Kỳ 2: Lâm Bưu, một con người đa nhân cách

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tại sao từ cuối những năm 1950 đến thời kỳ đầu của Cách mạng Văn hóa, Lâm Bưu lại trở nên cực tả như vậy? Trên thực tế, đây là sự phản ánh đa nhân cách phức tạp của Lâm Bưu. Khi Cách mạng Văn hóa đến gần, sự đa nhân cách phát triển xa hơn đến mức cực đoan. Phân tích tình hình của Lâm Bưu và diễn biến đa nhân cách của Lâm Bưu là chìa khóa để hiểu về Sự kiện Lâm Bưu.

Lâm Bưu được Mao Trạch Đông lựa chọn làm người kế thừa của ông tại Hội nghị Trung ương 11 khóa VIII, tháng 8/1966 (Ảnh: Lishi).
Lâm Bưu được Mao Trạch Đông lựa chọn làm người kế thừa của ông tại Hội nghị Trung ương 11 khóa VIII, tháng 8/1966 (Ảnh: Lishi).

Có thể nói, do nền chính trị Trung Quốc cực kỳ phức tạp trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Lâm Bưu đã có nhân cách kép phức tạp trong quá trình thích nghi với môi trường sinh tồn này. Một mặt, với tư cách là một nhà chiến lược quân sự đã dày dạn sa trường, Lâm Bưu có một lý trí thông thường đơn giản và thực dụng. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ông đã cho rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa phục hồi, vết thương đầy mình và người Triều Tiên nên đánh du kích trên đất nước của họ, không nên để Trung Quốc tham chiến. So với Mao Trạch Đông, ông quan tâm đến việc phát triển lực lượng sản xuất và nâng cao mức sống của nhân dân Trung Quốc hơn là đấu tranh giai cấp. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông chỉ thị cho Trần Bá Đạt viết cho ông một bản dự thảo báo cáo chính trị nhấn mạnh đến sản xuất, điều này khiến ông Mao không hài lòng.

Mặt khác, kể từ sau Sự kiện Cao Cương (Phó Chủ tịch chính phủ bị cáo buộc phản bội, tự sát chết năm 1954 –ND), môi trường chính trị bất thường ở cấp cao nhất của đảng ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Do nhu cầu sinh tồn của giới chính trị cấp cao, Lâm Bưu đã học được kiểu "tồn tại chính trị” bằng cách hùa theo khuynh hướng chính trị tả khuynh của lãnh tụ để tự bảo vệ mình. Tại Hội nghị Lư Sơn, Mao Trạch Đông coi Lâm Bưu như một người cứu viện, ông từ trạng thái ẩn cư bước lên bục cao giọng ca tụng ông Mao. Khi làm điều này, ông nhận được sự tin tưởng lớn hơn từ lãnh tụ và những sự tưởng thưởng lớn lao, từ đó ông trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Điều này cũng cho phép ông, người đang ra rìa vì một căn bệnh mãn tính, được quay trở lại sân khấu chính trị.

Hai ông Mao Trạch Đông và Lâm Bưu gặp dân chúng trong Cách mạng Văn hóa (Ảnh: VCG).

Hai ông Mao Trạch Đông và Lâm Bưu gặp dân chúng trong Cách mạng Văn hóa (Ảnh: VCG).

Tại Hội nghị Bảy ngàn người, Bành Chân đề nghị Nhà lãnh đạo (tức Mao Trạch Đông) nên tự phê bình trong đảng. Theo yêu cầu của Bành Chân, ông Mao Trạch Đông đã nhận trách nhiệm về nạn đói ba năm trước hội nghị.

