn với khâu tổ chức thực hiện và trả nợ vay, làm bị động trong việc cân đối nguồn vay trả nợ, thanh toán, đối chiếu, quyết toán, kiểm toán số liệu về nợ công".
Mới đây, kết quả kiểm toán ngân sách năm 2014 của Kiểm toán Nhà nước cũng đánh giá tương tự là: "phân tán, thiếu sự đối chiếu, thống nhất trước khi tổng hợp, lập báo cáo".
Kiểm toán Nhà nước cho biết, có những chênh lệch về số dư nợ tại báo cáo giám sát nợ công năm 2013 và 2014 nhưng Bộ Tài chính vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân. Có những khoản vay trong nước, Bộ Tài chính chỉ cung cấp số liệu tổng hợp chứ chưa cung cấp các tài liệu về hạch toán, theo dõi chi tiết đối với từng khoản vay.
Một ví dụ được kiểm toán dẫn ra cho thấy, Bộ Tài chính thống kê thiếu, thừa một số khoản rút vốn, trả nợ, dẫn đến báo cáo nợ công thiếu 864 tỷ đồng.
Nợ Chính phủ năm 2015 đã vượt trần (50,3%GDP) |
Trong khi đó, việc giao vốn nước ngoài từ nguồn vay nợ quốc gia do Bộ Kế hoạch và đầu tư điều phối cho các dự án lại có có sự vênh nhau lớn với nhu cầu thực tế. Năm 2014, có 254 dự án không đăng ký lại được giao hơn 4.500 tỷ đồng, trong khi 359 dự án cần số vốn hơn 7.000 tỷ đồng thì không được phân bổ.
143 dự án theo kế hoạch kết thúc 2011, 2012, 2013 nhưng không giao đủ vốn từ năm trước dẫn đến, năm 2014 vẫn phải bố trí vốn và 156 dự án theo kế hoạch phải kết thúc 2014 nhưng cũng không giao đủ vốn từ trước nên 2015 vẫn phải bố trí vốn.
Ở địa phương, có ít nhất 10 tỉnh, thành phố đã không lập kế hoạch vay và trả nợ vay như: Sóc Trăng, Bình Định, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Quảng Ngãi, An Giang, Hậu Giang, Hưng Yên và thành phố Hải Phòng. 6 tỉnh không bố trí đủ dự toán để trả nợ như Tỉnh Quảng Trị, Hòa Bình, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Ninh Bình.
Điều này đã khiến dẫn tới tình trạng giải ngân vốn ngoài dự toán lớn, làm tăng bội chi và phá vỡ kế hoạch cân đối tài khoá, ngân sách đã được Quốc hội quyết định.
Quỹ trả nợ cạn kiệt
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính từng chia sẻ, vấn đề cốt lõi nhất trong an toàn nợ công phụ thuộc vào 2 yếu tố là tính hiệu quả của việc sử dụng các nguồn vốn vay cũng như khả năng trả nợ từ chủ thể đi vay và việc đáp ứng nguồn vốn vay từ phía thị trường.
Thế nhưng, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về nợ công năm 2014 lại phát hiện, 41/43 dự án thuộc đối tượng phải thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh nhưng thực tế, khi vay vẫn chưa thế chấp tài sản. Nhiều dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh đã sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ.
Riêng năm 2014, nợ quá hạn cho các khoản vay từ nguồn này là gần 1.290,6 triệu USD, chiếm 10,06% tổng dư nợ.
Trong đó có 60 dự án và Vinashin sử dụng vốn vay về cho vay lại, vốn trái phiếu quốc tế có nợ quá hạn tương đương 416,7 triệu USD. Cụ thể, Vinashin nợ quá hạn 281,3 triệu USD, dự án đóng mới tàu container 1.016 TEU 26,9 triệu USD, Dự án Nhà máy Xi măng Thái Nguyên 21,48 triệu USD; Dự án Đầu tư 2 tầu đa chức năng 700 DWT 14,7 triệu USD; Dự án Xi măng Hạ Long nợ quá hạn 10,3 triệu USD …
Để trả nợ đúng hạn, chính phủ đã phải ứng vốn từ Quỹ tích lũy để trả nợ cho 10 dự án 4.703 tỷ đồng.
Trong đó, 8 dự án có nợ ứng vốn quá hạn tương đương 1.792 tỷ đồng như dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam dư nợ 52,7 triệu EUR, trong đó quá hạn 33,2 triệu EUR; Dự án Xi măng Hạ Long dư nợ 37,9 triệu EUR, trong đó quá hạn 7,8 triệu EUR; Dự án Nhà máy Xi măng Thái Nguyên dư nợ 27,6 triệu EUR, trong đó quá hạn 7,3 triệu EUR; Dự án Thủy điện Xekaman 3 dư nợ 17,5 triệu USD, trong đó quá hạn 14,5 triệu USD...
Hiện đã có 3 dự án vay vốn từ nguồn nợ công đã phải dừng sản xuất kinh doanh, bán, giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp. Đó là các dự án Thiết bị thi công - Công ty Xây dựng Thủy lợi 27, Dự án Thiết bị thi công dự án Ayun Hạ của Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi 42 và đặc biệt là Nhà máy Bột giấy Phương Nam từ năm 2008 không trả được nợ và đến nay, có nguy cơ hoàn toàn mất khả năng trả nợ.
Thực tế này đã khiến cho Quỹ tích luỹ trả nợ thay của Chính phủ đang kiệt quệ. Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2014, Quỹ phải ứng ra 64 triệu USD trả nợ cho 6 DN, năm 2015 là 24,19 triệu USD cho 3 DN và các DN được trả nợ thay này cũng chưa tiến triển khá. Tình hình này khiến cho Quỹ bị cạn nguồn và rất khó khăn khi cân đối.
Tốc độ tăng nợ trong 4 năm qua là 18,6%. Năm 2014, nợ công quốc gia là 58,02% GDP thì đến năm 2015, đã tăng lên 62,2% GDP. Dù mức này về tổng thể vẫn nằm trong giới hạn cho phép (65% GDP) nợ Chính phủ đã tăng từ mức 46,4% GDP năm 2014 lên mức 50,3% GDP.
Dư nợ được Chính phủ bảo lãnh cũng ngày càng cao, tính đến năm 2015, chiếm 17,6% nợ công, bằng 11,1% GDP trong khi, kịch bản trình Quốc hội đến năm 2020 là chỉ ở mức 15,6% dư nợ công và 10% GDP.
Theo VNN