Đáng chú ý, Nghị quyết đã dành hẳn một Điều (Điều 16) để làm rõ nội dung Phân bổ lãi dự thu, chêch lệch khi bán khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Theo đó:
1. Tổ chức tín dụng được phân bổ số lãi dự thu đã ghi nhận của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng chưa thoái theo quy định, chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của khoản nợ đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán với giá bán khoản nợ xấu và số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập cho khoản nợ này vào kết quả hoạt động kinh doanh hằng năm theo các nguyên tắc sau đây:
a) Mức phân bổ hằng năm tối thiểu là mức chênh lệch thu chi từ kết quả kinh doanh hằng năm của tổ chức tín dụng;
b) Thời hạn phân bổ số lãi dự thu tối đa không quá 10 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này; thời hạn phân bổ chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của khoản nợ đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán với giá bán khoản nợ xấu và số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập cho khoản nợ này tối đa không quá 05 năm.
2. Đối với lãi dự thu của khoản nợ xấu bán cho tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu chưa thoái theo quy định thì thời gian phân bổ lãi dự thu tối đa không vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.
3. Tổ chức tín dụng chỉ được phân bổ số lãi dự thu theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đối với số lãi dự thu đã ghi nhận đến thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2016.
4. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được phân bổ chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của khoản nợ đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán với giá bán khoản nợ xấu đã mua theo giá trị thị trường và số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập cho khoản nợ này vào kết quả hoạt động kinh doanh hằng năm với mức phân bổ tối thiểu là chênh lệch thu chi.
Trước đó, Báo cáo Quốc hội kết quả kiểm toán năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã điểm danh một số ngân hàng thương mại có công nợ khó thu hồi. Đặc biệt, theo Kiểm toán Nhà nước, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đang tạo ra và sử dụng lợi nhuận từ doanh thu không chắc chắn. Cơ quan này cho biết, tổng lãi dự thu của các khoản nợ được cơ cấu lại năm 2015 của toàn hệ thống là 50.540 tỷ đồng.
Con nợ bất hợp tác, ngân hàng vẫn có quyền thu giữ tài sản bảo đảm
Đó là một trong những điều chỉnh đáng chú ý tại với Nghị quyết số 42/2017/QH14. Nó được quy định cụ thể tại Điều 7 của Nghị quyết:
Điều 7. Quyền thu giữ tài sản bảo đảm
1. Bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc trong văn bản khác (sau đây gọi là hợp đồng bảo đảm) và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều này.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 của Bộ luật Dân sự;
b) Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật;
c) Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật;
d) Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật;
đ) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều này.
3. Chậm nhất là 15 ngày trước ngày tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thực hiện công khai thông tin về thời gian, địa điểm thu giữ tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm được thu giữ, lý do thu giữ theo quy định sau đây:
a) Đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình;
b) Gửi văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan Công an nơi có tài sản bảo đảm;
c) Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản bảo đảm;
d) Thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm.
4. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thực hiện công khai thông tin về việc tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là động sản theo quy định sau đây:
a) Đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình và thông báo về việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm trước khi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm;
b) Thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản trước thời điểm thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm bằng cách gửi theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm.
5. Chính quyền địa phương các cấp và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm theo đề nghị của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ tài sản bảo đảm.
6. Tổ chức tín dụng chỉ được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc tổ chức tín dụng đó; tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu chỉ được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng bán nợ, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc tổ chức tín dụng bán nợ.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, tổ chức được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.
7. Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Công an các cấp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết này./.