Vào thời điểm quan trọng này, Mao Trạch Đông một lần nữa yêu cầu Lâm Bưu đứng ra cứu giá, Lâm Bưu đã dùng giọng điệu còn cao hơn tại Hội nghị Lư Sơn để ca ngợi thành tích lớn lao và sự vĩ đại anh minh của Nhà lãnh đạo. Ông nói: "Tất cả những sai lầm mà chúng ta mắc phải trong Đại nhảy vọt là do chúng ta không nghe lời Nhà lãnh đạo. Chỉ cần chúng ta nghe lời Nhà lãnh đạo, chúng ta sẽ không mắc phải những sai lầm hiện nay".

Lâm Bưu xuất hiện với những phát biểu gây sốc, bầu không khí suy tư và sửa lỗi trong đảng đã hình thành trước đó đã bị ông ta cuốn sạch trơn. Sự cảm kích của Nhà lãnh đạo đối với ông là điều có thể tưởng tượng được. Sau đó, Mao Trạch Đông nói với một số cán bộ cao cấp xung quanh mình: "Ai trong các người có thể phát biểu tốt như Lâm Bưu? Không thể chỉ biết chăm chỉ học tập".

Lãnh tụ lại trả ơn Lâm Bưu, địa vị của Lâm Bưu trong đảng càng ngày càng cao. Là một người buộc phải đứng bên lề đời sống chính trị do mắc bệnh hiểm nghèo, cảm giác vinh quang này giống như một liều thuốc tăng lực, đưa Lâm Bưu trở lại trải nghiệm đỉnh cao của cuộc đời.

Nhưng lẽ nào trong lòng Lâm Bưu không có mâu thuẫn? Xét cho cùng, ông ta là một người có lý trí, làm thế nào ông có thể giải thích việc bản thân bất chấp sự thật trong khi phát biểu trước hội nghị? Ông quả thực đã tìm ra lý do cho chính mình. Tức là Trung Quốc hiện đang ở trong thời kỳ khó khăn, càng lúc khó khăn thì đảng càng không được chia rẽ, Trung Quốc càng không thể không có lãnh tụ như ông Mao, nếu không sẽ lâm vào tình trạng lộn xộn, bất lợi cho sự nghiệp cách mạng và đoàn kết xã hội của Trung Quốc. Theo quan điểm của Lâm Bưu, ông là người thuộc hệ phái của ông Mao và cũng là hệ phái "song nhất" (tức Phương diện số Một Hồng quân và Quân đoàn Một Hồng quân) như cách ông gọi, là “trực hệ” của lãnh tụ. Vì vậy, nếu Lâm Bưu, không đứng ra để “hộ giá” Mao Trạch Đông, thì liệu còn ai đủ tiêu chuẩn hơn?

Mao Trạch Đông , Lâm Bưu và Giang Thanh cùng các diễn viên "kịch mẫu" sau buổi biểu diễn (Ảnh: Kanlishi).

Mao Trạch Đông , Lâm Bưu và Giang Thanh cùng các diễn viên "kịch mẫu" sau buổi biểu diễn (Ảnh: Kanlishi).

Khi trong lòng Lâm Bưu nghĩ như vậy, tự an ủi bản thân có những lý do như vậy, nói với người khác những lời như vậy, nội tâm của ông mới thấy bình ổn. Những người nghe chỉ có thể suy nghĩ theo dòng tư duy của ông. Dưới thể chế vào thời điểm đó, mọi người nghĩ như thế cũng hợp lý.

Đầu tháng 8/1966, khi ông Mao thông qua Uông Đông Hưng gọi điện cho Lâm Bưu thông báo ông đến Bắc Kinh để tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ XI của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Lâm Bưu đang nghỉ dưỡng ở bãi biển Đại Liên, trong lòng không muốn quay lại Bắc Kinh. Con gái Lâm Đậu Đậu thấy Lâm Bưu khẽ thở dài và nói một mình: “Không phải tôi đã xin phép đi nghỉ dưỡng hay sao?”. Khi về đến Bắc Kinh, Lâm Bưu đã được sắp xếp vào sống ở Đại lễ đường Nhân dân. Mao Trạch Đông đích thân đến thăm và trò chuyện với ông. (Theo sách "Lý Văn Phả, Vệ sĩ trưởng của Lâm Bưu không thể không nói", Tạp chí “Trung Hoa nhi nữ”, kỳ 2/1999). Đây là một vinh dự rất lớn lao. Không lâu sau, Lâm Bưu đã thay thế Lưu Thiếu Kỳ trở thành người kế vị chính thức của Mao Trạch Đông.

