Kinh tế số - Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TP.HCM đang tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế số - động lực tăng trưởng và phát triển trong tương lai.
Trước sự chứng kiến của lãnh đạo Hội Truyền thông số, các doanh nghiệp ký kết hợp tác phát triển kinh tế số tại Lễ ra mắt Chi hội miền Nam. Ảnh: Hòa Bình
Trước sự chứng kiến của lãnh đạo Hội Truyền thông số, các doanh nghiệp ký kết hợp tác phát triển kinh tế số tại Lễ ra mắt Chi hội miền Nam. Ảnh: Hòa Bình

Thích ứng, linh hoạt

TP.HCM đang cùng lúc phát triển rất nhiều chương trình chuyển đổi số. Các chương trình phát triển thương mại điện tử với rất nhiều hoạt động đang diễn ra tại tất cả các địa bàn, quận, huyện, TP Thủ Đức. Sự ra đời của Chi hội Truyền thông số miền Nam cũng tạo thêm nhiều động lực cho các doanh nghiệp cùng nhau cam kết phát triển kinh tế số. Ngày 3-6, sự kiện Vietnam Mobileday 2022 đã diễn ra tại TP.HCM với sự xuất hiện của rất nhiều các diễn giả tham gia tọa đàm về Web3, 5G, MCommerce, Blockchain…

Với quy mô đô thị hơn 10 triệu dân, TP.HCM đóng góp khoảng 22% GDP và khoảng 27% tổng thu ngân sách quốc gia - là nơi hội tụ gần 40% số lượng doanh nghiệp hoạt động... Trên thực tế, kinh tế TP.HCM đã lấy lại đà tăng trưởng. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, ông Đào Minh Chánh cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, kinh tế Thành phố tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.

Ông Đào Minh Chánh cho hay: “Tính chung 5 tháng đầu năm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá, cụ thể như: Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 209.824,523 tỷ đồng, đạt 54,28% dự toán năm và tăng 19,52% so với cùng kỳ; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 57.200 tỷ đồng, đạt 49,10% dự toán, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,6% so với cùng kỳ, trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 5,6% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ”.

Rất nhiều chuyên gia cùng xuất hiện tại Vietnam Mobile day 2022, sự kiện do Top Dev tổ chức

Rất nhiều chuyên gia cùng xuất hiện tại Vietnam Mobile day 2022, sự kiện do Top Dev tổ chức

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng nhiều lần nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 để lại những hậu quả nặng nề nhưng mặt khác đã và đang tác động thúc đẩy chuyển đổi số trên cả 3 nội dung: Chính quyền số, doanh nghiệp số và xã hội số. Đây cũng chính là cơ hội để TP.HCM triển khai mạnh mẽ hơn chương trình chuyển đổi số.

Với rất nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đảm trách, dự án nghiên cứu, đề xuất để phát triển TP.HCM thành trung tâm công nghệ tài chính; chương trình phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ thông tin do Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm… cùng lúc tiến hành, TP.HCM đang dồn toàn lực để xây dựng nền kinh tế số, tái cơ cấu nền kinh tế trên nền tảng phát triển trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tầm nhìn kinh tế số đến 2030

Với nền tảng hiện tại, TP.HCM đã đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2025, TP.HCM trở thành đô thị thông minh, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Đến năm 2030, TP.HCM phấn đấu trở thành đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của TP.HCM.

Trước sự chứng kiến của lãnh đạo TP.HCM, Phòng Khoa học Công nghệ TP Thủ Đức với Hội Tin học TP.HCM đã kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển thành phố thông minh

Trước sự chứng kiến của lãnh đạo TP.HCM, Phòng Khoa học Công nghệ TP Thủ Đức với Hội Tin học TP.HCM đã kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển thành phố thông minh

Hiện tại, TP.HCM đang tập trung triển khai các chương trình đề án cụ thể liên quan trực tiếp đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, bao gồm: Hợp tác về chuyển đổi số trong khuôn khổ hợp tác chung giữa UBND TP.HCM và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; tập trung công tác quản trị dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội thành phố; tập trung giải quyết vấn đề liên thông, kết nối dữ liệu ở phạm vi toàn thành phố và phát triển kho dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp, và chính quyền có thể đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm tiện ích có giá trị cao, kiến tạo môi trường khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp; triển khai các nhiệm vụ thuộc chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030” để thúc đẩy đưa trí tuệ nhân tạo trở thành công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững.

TP.HCM cũng hướng tới phát triển đồng bộ hạ tầng số phục vụ kinh tế số và xã hội số theo Đề án phát triển hạ tầng viễn thông và Kế hoạch phát triển hạ tầng số TP.HCM giai đoạn 2020-2030; nghiên cứu triển khai các chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các dịch vụ số mới, mô hình kinh doanh kinh tế số mới chưa được pháp luật quy định rõ ràng; cơ chế để các doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ phục vụ chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường; tập trung triển khai Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành mạng lưới các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp làm nền tảng kết nối, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của TP; nghiên cứu Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, với 3 chức năng chính: Thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh vận hành dựa vào lợi thế công nghệ số.