Làm đập thủy điện đụng đến sông Hồng sẽ mất vựa lúa

Để làm các đập thủy điện trên sông Hồng phải đánh giá rất kỹ việc gây ngập cho các địa phương hai bên sông khi tiến hành dự án. Ngoài ra, phải chú ý: đụng vào sông Hồng sẽ mất vựa lúa.
Sông Hồng, đoạn Tứ Liên - Tây Hồ, Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng
Sông Hồng, đoạn Tứ Liên - Tây Hồ, Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng

Mới xin chủ trương đầu tư

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Tự - vụ trưởng Vụ Thẩm định giám sát đầu tư (Bộ KH-ĐT) - xác nhận Công ty TNHH Xuân Thiện đã đề xuất và Bộ KH-ĐT đã trình Thủ tướng xin chủ trương đầu tư. Theo ông Tự, xin chủ trương đầu tư là bước ban đầu, chưa phải là báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi.

Ông Tự cho biết thực tế chủ đầu tư có đề xuất nhiều phương án, như làm 3, 5 và 7 bậc với các đập và âu tàu. Tuy nhiên, chủ đầu tư chưa giải trình được tại sao là 3 đập, tại sao là 7 bậc. Vì vậy, trong báo cáo, Bộ KH-ĐT cũng đã nêu rõ sẽ cần phải tiếp tục làm rõ nhiều vấn đề.

Về cơ bản, ông Nguyễn Xuân Tự cho biết ý kiến đánh giá các bộ ngành gửi về đều không quá lo ngại, bởi đây là các đập thủy điện ở mực nước thấp, là những âu tàu chứ không phải đập cao như Hòa Bình, Sơn La.

Các đập sẽ nâng nước lên cao theo từng bậc nên đã có nhiều ý kiến ủng hộ. Tất nhiên, ông Tự công nhận để làm các đập thủy điện trên sông Hồng sẽ không đơn giản và sẽ phải đánh giá rất kỹ việc gây ngập cho các địa phương hai bên sông khi tiến hành dự án.

Chủ đầu tư: các bộ ngành đã đồng ý

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Huy Hoàng - phó giám đốc Công ty TNHH Xuân Thiện - khẳng định dự án đã được Thủ tướng cho phép thẩm định, các bộ ngành liên quan đã đồng ý, hiện chỉ chờ Thủ tướng ký quyết định phê duyệt.

“Các bộ ngành đã đồng ý gồm các bộ Công thương, GTVT, NN&PTNT, Quốc phòng, KH-ĐT, EVN, còn các địa phương Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ đều ủng hộ cao” - ông Hoàng cho biết.

Theo ông Hoàng, nếu Thủ tướng phê duyệt ngay thì cuối năm 2016 dự án có thể bắt đầu triển khai được.

“Quy hoạch này có từ năm 2000, ban đầu Nhà nước phê duyệt vốn ngân sách, nhưng sau đó do khó khăn nên không đưa vào mà khuyến khích xã hội hóa. Hiện mọi điều kiện của chúng tôi đã sẵn sàng, vốn cũng là của doanh nghiệp hoàn toàn, không hề dùng vốn ngân sách” - ông Hoàng nói.

Ông Hoàng cho hay dự án dự kiến triển khai làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2016-2019, giai đoạn 2 từ 2019-2022.

Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp, dự án đặt kỳ vọng rất lớn nhằm biến dòng sông vốn là sông “chết” hồi sinh, khôi phục cảnh quan đẹp, vừa giúp thông thương đường thủy, giảm tai nạn và giảm tải cho giao thông đường bộ, vừa giúp thủy lợi vừa cung cấp điện...

Liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng, ông Hoàng khẳng định do đặc thù địa hình dốc nên chủ đầu tư chỉ nạo vét ghềnh đá hoặc bãi bồi giữa sông, ngoài ra hồ chứa cũng được tận dụng các vách núi để thi công nên không ảnh hưởng nhiều tới môi trường hay xâm phạm đất canh tác của người dân.

“Không mất đất lúa của dân mà còn cung cấp nguồn nước dự trữ phục vụ tưới tiêu, môi trường thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều” - ông Hoàng nói.

