Sang Fish 01, một trong những con tàu vỏ thép đầu tiên của Đà Nẵng bị chủ nhân trả về nơi sản xuất vì có quá nhiều lỗi trong quá trình vận hành và khai thác |
Đã dự lượng, nhưng vì quá mới!
Liên quan đến chi phí vận hành, sửa chữa đối với tàu cá vỏ thép khiến ngư dân thiệt hại, ngán ngẩm, phóng viên VietTimes đã liên hệ với ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam.
Ông Tấn cho biết, tính từ năm 2015 đến nay, Quảng Nam có 65 tàu cá đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ. Trong đó, có 63 chiếc tàu đóng mới, gồm 37 tàu vỏ thép, 24 tàu vỏ gỗ, 2 tàu composite và 2 tàu nâng cấp.
Theo ông Tấn, hầu hết các tàu cá đóng mới đều hoạt động tốt, ngư dân đánh bắt có hiệu quả. “Tuy nhiên có vấn đề phát sinh đối với tàu vỏ thép là công tác quản trị gặp khó khăn, vì đây là lần đầu tiên ngư dân sở hữu tàu vỏ thép. Bên cạnh đó, dù năng suất hoạt động của tàu vỏ thép thì cao hơn vỏ gỗ, nhưng chi phí bảo quản, bảo dưỡng đối với tàu vỏ thép cao hơn nhiều lần so với tàu vỏ gỗ truyền thống cũng đang khiến ngư dân hoang mang”.
Theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, vấn đề đối với tàu cá vỏ thép là công tác quản trị của ngư dân do tàu quá mới
|
“Vấn đề khó khăn này chúng tôi cũng đã có những cảnh báo trước, nên cần có thời gian để người dân quen dần với việc vận hành, quản trị tàu vỏ thép. Và với những gì đang diễn ra thì ngư dân nên trích để chi phí cho việc bảo quản và bảo dưỡng tàu vỏ thép. Bên cạnh đó, chính sách về chủ trương này cũng có, nhưng việc tiếp cận của ngư dân vẫn còn khó khăn. Nên trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ngư dân để hoạt động được thuận lợi hơn”, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam chia sẻ.
Nhiều tàu đang động cầm chừng
Còn ông Trịnh Quang Vinh, Phó Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng cho biết: “Tính từ năm 2015 đến nay, Đà Nẵng có 7 tàu cá đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ. Trong đó có 2 tàu vỏ gỗ và 5 tàu vỏ thép".
"Đà Nẵng thì số lượng tàu đóng theo Nghị định 67 ít, nên không thể đánh giá hết bằng các địa phương khác khi số lượng nhiều mới có thể đánh giá tổng quan. Tuy nhiên, hiện tại hoạt động của các tàu vẫn bình thường, một số chiếc có lãi, một số thì còn hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân cầm chừng thì có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do khai thác khó khăn” - ông Vinh cho hay.
Liên quan đến chi phí vận hành tàu và bảo dưỡng tàu cá vỏ thép, ông Trịnh Quang Vinh, Phó Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng chia sẻ: “Tàu vỏ thép thì trọng tải lớn hơn, chắn chắn sẽ tổn phí nhiên liệu nhiều hơn. Về bảo dưỡng thì tàu vỏ thép chắc chắn phải khác tàu vỏ gỗ, vì phải sơn rỉ, gõ thép,…theo đúng quy trình”.
Bảo dưỡng thì tàu cá vỏ thép khác tàu vỏ gỗ
|
“Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã có văn bản chỉ đạo hỗ trợ tiền bảo trì hàng năm cho ngư dân, hỗ trợ bảo dưỡng tàu cho ngư dân theo từng giai đoạn. Từ góc độ là cơ quan chức năng, thời gian qua chúng tôi đã có những hướng dẫn, thông tin đến ngư dân những chính sách hỗ trợ, ưu đãi của các cấp để ngư dân nắm và vận hành tàu.
Tuy nhiên việc vận hành, bảo dưỡng tàu vẫn không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ để các ngư dân tiếp tục bám biển”, Phó Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng chia sẻ thêm.