Có tiến bộ nhưng chưa về đích
Nhiều người nói rằng 2015 là một năm “bội thu” về hội nhập của Việt Nam, thưa ông?
Nói như vậy cũng được nhưng mà cá nhân tôi thì cho rằng nó vẫn chưa hết ý.
Bởi lẽ, tiến trình hội nhập của Việt Nam đã được bắt đầu từ cách đây khoảng 20 năm khi mà chúng ta có những thỏa thuận, những hiệp ước, những hiệp định quốc tế. Và nhất là trong mười năm trở lại đây, xu thế hội nhập của Việt Nam càng ngày càng mạnh và sâu hơn.
Năm 2015 đã mở ra một số hướng hội nhập mới thể hiện qua các hiệp định thương mại như AEC (hội đồng kinh tế Asean), Việt Nam – Hàn Quốc, Liên minh thuế quan và đặc biệt là kết thúc đàm phán để tiến tới kí kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Có thể nói rằng, đó đều là những hiệp định thương mại thế hệ mới, đánh dấu một năm mà chúng ta bước vào một giai đoạn hội nhập mới.
Năm 2015 cũng là năm đánh dấu việc kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2011 – 2015, tổng kết Đề án tái cơ cấu nền kinh tế với trọng tâm là 3 trụ cột tái cơ cấu hệ thống các TCTD, tái cơ cấu Đầu tư công, tái cơ cấu khu vực DNNN. Ông đánh giá sao về các kết quả mà chúng ta đã đạt được?
Với chương trình phát triển kinh tế 5 năm, tôi cho rằng chúng ta đã đạt được nhiều thành quả tốt. Và với mỗi trụ cột tái cơ cấu chúng ta đều đã có những bước tiến.
Tuy nhiên, phải thành thực mà nói rằng, chưa có khâu nào là hoàn thiện cả. Hay nói cách khác là vẫn còn rất nhiều vấn đề còn bị bỏ ngỏ trong chương trình phát triển kinh tế đã đặt ra.
Thứ nhất, về hoạt động tái cơ cấu ngân hàng, chúng ta đã làm gọn được hệ thống, cô đọng từ 44 về chỉ còn 34 ngân hàng như hiện nay, đồng thời, thực hiện xử lý quyết liệt nhiều ngân hàng yếu kém.
Song hệ thống ngân hàng Việt Nam với số lượng ngân hàng vẫn còn rất lớn, với hoạt động cạnh tranh nhiều khi vẫn chưa lành mạnh, với nhiều yếu kém vẫn còn tồn tại, với tình hình nợ xấu vẫn còn nan giải và chưa được xử lý triệt để, với hoạt động quản trị vẫn chưa theo chuẩn mực quốc tế, xếp hạng tín nhiệm ngân hàng vẫn còn rất thấp thì ngành ngân hàng chưa được xem là đã đạt được cái đích cuối cùng của chương trình 5 năm.
Còn về đầu tư công, tuy có chuyển biến, nhưng trên thực tế hoạt động đầu tư công, như chúng ta đã thấy, vẫn còn nhiều lãng phí. Việc tái cơ cấu chưa toàn diện và hiệu quả chưa cao.
Cũng cùng một cái nhìn như thế, tôi cho rằng hoạt động tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp có vốn nhà nước tuy đã rất cố gắng nhưng vẫn còn đâu đó trên 100 doanh nghiệp chưa được tái cơ cấu. Bên cạnh đó, hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng vẫn kém hiệu quả, nếu so sánh với các doanh nghiệp tư nhân.
Và như tôi đã nói, cả 3 khâu tái cơ cấu đều đã có bước tiến, song chưa về đích.
Đổi mới thể chế kinh tế là đòi hỏi bắt buộc
Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Có lẽ thể chế kinh tế của Việt Nam còn có nhiều vướng mắc quá. Chúng ta tham gia toàn cầu hóa, đi vào một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, chịu sự chi phối của quy luật cung cầu, chấp nhận thị trường cạnh tranh nhưng thể chế kinh tế của chúng ta vẫn còn bị chi phối quá lớn bởi “bàn tay Nhà nước”.
Thành ra, khi chúng ta tham gia một sân chơi nhưng chúng ta chỉ tuân thủ các nguyên tắc của nó một cách nửa chừng, thì tất nhiên, việc tái tổ chức thị trường và xa nữa là tái cơ cấu nền kinh tế của chúng ta nó cũng chỉ mới “nửa chừng xuân”.
Như vậy có nghĩa, đổi mới thể chế kinh tế vẫn là một đòi hỏi bắt buộc trong giai đoạn tới đây, thưa ông?
Đó là điều chắc chắn! Nếu mà trong giai đoạn 5 – 10 năm tới mà thể chế kinh tế của Việt Nam chưa theo kịp thể chế kinh tế toàn cầu thì lúc đó nền kinh tế của chúng ta sẽ vẫn ở trong tình trạng tụt hậu.
Mười năm nữa nhìn lại, chúng ta có thể thấy một vài tiến bộ nhưng nếu không kịp thời đổi mới thì việc hội nhập và tận dụng hội nhập để phát triển, vươn tầm quốc tế vẫn là cái gì đó rất xa vời.
Tăng trưởng của nền kinh tế nước ta lâu nay vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng. Ông thấy gì từ con số tăng trưởng tín dụng đột phá tới 18% trong năm 2015?