Liên quan tới ý kiến của Bộ Tài chính cho rằng đối với dự án có tổng mức đầu tư lớn như trên, nếu Công ty TNHH Xuân Thiện muốn vay được 70% vốn thương mại thì buộc phải có vốn điều lệ lên tới 7.300 tỉ đồng, trong khi hiện nay vốn điều lệ của công ty chỉ 1.200 tỉ, ông Hoàng nói công ty có nhiều giải pháp để xử lý: “Chúng tôi có rất nhiều lựa chọn, như tăng vốn điều lệ lên, hợp tác đầu tư với đối tác khác, hoặc lựa chọn hình thức tín dụng nhà thầu (cho các nhà thầu tham gia góp vốn bằng máy móc, thiết bị)...”.

Ngoài ra ông Hoàng cho rằng do dự án chia làm nhiều giai đoạn nên chủ đầu tư cũng có thể xoay vòng, lấy nguồn thu giai đoạn đầu tái đầu tư cho giai đoạn tiếp theo...

* GS.TS Vũ Trọng Hồng (nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn):

Đụng vào sông Hồng sẽ mất vựa lúa

Phải nói cho rõ: sông Hồng là dòng sông cổ, mà những dòng sông cổ thì không nên động chạm đến nó. Sông Hồng có đáy sông là trầm tích của cả nghìn năm để lại, nếu bây giờ bị phá đi phải mất hàng nghìn năm mới bồi tụ lại được.

Tôi cho rằng nếu động vào sông Hồng, nhiều vấn đề quan trọng chưa chắc các nhà khoa học đã tính được. Trước đây, để tính những diễn biến của dòng sông cổ này khi làm thủy điện Hòa Bình, người ta đã phải lập chương trình để chạy, xem thử việc làm thủy điện Hòa Bình thì dòng sông Hồng có bị thay đổi độ dốc không.

Đến khi có kết luận độ dốc không thay đổi mới làm nhưng bây giờ thì sông Hồng đã dốc rồi. Bộ NN&PTNT đã lên tiếng lòng sông tụt xuống 1m và nước kéo theo chứ không phải lòng sông còn mà nước thấp xuống.

Như vậy, nếu chúng ta làm tiếp mấy cái đập nữa, lòng sông sẽ tụt xuống bao nhiêu? Khi lòng sông tụt xuống, hai bên bờ bị phá, cửa sông bị phá, nước biển xâm lấn vào thì cả vùng đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Nam Định xâm nhập mặn tác động, hậu quả là khôn lường.

Khi làm các đập ở đầu nguồn sông Hồng, đương nhiên các con đập sẽ giữ lại bùn cát, các hạt lơ lửng, lúc đó dòng sông không có các chất bồi tích và dòng sông sẽ phá sang hai bên bờ. Đáng lưu ý nhất là không thể lường được dòng sông Hồng sẽ phá như thế nào ở hạ du.

Nếu là dòng sông không chảy ra biển thì có thể còn làm được đập chắn, nhưng đây là dòng sông cổ chảy ra biển, đặc biệt là dòng chảy ngoằn ngoèo, sẽ phá rất nhiều sang hai bên bờ.

Như vậy, nếu làm đập ở thượng nguồn thì chắc chắn ở hạ nguồn, tức là từ Hà Nội trở xuống, sẽ bị phá hai bên bờ. Hà Nội sẽ đối mặt với nguy cơ bị dòng chảy khoét, dòng sông sẽ ăn sâu vào đất liền và việc phải di chuyển dân là chắc chắn.

Đây là điều tối quan trọng trong diễn biến của lòng sông Hồng, đồng thời ở cửa sông cũng sẽ khoét thêm và nước mặn ngoài biển sẽ vào là chắc chắn. Khi nước mặn vào thì nguồn lương thực của một vựa lúa sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, tôi cho rằng đừng đặt câu hỏi về cái lợi hôm nay mà phải đặt những câu hỏi về cái mất để tính cho cả trăm năm sau.

Bài học đã có rồi, đó là khi Trung Quốc làm thủy điện ở thượng nguồn thì chúng ta đã khổ vì phụ thuộc nguồn nước rồi. Nếu bây giờ chính chúng ta lại làm thủy điện, chắc khó lường được các hậu quả xảy ra.

Dự án thủy lộ và thủy điện trên sông Hồng: Hết sức cẩn trọng!

Dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn Thái Group (trước là Tập đoàn Xuân Thành) đề xuất làm nhiều phần trong đó sẽ làm 6 nhà máy thủy điện nhỏ trên sông Hồng...