Khi Mao Trạch Đông đề nghị ông lên Bắc Kinh họp lần nữa, trong thâm tâm Lâm Bưu đã đoán được đây sẽ là lần thứ ba ông “ra mặt” trong đời sau Hội nghị Lư Sơn năm 1959 và cuộc họp Bảy ngàn người năm 1962. Tuy nhiên, sau khi mắc bệnh hiểm nghèo vào đầu những năm 1960, Lâm Bưu đã là một bệnh nhân nặng cả về tâm lý và thể chất, loại bệnh có khuynh hướng mắc chứng trầm cảm này khiến ông thiếu thốn niềm vui trong cuộc sống, cũng không còn thấy niềm vinh dự và cảm giác vui vẻ của những người khỏe mạnh. Ông là một bệnh nhân nặng cả về tâm lý và thể chất, nhưng được Nhà lãnh đạo coi trọng như thế, ông không thể không ra tay lúc này.

Lúc đó, trong lòng Lâm Bưu cũng thực sự không mấy hứng thú với chính trị. Khưu Hội Tác đã kể lại trong hồi ký của mình rằng, vào tháng 8 năm 1966, trong Hội nghị toàn thể lần thứ 11 của Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Lâm Bưu đã được Mao Trạch Đông chỉ định làm người kế nhiệm. Khi đó một nhóm thuộc hạ cũ của Lâm Bưu ở Dã chiến quân số 4 đang họp đã nhân cơ hội hiếm có này đến thăm dinh thự của Lâm Bưu để tỏ ý chúc mừng. Thật bất ngờ, trước mặt những thuộc hạ cũ của mình, Lâm Bưu không hề tỏ ra phấn khởi. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được.

Bức ảnh cho thấy sự không vừa lòng của Lâm Bưu đối với Mao Trạch Đông (Ảnh: Kanlishi).

Bức ảnh cho thấy sự không vừa lòng của Lâm Bưu đối với Mao Trạch Đông (Ảnh: Kanlishi).

Trên thực tế, Lâm Bưu lo lắng hơn là phấn khởi, bởi vì trạng thái thể chất và tâm lý của ông không còn cho phép ông tận hưởng niềm vui của đỉnh cao quyền lực; sự yên tĩnh và nghỉ dưỡng còn quan trọng hơn đối với ông. Ông không muốn bị cuốn vào đời sống chính trị phức tạp vì ông biết quá rõ những khó khăn trong đó.

Tuy nhiên, một khi bước vào chính trường cấp cao, ông lại như trở thành một người khác được tiêm một liều thuốc kích thích. Ông ca ngợi sự vĩ đại của lãnh tụ một cách mạnh mẽ tới khản cổ, ông biết rằng lãnh tụ thích nghe những lời như vậy, đồng thời, lãnh tụ khi đó cũng cho rằng việc sùng bái nhân như thế là cần thiết để đạt được mục tiêu cách mạng vĩ đại và là nhu cầu của chính trị cách mạng.

Mọi người sẽ hỏi những câu như thế này: Vào lúc đó, Lâm Bưu quả thực không cần thiết phải đổ thêm dầu vào lửa cho phe cực tả trong nền chính trị của Trung Quốc. Ông hoàn toàn có thể chọn cách hạ thấp giọng, hoàn toàn không cần thiết phải thúc đẩy phe cực tả theo hướng cực đoan quá khích như vậy. Nếu giữ cách thấp giọng, ông cũng không vì thế mà mất các điều kiện và quyền lợi của một anh hùng của nước Cộng hòa để yên tâm dưỡng bệnh, vậy tại sao ông lại phạm sai lầm hết lần này đến lần khác?