Nó vừa đem đến những vui mừng nhưng cũng lại mang theo những lo lắng.
Trước tiên, con số tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây đã phản ánh phần nào sự hồi phục của nền kinh tế sau nhiều năm trì trệ, cho thấy các thành phần kinh tế đang cần nhiều vốn hơn để đầu tư phát triển.
Tăng trưởng tín dụng tốt cũng góp phần đẩy mạnh sức cầu, giảm thiểu tồn kho của nền kinh tế, giúp phục hồi một số thị trường, đặc biệt là thị trường bất động sản.
Và trên thực tế, GDP của chúng ta trong năm 2015 cũng đã tăng trưởng tới 6,68%, vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, con số tăng trưởng tín dụng 18% trong năm 2015, theo tôi là khá cao.
Bởi lẽ, thông thường, tăng trưởng tín dụng sẽ chỉ cao gấp 2 và tối đa là 2,5 lần tăng trưởng kinh tế. Nên tính ra, mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2015 khoảng 16% là hợp lý.
Việc tín dụng tăng trưởng quá cao có thể gây ra một số rủi ro, tiềm ẩn những nguy cơ về bong bóng kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.
Bên cạnh đó, trong năm 2015, tăng trưởng tín dụng đạt rất cao nhưng tăng tưởng huy động lại đạt không tương xứng, điều này sẽ tiềm ẩn một số nguy cơ về thanh khoản.
Và chúng ta thấy ngay, trong những tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã rục rịch tăng lãi suất huy động. Hiện tượng này chứng minh thanh khoản ngân hàng bắt đầu căng thẳng.
Nói đến lãi suất, thưa ông, mục tiêu của cả Chính phủ và NHNN là sẽ tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất trong năm 2016. Ông có cho rằng vẫn còn dư địa để giảm tiếp lãi suất?
Zero! Tôi không thấy còn dư địa giảm lãi suất mà ngược lại, chỉ thấy các yếu tố bổ trợ cho việc đẩy lãi suất tăng cao, cả đầu ra lẫn đầu vào.
Ngoài việc thanh khoản bắt đầu căng thẳng như đã đề cập, vẫn còn một số yếu tố như dự báo tỷ lệ lạm phát năm nay sẽ cao hơn. Tỷ lệ lạm phát cao thì người dân cũng sẽ kỳ vọng ngân hàng sẽ trả lãi suất cao hơn. Lãi suất huy động cao thì lãi suất cho vay cũng phải cao hơn.
Bên cạnh đó, thị trường lãi suất Việt Nam cũng có thể sẽ bị tác động từ thị trường lãi suất của Mỹ, thông qua hoạt động kiều hối, đầu tư. Mà FED đang có kế hoạch tăng lãi suất trong năm 2016 thì rõ ràng SBV cũng khó lòng mà có thể giảm.
Hay như tương quan lãi suất giữa VND và USD. Nếu chúng ta tiếp tục kéo lãi suất VND giảm xuống thì chênh lệch lãi suất VND và USD sẽ bị thu hẹp, mục tiêu chống găm giữ USD mà NHNN đang theo đuổi sẽ bị ảnh hưởng.
Nên do đó, tôi không cho rằng lãi suất có thể giảm nữa trong năm 2016 này.
Năm Thân, bỏ tiền vào đâu?
Vậy, trong năm Bính Thân – 2016 này, đâu là kênh đầu tư đáng để bỏ tiền, thưa ông?
Trong 5 kênh đầu tư quen thuộc là bất động sản, tiền gửi ngân hàng, chứng khoán, vàng và ngoại tệ, thì tôi cho rằng ngoại tệ là một kênh không nên lựa chọn, bởi trước hết nó đi ngược với tinh thần và định hướng của Chính phủ. Biến động trên thị trường ngoại tệ cũng rất khó lường.
Tương tự là vàng, đây là một kênh đầu tư rất rủi ro, chủ trương của Chính phủ cũng là tiêu trừ vàng hóa.
Còn chứng khoán, thị trường chứng khoán của nước ta bị ảnh hưởng rất nặng nề từ thị trường chứng khoán toàn cầu và các vấn đề quốc tế. Từ đầu năm, VN-Index cũng liên tục suy giảm sâu.
Do đó, cả ba kênh vừa nêu đều là những hướng đầu tư rất rủi ro và cần phải cảnh giác.
Còn tiền gửi ngân hàng, đây là một kênh đầu tư tương đối an toàn và khả dĩ trong thời điểm này khi lãi suất đang có xu hướng tăng lên. Nhưng nhược điểm của tiền gửi ngân hàng là nó không có giá trị gia tăng, ngoại trừ một tỷ lệ lãi suất hạn chế.
Trong khi đó, bất động sản luôn có giá trị gia tăng theo thời gian, kể cả đầu tư để ở hay cho thuê.
Cho nên tôi cho rằng, bất động sản vẫn là một kênh đầu tư hiệu quả và nhiều tiềm năng, nhất là khi thị trường đang có dấu hiệu ấm lên.
Các nhà đầu tư mỗi khi bỏ tiền nên xác định rõ mục đích đầu tư của mình, đồng thời phải lựa chọn một kênh đầu tư bảo đảm an toàn được đồng vốn và phù hợp với nguồn lực tài chính của bản thân.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ninh Giang