Dự án giao thông đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện đã chính thức được Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) trình Thủ tướng xem xét chủ trương đầu tư. Theo dự án này, từ “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” sẽ làm nhiệm vụ giao thông đường thủy, phát điện, tích nước thủy lợi...

Đó là dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn Thái Group (trước là Tập đoàn Xuân Thành), đề xuất với tham vọng tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288km đường sông và kết hợp làm thủy điện. Tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỉ USD (khoảng 24.500 tỉ đồng).

Giao thông kết hợp thủy điện

Dự án của Công ty TNHH Xuân Thiện có thể tóm tắt như sau: dự tính nâng cấp, kết nối hai tuyến vận tải thủy hiện nay từ Hải Phòng - Việt Trì (Phú Thọ) với Hà Nội - Lạch Giang (Nam Định). Để đảm bảo mục tiêu giao thông quy mô lớn, chủ đầu tư đề xuất sẽ xây dựng 6 đập và âu tàu để nâng cao mực nước cho tàu trọng tải lớn qua lại.

Đồng thời sẽ nạo vét 288km sông từ Việt Trì lên Lào Cai. Đặc biệt, để đảm bảo mục tiêu kinh tế cũng như tính đồng nhất của dự án, chủ đầu tư đề xuất sẽ làm 6 nhà máy thủy điện nhỏ trên sông Hồng (tương ứng với 6 đập) với công suất khoảng 228 MW (hằng năm có thể cung ứng khoảng 1 tỉ kWh) với công nghệ tuôcbin trục ngang cột nước thấp.

Để thực hiện dự án, Công ty Xuân Thiện cho biết sẽ cần khoảng 24.510 tỉ đồng. Công ty này sẽ lo được khoảng 30% vốn, còn lại là vay thương mại. Sau khi đầu tư, chủ đầu tư sẽ thu phí và đây sẽ là nguồn thu chính để thu hồi vốn cho dự án. Mức phí được dự kiến ở mức 10.000 - 15.000 đồng/tấn (riêng đoạn Việt Trì - Yên Bái). Đoạn khu vực Yên Bái 40.000 - 45.000 đồng/tấn...

Chủ đầu tư tính toán nguồn thu từ thủy điện khá lạc quan. Theo đó, khi bắt đầu phát điện, giá điện mà thủy điện này bán được sẽ ở mức 1.900 đồng/kWh, dần tăng giá lên khoảng 3.500 đồng/kWh (nhiều thủy điện hiện nay đang bán điện với giá chỉ khoảng 450-1.000 đồng/kWh). Nhà đầu tư dự kiến thu hồi vốn sau 25 năm.

Về ảnh hưởng đến người dân, dù sẽ phải nâng cao mực nước, xây dựng quy mô lớn nhưng Công ty TNHH Xuân Thiện đánh giá sẽ chỉ ảnh hưởng tới khoảng 600 nhân khẩu ở 31 xã thuộc địa bàn Yên Bái, Lào Cai. Do mực nước ở các đập ngăn sẽ vẫn thấp hơn mực nước lũ hằng năm nên dự án cơ bản không làm thay đổi lòng sông.

Phải hết sức cân nhắc

Trao đổi với Tuổi Trẻ về siêu dự án này, ông Tạ Văn Hường - chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch VN - cho rằng việc đầu tư 6 thủy điện, công suất 228 MW thì không còn là thủy điện nhỏ nữa. Muốn đánh giá chi tiết dự án tốt hay chưa tốt phải có đề án cụ thể.

Tuy nhiên, ông Hường nêu: nếu được chấp nhận chủ trương đầu tư thì sẽ phải tiếp tục nghiên cứu khả thi, tính toán các thông số cụ thể, xem vị trí đập, các phương án kỹ thuật, đặc biệt phải đánh giá tác động môi trường.

Theo ông Hường, việc đánh giá tác động môi trường cần làm hết sức chi tiết, nhất là dòng sông Hồng ảnh hưởng đến gần như cả khu vực đồng bằng Bắc bộ.

Về lý thuyết thì hoàn toàn có thể làm thủy điện ngay cả khi không có cột nước cao, tuy nhiên ông Hường băn khoăn việc nâng mực nước, làm đập lẫn âu tàu sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân chứ không đơn giản như các nghiên cứu ban đầu của chủ đầu tư. “Cần hết sức cẩn trọng” - ông Hường nói.