Vợ chồng Lâm Bưu, Diệp Quần cùng con gái Lâm Lập Hằng và con trai Lâm Lập Quả (Ảnh: VCG).

Vợ chồng Lâm Bưu, Diệp Quần cùng con gái Lâm Lập Hằng và con trai Lâm Lập Quả (Ảnh: VCG).

Có lẽ ở đây liên quan đến khía cạnh bí mật nhất, sâu sắc nhất và phức tạp nhất của bản chất con người. Bất kỳ sự thông cảm nào đều vô ích. Chúng ta chỉ có thể dùng lời nói của một người thuộc hạ già, người biết rõ tính cách của Lâm Bưu nói khi ông tiếp Lâm Đậu Đậu sau Cách mạng Văn hóa. Đó là: "Dù thể nào thì cha cô thật là kẻ ích kỷ".

Lâm Bưu, người đang trong tình trạng lui về an dưỡng vì bệnh tật, quả thực có tâm lý ghen tị với những thuộc hạ cũ dưới ánh hào quang của quyền lực lớn. Ví dụ, Lâm Bưu không thích La Thụy Khanh, người có chức cao quyền trọng, Ông đã yêu cầu Diệp Quần (vợ) thay mình tố cáo La lên Nhà lãnh đạo trong suốt mấy giờ liền. Mao Trạch Đông buộc La Thụy Khanh từ chức rõ ràng vì nghi ngờ mối quan hệ giữa ông và Lưu Thiếu Kỳ, nhưng đó cũng có thể được coi là sự đáp ứng của ông Mao với yêu cầu loại bỏ La Thụy Khanh của Lâm Bưu.

Thế là một vòng luẩn quẩn được hình thành: Lâm Bưu nói dối vì lợi ích lớn hơn; trong khi Lâm Bưu được lợi, ông càng phải hùa theo các chủ trương chính sách sai trái của Nhà lãnh đạo nên càng lún sâu hơn. Những sai lầm của Nhà lãnh đạo càng lớn thì sự oán trách của các cán bộ càng mạnh và Nhà lãnh đạo càng cảm thấy cần phải có các phát biểu cực tả của Lâm Bưu. Và Lâm Bưu vì lý do đàng hoàng là “trong đảng không thể chia rẽ”, tiếp tục biện minh và hùng hồn phát biểu phóng đại sự vĩ đại của Nhà lãnh đạo.

Lâm Bưu đã sử dụng phong cách dứt khoát và ngắn gọn của quân nhân để diễn đạt “hiểu cũng phải chấp hành, không hiểu cũng phải chấp hành”. Một số từ nói quá lên và thô có vẻ không thể chấp nhận được, nhưng trong thể chế văn hóa hình thành từ chiến tranh cách mạng, chúng lại có hiệu quả đặc biệt, nó có thể kích hoạt những thứ mà mọi người quen thuộc trong chiến tranh và chấp nhận nó như một mệnh lệnh và lời kêu gọi để bảo vệ đại cục.

Trong khi nhận được sự ủng hộ sùng bái cá nhân của Lâm Bưu, Mao Trạch Đông đã giải thích một cách lãng mạn hơn về khát vọng cách mạng của mình, vì vậy ông đã rơi vào những sai lầm hơn nữa, từ Đại nhảy vọt và chống hữu khuynh đến phát động Cách mạng Văn hóa, vì vậy ông càng hy vọng nhận được sự ủng hộ của Lâm Bưu, một vòng tuần hoàn tồi tệ lặp đi lặp lại. Từ những năm 1950 đến Cách mạng Văn hóa, logic tương tác Mao - Lâm đã được lặp lại theo cách này.

