'Kỹ sư Việt thừa kỹ năng, chỉ cần thêm tự tin'

Nhiều kỹ sư Việt Nam có nền tảng kỹ thuật tốt, làm việc chăm chỉ, vấn đề còn lại là họ có đủ tự tin bước ra ngoài, đối diện với thử thách hay không.

Tại trụ sở của Grab ở Singapore có khoảng 100 kỹ sư người Việt đang làm việc, một con số không hề nhỏ. Những kỹ sư này đi du học và xin việc trực tiếp tại Singapore, một số khác học trong nước và xin việc từ Việt Nam. Không chỉ làm việc cho Grab, nhiều kỹ sư Việt Nam khác cũng đang làm ở các tập đoàn lớn tại Singapore.

Bên trong trụ sở chính của Grab tại Singapore - Ảnh: H.Đ

Ditesh Kumar, kỹ sư trưởng của Grab, trong buổi trò chuyện không chính thức với PV ICTnews hồi tuần trước cho biết lập trình viên Việt Nam làm tại công ty khởi nghiệp này có kỹ năng lập trình rất tốt và làm việc chăm chỉ.

“Liệu kỹ năng tốt và làm việc chăm chỉ có phải là lời khen khách sáo thường thấy dành cho kỹ sư Việt?”. “Không hề, các bạn ấy hoàn toàn có những tố chất đó. Kỹ sư Việt thuộc nhóm làm việc chăm chỉ so với các nước trong khu vực. Không phải tự nhiên mà nhiều kỹ sư Việt làm tại Grab đến thế”, người phụ trách cao nhất ở nhóm kỹ sư tại Grab trả lời.

Đồng ý với quan điểm trên, bà Kristine Phung, Giám đốc sản phẩm tại Grab, cho biết các kỹ sư được đào tạo tại Việt Nam có nền tảng kỹ thuật tốt, hoàn toàn đảm đương được nhiều công việc khó như bất kỳ kỹ sư nước nào khác.

Thậm chí, nhiều kỹ sư giỏi hiện nay có nhiều lựa chọn làm việc cho các công ty công nghệ nổi tiếng, do đó không chỉ nhà tuyển dụng chọn lựa ứng viên mà các lập trình viên hiện nay còn có quyền lựa chọn công ty phù hợp để làm việc.

Bà Kristine Phung, Giám đốc sản phẩm tại Grab - Ảnh: H.Đ

Bà Kristine Phung đi du học rồi sau đó làm việc cho nhiều công ty châu Âu. Khi quyết định trở về Singapore, cô gái trẻ gốc Bắc đã phỏng vấn tại Grab và một công ty đối thủ. Tại Grab, cô trải qua 9 lần phỏng vấn và cho biết mình đã tìm hiểu kỹ công ty, đặt ngược lại các câu hỏi để xem môi trường có phù hợp hay không trước khi chọn lựa làm việc cho công ty này.

“Thu nhập của kỹ sư Việt tại Grab ở Singapore đủ để các bạn sinh sống tốt, còn tại Việt Nam tôi nghĩ mức thu nhập này rất cạnh tranh để các bạn sống thoải mái”, bà Kristine nói.

Khi nói về điểm yếu của các kỹ sư Việt, ông Ditesh Kumar - người có lẽ ở thế hệ 8x đời đầu - cho biết các lập trình viên trẻ bỏ qua giai đoạn phát triển đầu tiên của thiết bị di động thời sơ khai, các bạn lớn lên khi smartphone nở rộ nên khi làm sản phẩm dường như bỏ quên các thiết bị đời cũ.

Trong khi đó, bà Kristine cho rằng kỹ năng tiếng Anh và yếu tố tự tin là điều các kỹ sư Việt Nam cần cải thiện. Tiếng Anh tốt giúp các bạn giao tiếp hiệu quả với các đồng nghiệp ở nhiều quốc gia khác nhau, từ đó mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, bà Kristine thừa nhận rằng tiếng Anh của những người trẻ tuổi hiện nay rất tốt do được đào tạo ở môi trường nước ngoài, thậm chí nhiều trường trong nước cũng đã có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh.

“Nhiều bạn đã có kỹ năng tốt, đáp ứng yêu cầu công việc, vấn đề còn lại là các bạn có đủ tự tin bước ra ngoài, chấp nhận thử thách trong các môi trường mới và cạnh tranh hay không mà thôi”, cô kỹ sư trẻ khẳng định.

Kristine Phung có giọng tiếng Anh chuẩn, nói chuyện mạch lạc và sắc sảo. Nhóm của cô phụ trách phát triển ứng dụng cho tài xế trên toàn khu vực.

“Một điểm nữa không chỉ người Việt mà nhiều người châu Á gặp phải là cố gắng tránh tranh luận gay gắt, do đó đôi khi không nói thẳng vào vấn đề. Trong khi đó người Âu, Mỹ đối đáp thẳng thắn hơn để hiểu nhau trong công việc”, Kristine chia sẻ.

Có thể quan sát thấy hầu hết vị trí chủ chốt của Grab tại Singapore, ít nhất ở lĩnh công nghệ, do những người gốc Ấn đảm trách, hiếm thấy một người Việt ở vị trí như Kristine.

Cô gái trẻ thừa nhận việc nhiều đồng nghiệp người Ấn giữ vị trí cao tại doanh nghiệp này, và cho biết cũng có áp lực nhất định khi làm việc trong môi trường có nhiều người giỏi như vậy.

“Tuy nhiên cần hiểu rằng Ấn Độ có lịch sử lâu đời hơn trong gia công phần mềm, tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn do có cơ hội làm việc với nhiều công ty công nghệ toàn cầu từ sớm. Tôi tin rằng ngày càng nhiều kỹ sư Việt làm việc ở môi trường quốc tế, Việt Nam cũng tích cực tham gia ngành công nghệ toàn cầu nên khoảng cách với các đồng nghiệp, với các quốc gia khác sẽ càng được rút ngắn lại”, Kristine Phung khẳng định.

Theo ICT News

http://ictnews.vn/cntt/ky-su-viet-thua-ky-nang-chi-can-them-tu-tin-170094.ict