Theo một chuyên gia ngành công thương, việc đẩy mạnh đầu tư và nâng cao hiệu quả vận tải đường thủy là đúng. VN hiện nay quá nghiêng về vận tải đường bộ, tạo gánh nặng và quá tải trên nhiều tuyến cho vận tải đường bộ.

Theo ông, nếu làm được đường thủy thuận lợi, tăng được vận tải trên tuyến đường thủy, giảm gánh nặng cho đường bộ, giảm chi phí, giảm ô nhiễm... là điều rất tốt. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cảnh báo: cần có sự tham vấn nhân dân bởi đây là dự án có thể liên quan đến hàng triệu người.

Chưa kể khi làm dự án sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, môi trường của họ mà sau khi dự án đi vào hoạt động, hệ quả đầu tiên là những con tàu vận tải đường thủy chắc chắn sẽ phải đóng phí, thay vì cơ bản miễn phí như hiện nay.

Mức phí cũng cần làm rõ, rồi khả năng chịu đựng của người dân và khả năng hiệu quả của dự án như thế nào. Bởi nếu dự án không hiệu quả, không những tai hại cho chủ đầu tư mà còn lãng phí xã hội về chi phí đầu tư, ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên, môi trường rất lớn.

Bà Ngụy Thị Khanh - giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) - tỏ ra bất ngờ khi có ý tưởng làm thủy điện trên sông Hồng.

Theo bà, các dòng sông nhánh hiện đã bị “băm nát” để làm thủy điện, chỉ còn dòng chính nhưng với dự án này dòng chính cũng bị chặn làm 6 khúc. Bà Khanh tỏ ra lo lắng nếu làm thủy điện ở sông Hồng bởi thủy điện sẽ điều tiết dòng chảy. “Trước đây đồng ruộng còn có phù sa, sau khi nhiều thủy điện vào, phù sa ít hẳn, mùa lũ có khi còn trơ đáy sông” - bà Khanh nói.

Làm đập thủy điện đụng đến sông Hồng sẽ mất vựa lúa ảnh 1

Sông Hồng mùa nước cạn - Ảnh: Hoài Linh

Bộ, ngành băn khoăn

Theo văn bản của Bộ KH-ĐT, dự án của Xuân Thiện đã được nhiều bộ ngành cho ý kiến đánh giá, như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính...

Bộ Giao thông vận tải trong văn bản gửi Bộ KH-ĐT đánh giá nếu triển khai thành công, dự án chắc chắn sẽ tạo một tuyến vận tải hàng hóa chi phí thấp, tiện lợi, đủ sức thay đổi diện mạo giao thông khu vực phía Bắc.

Tuy nhiên, cũng có góp ý băn khoăn, lo ngại. Văn bản của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký, cho rằng nếu dự án phải vay 70% thì vốn chủ sở hữu mà Xuân Thiện phải có sẽ ở mức trên 7.300 tỉ đồng, trong khi đó vốn điều lệ hiện nay của Xuân Thiện mới có 1.200 tỉ đồng. Việc các ngân hàng cho vay hay không cũng chưa thể khẳng định.

Và với dự án quy mô lớn như vậy, khả năng tăng vốn đầu tư, chủ đầu tư gặp khó khăn tài chính là điều có thể xảy ra. Bộ Tài chính cũng thể hiện băn khoăn về giá điện mà Xuân Thiện tính toán có thể bán ra ở mức 1.900 đồng/kWh. “Nguồn thu từ bán điện là rủi ro tài chính lớn” - Bộ Tài chính nêu.

Tập đoàn Điện lực VN khi góp ý dự án cũng nói thẳng: các thủy điện trên sông Hồng hiện chưa có trong quy hoạch điện VII mà Thủ tướng vừa thông qua. Cũng chưa có khảo sát về địa chất, thủy văn, nên tập đoàn này chưa đủ cơ sở để góp ý xem hiệu quả của 6 thủy điện mà Xuân Thiện xin đầu tư như thế nào cũng như sản lượng các thủy điện này có thể phát.

Vì vậy, Bộ KH-ĐT mới trình xin chủ trương đầu tư nhưng cũng yêu cầu rõ: chủ đầu tư sẽ phải làm rõ thêm các vấn đề khi đầu tư dự án, nhất là ở khâu xin cơ chế đặc thù cho dự án. Bộ KH-ĐT cũng đề nghị giao chủ đầu tư lập nghiên cứu khả thi theo quy định.

CẦM VĂN KÌNH - ANH ĐỨC

Theo Tuổi trẻ