Lâm Bưu lại được trọng dụng một lần nữa, nhưng cái giá phải trả trong đảng là cơ hội sửa chữa những sai lầm đã hình thành trong đời sống của đảng lại một lần nữa mất đi. Tư duy giới chính trị cấp cao trong đảng không còn dùng lý trí và kiến thức làm cơ sở nữa mà lấy hệ tư tưởng tả khuynh làm tiêu chuẩn. Lâm Bưu phải chịu trách nhiệm chính trị lớn về việc phá hoại trật tự tốt đẹp của đời sống chính trị trong đảng.

Tuy nhiên, trong cái vòng luẩn quẩn này, trong khi Lâm Bưu được thỏa mãn hoàn toàn về tâm lý và tinh thần ở trạng thái cận biên, thì ông lại càng đứng bên vực thẳm, lý trí thực dụng của ông cũng rơi vào trạng thái lo lắng. Nhà lãnh đạo đã phát động cuộc Cách mạng Văn hóa với chủ nghĩa lãng mạn cách mạng ngày càng vượt qua suy nghĩ thông thường và coi đấu tranh vũ trang toàn quốc và nội chiến là những triển khai chiến lược để hiện thực hóa một thế giới mới lý tưởng. Lâm Bưu thì xuất phát từ tính hợp lý thông thường và theo bản năng càng trở nên chán ghét hơn. Khi mất kiểm soát cảm xúc, ông ta thậm chí xé nát các giấy ủy nhiệm được ông Mao cấp cho ông ở nhà. Có những hành động cực đoan như thế, cho thấy sự bất bình của ông đối với “Đại cách mạng Văn hóa” lớn đến mức nào

Mao Trạch Đông, Lâm Bưu , Chu Ân Lai , Giang Thanh gặp Hồng Vệ Binh trong Cách mạng Văn hóa (Ảnh: Kanlishi).

Mao Trạch Đông, Lâm Bưu , Chu Ân Lai , Giang Thanh gặp Hồng Vệ Binh trong Cách mạng Văn hóa (Ảnh: Kanlishi).

Tuy nhiên, Lâm Bưu biết rằng việc thể hiện trực tiếp suy nghĩ của mình với Nhà lãnh đạo là vô nghĩa, chỉ có thể phục tùng. Khi thấy mệt mỏi với sự phục tùng vô điều kiện của mình, ông thậm chí không viết vào các văn bản được trình lên mà để người thư ký bắt chước bút tích của mình cho xong chuyện. Đó không phải là Lâm Bưu quá lười biếng, mà là xuất phát từ sự nổi loạn và ác cảm với các tài liệu cực tả.

Một mặt, sự hùa theo trào lưu cực tả của Lâm Bưu bị thúc đẩy bởi những ham muốn ích kỷ khiến ông được Nhà lãnh đạo ưu ái, do đó thoát khỏi trạng thái cô độc của bệnh tật dài ngày và hưởng thụ địa vị quyền lực khổng lồ trong tiếng vỗ tay và hoa tươi. Mặt khác, là một bệnh nhân mắc các vấn đề về thể chất và tâm lý nghiêm trọng, không quan tâm đến cuộc sống trần tục, chán ghét chính trị và sự kêu gọi thường xuyên của lý trí cũng khiến ông khó chấp nhận các chính sách cấp tiến của Mao Trạch Đông.

Có thể nói, Lâm Bưu là người trong đảng công khai ca ngợi Nhà lãnh đạo trước công chúng nhiều nhất, đồng thời cũng là người có đánh giá thấp nhất về Nhà lãnh đạo khi riêng tư. Tất cả những yếu tố này đan vào nhau một cách phức tạp, hình thành nên sự đa nhân cách đặc biệt của Lâm Bưu. Có thể hình dung được rằng chính tính hai mặt của Lâm Bưu đã khiến ông nói nhiều lời thô bạo về Mao Trạch Đông khi ở riêng với Lâm Lập Quả. Bản thân Lâm Bưu phải chịu trách nhiệm rất lớn về hành động của người con trai sau này đã mang lại tai họa cho gia đình.

(Kỳ tới: Mối quan hệ Mao – Lâm tan vỡ như thế nào)