TP.HCM tập trung xây dựng đô thị thông minh, phát triển kinh tế số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, xây dựng đô thị thông minh là những mục tiêu quan trọng của TP.HCM trong kế hoạch đến 2025. Nhiệm vụ năm 2022 là dịch vụ công mức độ 4 phải hoàn thành 100%.
Các đại biểu tham dự hội nghị về chuyển đổi số TP.HCM
Các đại biểu tham dự hội nghị về chuyển đổi số TP.HCM

Cần tuân thủ kiến trúc chính quyền điện tử

Những khó khăn do đại dịch COVID-19 là bối cảnh khách quan đòi hỏi và đồng thời là nhu cầu tự thân thúc đẩy phải chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh nhanh hơn, hiệu quả trên địa bàn TP.HCM.

TP.HCM là một trong các địa phương có số dân sử dụng điện thoại thông minh cao nhất. Hạ tầng mạng cáp quang, internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ khắp 100% xã, phường, thị trấn. Trong năm 2021, TP.HCM xếp vị trí thứ 5 trong Bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, là điều kiện thuận lợi để tiếp tục chuyển đổi số.

Năm 2022, ngành thông tin và truyền thông được kỳ vọng tiếp tục phát triển nhanh, mạnh để thúc đẩy chuyển đổi số trong kiểm soát dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng chính quyền đô thị, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của người dân và doanh nghiệp cũng như khơi thông và phát huy nguồn lực xã hội để phát triển Thành phố.

Trong Chương trình chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, trên 900 đơn vị của hệ thống chính quyền TP.HCM đã liên thông văn bản điện tử thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục đào tạo, môi trường, quy hoạch đô thị, an ninh trật tự cũng triển khai nhiều ứng phục vụ công tác chuyên môn và cung cấp dịch vụ cho người dân.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Dương Anh Đức phát biểu

Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Dương Anh Đức phát biểu

Chỉ đạo về công tác chuyển đổi số, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh: “Cần tuân thủ Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố theo Quyết định số 2392/QĐ-ƯBND ngày 3 tháng 7 năm 2020 của UBND TP.HCM về cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.HCM. Thúc đẩy xây dựng chính quyền số; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Kinh tế số đóng góp 15% GRDP Thành phố”.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng, trong tháng 4/2022, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM sẽ triển khai và đưa vào hoạt động Cổng Chuyển đổi số TP.HCM và bản tin điện tử Chuyển đổi số TP.HCM. Trong đó, bản tin điện tử Chuyển đổi số TP.HCM tập trung cung cấp thông tin mới nhất hàng tháng, chủ trương, văn bản mới, mô hình giải pháp hay của địa phương.

Thời gian tới, các văn bản hướng dẫn, cẩm nang, học liệu từ UBND TP, Sở Thông tin và Truyền thông TP sẽ được đưa lên cổng chuyển đổi số thành phố. Tổng đài 1022 sẽ phát triển thành hệ thống giải quyết phản ánh của người dân, từ đó, địa phương có thể nắm được tình hình địa bàn.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - ông Lâm Đình Thắng

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - ông Lâm Đình Thắng

Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022

Để xây dựng TP.HCM trở thành Thành phố Digital, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng nhấn mạnh, mỗi địa phương phải thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu chính quyền làm trưởng ban. Đồng thời, các đơn vị, địa phương phải quy hoạch lại hệ thống dữ liệu, các ứng dụng theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông TP để có sản phẩm dùng chung cấp TP.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng lưu ý, dịch vụ công mức độ 4 phải hoàn thành 100% và thí điểm triển khai chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số dự kiến vào tháng 5/2022.

Sở TTTT khẳng định cần xây dựng, triển khai, vận hành Hệ thống cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử gắn với đánh giá hài lòng việc giải quyêt thủ tục hành chính của cơ quan hành chính TP.HCM; Liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Tích hợp, kết nối giữa Công Dịch vụ công Thành phố và Cổng Dịch vụ công Quốc gia, các cơ sở dữ liệu Quốc gia.

Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở TTTT TP.HCM

Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở TTTT TP.HCM

Trao đổi với VietTimes về kế hoạch xây dựng đô thị thông minh, bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết thêm các phương án phát triển hạ tầng số phục vụ cho đô thị thông minh: “TP.HCM xây dựng kiến trúc mạng viễn thông băng rộng dùng riêng cho đô thị thông minh. Tăng cường vùng phủ sóng và chất lượng dịch vụ viễn thông băng rộng di động (3G, 4G, hướng đến 5G) và mạng băng rộng cố định (cáp quang) đến cấp xã, khu phố ấp; Tăng cường phát triển, mở rộng hạ tầng viễn thông băng rộng di động và cáp quang tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận công nghệ. Xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh (smartphone) có kết nối internet cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn”.

Với nhiệm vụ phát triển kinh tế số, Phó Giám đốc Sở TTTT khẳng định: “Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch 3296/KH-UBND ngày 07 tháng 10 năm 2021 về triển khai “Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm Công nghệ thông tin - Truyền thông giai đoạn 2020 - 2030” năm 2021-2022. Đánh giá đóng góp của kinh tế số vào GRDP của thành phố năm 2021 để làm cơ sở đánh giá và điều chỉnh các chính sách phù hợp nhằm đảm bảo mục tiêu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của Thành phố. Tổ chức Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai”. Nghiên cứu, đề xuất để phát triển thành phố thành trung tâm công nghệ tài chính (Fintech hub). Nghiên cứu đề xuất các chính sách thử nghiệm (sandbox); đề xuất cơ chế để các doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ phục vụ chuyển đổi số. Hoàn thiện Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số của Thành phố (gọi tắt DXCenter)” – Bà Võ Thị Trung Trinh cho hay.